Ngày 6/7/2023, Câu lạc bộ Nhà Khoa học Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (VISL) phối hợp cùng Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp ĐHQGHN tổ chức workshop VISL Talk No.7 “Giới thiệu và tập huấn quyền sở hữu trí tuệ”.
Tham gia chương trình có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trường; ông Vũ Trọng Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp; ông Đào Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Nguyên Trưởng phòng Đăng ký sáng chế Y-Dược, Cục Sở hữu trí tuệ; ông Bùi Duy Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu Công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ và đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, sinh viên.
Workshop thu hút sự quan tâm của các cán bộ, giảng viên.
Mở đầu chương trình, đại diện Ban chủ nhiệm VISL, TS. Nguyễn Ngọc Linh, phát biểu khai mạc, chia sẻ về ý nghĩa của chuỗi workshop VISL – Talk do Câu lạc bộ Nhà Khoa học tổ chức cũng như định hướng về hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực phát minh sáng chế của các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong Trường.
Năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao tri thức và Trường Quốc tế đã ký Thỏa thuận hợp tác về công tác hỗ trợ và đăng ký sở hữu trí tuệ và tổ chức các workshop cho cán bộ, giảng viên trong Trường. Tại chương trình, ông Vũ Trọng Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, đã giới thiệu khái quát về Trung tâm và chia sẻ để người tham dự hiểu rõ hơn về các dịch vụ mà Trung tâm sẽ hỗ trợ cho Trường Quốc tế trong thời gian tới đây như: tư vấn và hỗ trợ thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; hỗ trợ soạn thảo đơn và hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ tra cứu nhãn hiệu để đăng ký cho 03 nhóm và không quá 20 dịch vụ; hỗ trợ nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ và theo dõi tiến trình giải quyết cho đến khi đơn đăng ký được coi là hợp lệ.
Ông Vũ Trọng Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, cho biết sẽ hỗ trợ Trường Quốc tế trong việc thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Tiếp theo chương trình, ông Đào Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Nguyên Trưởng phòng Đăng ký sáng chế Y-Dược, Cục Sở hữu trí tuệ, chia sẻ tổng quan về Sáng chế, Giải pháp hữu ích và sự cần thiết của đăng ký Sáng chế, Giải pháp hữu ích trong trường đại học; hướng dẫn đăng ký Sáng chế, Giải pháp hữu ích của Trường Quốc tế. Ông đã đưa ra các bài tập tình huống giúp người tham dự hiểu rõ và sâu hơn, tránh nhầm lẫn các khái niệm về Sáng chế và Giải pháp hữu ích.
Ông Đào Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, chia sẻ tổng quan về Sáng chế, Giải pháp hữu ích và sự cần thiết của đăng ký Sáng chế, Giải pháp hữu ích trong trường đại học.
Trong phần chia sẻ tổng quan về Nhãn hiệu và sự cần thiết của đăng ký Nhãn hiệu trong trường đại học, hướng dẫn đăng ký Nhãn hiệu của Trường Quốc tế, ông Bùi Duy Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu Công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, đã đưa ra ví dụ cụ thể về logo và nhãn hiệu Trường Quốc tế để nhà trường cũng như người tham dự hiểu rõ hơn về cách viết mô tả sao cho chính xác và phù hợp, cũng như giới thiệu về quy trình khi đăng ký sở hữu trí tuệ cho các nhãn hiệu. Hiện nay, nhà trường đã triển khai đăng ký và xác lập tài sản trí tuệ trong toàn trường. Nhiều sản phẩm đã được các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu đăng ký ví dụ như là Xe tự cân bằng con lắc ngược, Mô hình phân loại sản phẩm bằng công nghiệp xử lý ảnh kết hợp trí tuệ nhân tạo AI; Mô hình hệ thống kho vận thông minh và phần mềm quản lý hàng hóa thông minh; Xe tự cân bằng hai bánh; Robot công nghiệp 7 bậc tự do; Robot điều khiển từ xa sử dụng năng lượng mặt trời; Robot hoạt động dưới nước; Robot tự hành AMR; Hệ thống đo và giám sát chất lượng không khí AQI trong môi trường diện rộng dựa trên công nghệ LORA/IoT; Bộ thu thập datalogger đo tốc độ, hướng gió, lưu lượng mưa; Hệ thống trồng rau hữu cơ tự động chạy bằng năng lượng mặt trời; Quy trình chiết xuất tinh dầu Mắc khén; Hệ thống giám sát cây trồng,… Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ làm việc trực tiếp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao tri thức và các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ để cho ra đời những bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích mang thương hiệu Trường Quốc tế.
Ông Bùi Duy Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu Công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, chia sẻ tổng quan về Nhãn hiệu và sự cần thiết của đăng ký Nhãn hiệu trong trường đại học.
“Tôi có một vài sản phẩm muốn đăng ký phát minh sáng chế nhưng chưa rõ sẽ bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào. Thông qua chương trình hôm nay, được các diễn giả chia sẻ, hướng dẫn, tôi đã phân biệt được sản phẩm nào có thể đăng ký Phát minh sáng chế hay Giải pháp hữu ích và sẽ nhanh chóng triển khai để có thể thông qua Trường Quốc tế và Trung tâm CSK để đăng ký được thành công” – TS. Lê Xuân Hải, trưởng Nhóm nghiên cứu về Tự động hóa Trường Quốc tế, cho hay.
Diễn giả và người tham dự chụp ảnh lưu niệm.
Câu lạc bộ Nhà Khoa học Trường Quốc tế VISL hy vọng sau chương trình sẽ có nhiều đơn đăng ký phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học Trường Quốc tế.
Hạnh Hương
Phòng KHCN&HTPT