Ý định mua hàng xanh trong lĩnh vực thời trang của người tiêu dùng trẻ Việt Nam


Ngày 14/11 vừa qua, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ý định mua hàng xanh trong lĩnh vực thời trang của người tiêu dùng trẻ Việt Nam”. Diễn giả của tọa đàm là TS. Nguyễn Phương Mai, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý.

TS. Nguyễn Phương Mai đang phụ trách các học phần như: Quản trị chiến lược, Quản trị chiến lược quốc tế, Lý thuyết quản trị, Marketing hỗn hợp và truyền thông, và Lãnh đạo. Cô Phương Mai với nhiều năm nghiên cứu trong các lĩnh vực như: trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, tiêu dùng bền vững, khởi nghiệp, lãnh đạo, và quản trị chiến lược đã có rất nhiều các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.

TS. Nguyễn Phương Mai – Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý – là diễn giả chính của tọa đàm.

Chủ đề của tọa đàm là một khái niệm khá mới mẻ và hấp dẫn đối với toàn bộ độc giả tham dự. Trong khuôn khổ của tọa đàm, diễn giả đã chia sẻ những thông tin về bối cảnh ngành dệt may Việt Nam và tính cấp thiết của nghiên cứu về chủ đề mua hàng xanh trong ngành ngày. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của đất nước và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may cả nước dự kiến sẽ trở lại với giá trị xuất khẩu năm 2019 là 39 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ. 30 năm trở lại đây, vấn đề thời trang “mỳ ăn liền” (fast fashion) và tiêu dùng xanh (Green purchasing) trong thời trang đang nhận được nhiều sự quan tâm. Theo Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm đến môi trường, chỉ đứng sau dầu mỏ và chiếm từ 8 – 10% lượng khí carbon phát thải. Để giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, yếu tố then chốt chính là người tiêu dùng và hành vi mua sắm, tiêu thụ sản phẩm của họ. Tiêu dùng xanh (green consumption) hay tiêu dùng bền vững (sustainable consumption) là một trong các trụ cột của phát triển bền vững.

Hành vi tiêu dùng xanh không chỉ liên quan đến vấn đề tái sử dụng hay tiết kiệm năng lượng mà còn liên quan đến phản ứng của người tiêu dùng trước các thông tin sản phẩm trên nhãn mác và các thông điệp marketing của nhà sản xuất. Khái niệm “tiêu dùng xanh” gắn liền với “sản phẩm xanh”. Sản phẩm xanh (green product) được định nghĩa là một sản phẩm mà mẫu mã thiết kế hoặc các đặc tính sản phẩm (hoặc quá trình sản xuất sản phẩm) đã sử dụng các nguồn lực tái chế và đồng thời giảm thiểu rác thải độc hại gây ra môi trường bên ngoài. Các sản phẩm xanh còn được gọi tên là “sản phẩm sinh thái” hay “sản phẩm thân thiện với môi trường”, được dán nhãn sinh thái.

Trong nghiên cứu lần này, diễn giả cùng các cộng sự đã kết hợp 2 mô hình phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu về Hành vi tiêu dùng là Value Identity Personal norm model (VIP model) và Theory of Planned Behavior (TPB) để đề xuất 1 mô hình mới gồm 1 biến phụ thuộc là “Ý định mua hàng xanh” (Green Purchase Intention, GPI) và 5 biến độc lập (ESI, ATT, PN, SN, PBC). Theo diễn giả, đây là lần đầu tiên 2 mô hình VIP và TPB được kết hợp để nghiên cứu trong lĩnh vực thời trang. Đối tượng nghiên cứu mà nhóm hướng tới là người tiêu dùng Việt Nam trong độ tuổi 18-24. Sau khi thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu có được kết quả là 10/11 giả thuyết đưa ra được khẳng định.

Có thể thấy, với chủ đề này, nhóm nghiên cứu này đã tổng hợp các lý thuyết về hành vi tiêu dùng liên quan đến tiêu dùng xanh, mua hàng xanh; phân tích được bối cảnh thực tiễn của việc tiêu dùng các sản phẩm dệt may thời trang tại Việt Nam hiện nay; và đề xuất khung phân tích ý định mua hàng xanh các sản phẩm dệt may thời trang và xác định được các yếu tố ảnh hưởng. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu đưa ra được các hàm ý chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy tiêu dùng xanh tại Việt Nam; các khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may nhằm điều chỉnh các chiến lược sản xuất, marketing và phân phối nhằm đáp ứng theo sự thay đổi của ý định mua hàng xanh của người tiêu dùng.

Chủ đề được đánh giá là rất thực tế và hấp dẫn, thu hút sự tham gia và thảo luận sôi nổi từ giảng viên và các bạn sinh viên tham dự. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng như các nhà khoa học có quan tâm.

Nguyễn Thị Kim Duyên
Khoa Kinh tế và Quản lý