VSEFI 2024: Đổi mới và Kinh tế số


VSEFI 2024 thực sự là diễn đàn hàng đầu cho hoạt động trao đổi khoa học và hợp tác giữa các học giả Việt Nam và quốc tế trên các phương diện kinh doanh, tài chính và tiến bộ công nghệ.

Ngày 26 – 27/9/2024, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Khoa Kinh doanh & Luật, Đại học Curtin (Australia), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Paris-Saclay (CH. Pháp), tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ III về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2024).

Hội thảo quốc tế lần thứ III về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2024) được tổ chức trong hai ngày 26-27/9/2024.

VSEFI 2024 có hơn 60 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ 27 quốc gia, gồm Australia, Đài Loan (Trung Quốc), CH. Pháp, Hoa Kỳ, Philipines, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Bỉ, Hàn Quốc, Italy, Liên bang Nga, Estonia, Romania, Nam Phi, Canada, Israel, Đức, New Zealand, với các phiên thảo luận chuyên sâu về khởi nghiệp, tài chính, và đổi mới sáng tạo. Tại hội thảo, 41 bài nghiên cứu chất lượng chọn lọc từ gần 100 bài nộp, được trình bày trong 12 phiên song song, nhấn mạnh các nghiên cứu đột phá và các giải pháp sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc hội thảo. 

Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, bày tỏ Trường Quốc tế là đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học – công nghệ chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. “Thông qua các hội thảo quốc tế chất lượng như VSEFI, Trường mong muốn thu hút các học giả lớn trên thế giới đến trình bày những ý tưởng có chất lượng, chia sẻ các bài báo, kết quả nghiên cứu. Từ đó, các nhà khoa học của Trường Quốc tế và các trường đối tác có điều kiện trao đổi với nhau. Ngoài việc trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, từ đây nhiều ý tưởng mới sẽ nảy sinh”, PGS.TS Nguyễn Văn Định bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Đức Khương khẳng định VSEFI 2024 thực sự là diễn đàn hàng đầu cho hoạt động trao đổi khoa học và hợp tác.

GS.TS Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, chuyên gia Trường Quốc tế, khẳng định VSEFI 2024 thực sự là diễn đàn hàng đầu cho hoạt động trao đổi khoa học và hợp tác giữa các học giả Việt Nam và quốc tế trên các phương diện kinh doanh, tài chính và tiến bộ công nghệ. Hội thảo năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước bước ngoặt, đặt ra cả thách thức và cơ hội. Người tham dự khám phá cách thức khởi nghiệp, các giải pháp tài chính sáng tạo và công nghệ tiên tiến có thể thúc đẩy Việt Nam và thế giới hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn.

TS. Phạm Thu Phương – Phó giáo sư Tài chính, Đại học Curtin, Australia, điều hành các phiên chính

trong hội thảo. 

VSEFI 2024 nổi bật với 3 bài phát biểu chính, 1 phiên thảo luận bàn tròn chính sách, 1 phiên thảo luận đặc biệt thu hút sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tài chính. Giáo sư Neil Pearson – Giáo sư về Thị trường Tài chính và Hợp đồng Quyền chọn tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, Hoa Kỳ, đã đã trình bày nghiên cứu lựa chọn thị trường có loại bỏ các nhà đầu tư không hiệu quả hay không qua khảo sát từ hồ sơ tài khoản môi giới Trung Quốc mà nhóm nghiên cứu của ông (gồm Neil D. Pearson, Zhishu Yang, và Qi Zhang) đã thực hiện. Theo Giáo sư Neil Pearson, hầu hết các thị trường cần các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có kĩ năng chuyên sâu tham gia trong các nhóm đầu tư. “Tôi nghĩ cách để giảm thiểu tác động tiêu cực của các nhà đầu tư cá nhân không chuyên là cần có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn trên thị trường. Vì vậy, tôi sẽ đề xuất khuyến khích sự phát triển của các quỹ tương hỗ hoặc thậm chí là các quỹ đầu cơ hay các nhóm vốn tư nhân, các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác”.

Diễn giả Neil Pearson trình bày bài thuyết trình đầu tiên tại hội thảo. 

Hội thảo quốc tế về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo năm 2024 cũng tạo cơ hội để các chuyên gia trong nước trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác với các chuyên gia quốc tế. Trong phiên thảo luận chính sách bàn tròn, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu cùng các chuyên gia tài chính đã thảo luận về chủ đề “Đổi mới và Kinh tế số”. Ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chia sẻ ngân hàng số ở Việt Nam ngày nay phát triển mạnh mẽ. Người Việt Nam có thể làm mọi thứ chỉ với chiếc điện thoại, từ đặt xe công nghệ, mua sắm online và thanh toán bằng QR code. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Việt Nam đã học được rất nhiều bài học từ nước ngoài, trong đó có 5 điểm quan trọng giúp phát triển Kinh tế số: Mô hình hệ sinh thái tài chính (Financial eco system), Chính sách Ngân hàng mở (Open Banking Policy), Sự phát triển trong lĩnh vực tài chính, Đề xuất nhiều dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn cho người dùng và An ninh mạng, sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu cùng các chuyên gia tài chính đã thảo luận về chủ đề “Đổi mới và Kinh tế số”.

Ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chia sẻ ngân hàng số ở Việt Nam ngày nay phát triển mạnh mẽ.

Các chuyên gia khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong việc thúc đẩy Kinh tế số. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Định, trên cương vị của mình, trường đại học cần đi đầu trong việc cập nhật kiến thức mới, các xu hướng công nghệ của thế giới (AI, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn…) vào chương trình đào tạo của mình. Các trường cũng cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những bài toán thực tiễn của họ cũng như tập trung nhiều hơn cho việc phục vụ cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Định, trên cương vị của mình, trường đại học cần đi đầu trong việc cập nhật kiến thức mới, các xu hướng công nghệ của thế giới vào chương trình đào tạo.

Như vậy, VSEFI 2024 thực sự là một không gian sôi động để các chuyên gia Việt Nam kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với chuyên gia trên thế giới. Hội thảo không chỉ đơn thuần là các bài thuyết trình mà trở thành diễn đàn khơi nguồn ý tưởng và xây dựng những cầu nối khoa học cùng sự chuyển đổi xã hội. Hy vọng sau hội thảo, các chuyên gia sẽ cùng kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác để biến những ý tưởng thành hiện thực.

Người tham dự hội thảo quan tâm đế các chủ đề của hội thảo.