Việc làm trái ngành của các cử nhân kinh doanh và quản lý ở Việt Nam


Ngày 31/8/2022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc làm trái ngành của các cử nhân kinh doanh và quản lý ở Việt Nam”. Diễn giả của chương trình là TS. Trần Quang Tuyến – chuyên gia, giảng viên chính của Khoa Kinh tế và Quản lý.

TS. Trần Quang Tuyến là một trong 6 nhà nghiên cứu hàng đầu của ĐHQGHN về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, như nghèo đói, bất bình đẳng và tham nhũng. Tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài ĐHQGHN.

Chủ đề của tọa đàm là một trong những vấn đề nhức nhối trên thế giới và Việt Nam. Tại tọa đàm, TS. Trần Quang Tuyến nêu bật vấn đề liên quan đến hiện trạng làm trái ngành của cử nhân Việt Nam lĩnh vực kinh doanh và quản lý. Cụ thể, tỷ lệ làm trái ngành của Việt Nam dao động trong khoảng 20-67% tương ứng với các lĩnh vực khác nhau. Tỷ lệ làm trái ngành cao nhất nằm tại lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của hệ thống cử nhân Việt Nam với khoảng 67% làm trái nghề; trong khi đó, cử nhân ngành kinh doanh và quản lý có tỷ lệ trái ngành thấp nhất với khoảng 13%. Rõ ràng, làm việc trái ngành luôn là một trong những vấn đề nhức nhối, phản ánh khả năng kết nối giữa cung và cầu thực tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học tại Việt Nam.

Tỷ lệ làm trái ngành ở các tỉnh của Việt Nam, tính cho lao động với bằng cử nhân Kinh doanh và Quản lý.

Có nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề này, trong đó, tiền lương là một trong những sự quan tâm chính. Chính vì thế, liệu rằng làm trái ngành có tác động tới tiền lương hay không? Để trả lời câu hỏi này, TS. Trần Quang Tuyến chỉ ra rằng làm việc trái ngành làm giảm tiền lương trung bình khoảng 9-17% trong giai đoạn 2018-2020. Kết quả nghiên cứu đang trong quá trình công bố tạp chí uy tín trên thế giới.

Tiền lương trung bình của nhóm cử nhân đại học ngành kinh doanh-quản lý làm trái ngành luôn thấp hơn nhóm làm đúng ngành ở mọi phân vị lương.

Trong khuôn khổ tọa đàm, người tham dự đã thảo luận sôi nổi tính mới và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu này tại Việt Nam; cách thức tính toán quy mô mẫu, lựa chọn doanh nghiệp và đối tượng tham gia giả khảo sát; những thách thức trong triển khai nghiên cứu thử nghiệm và sau đó là nghiên cứu chính thức của chủ đề này; phương pháp xử lý dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu; các hàm ý thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chủ đề nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, góp phần gợi mở nhiều giải pháp liên quan đến đổi mới giáo dục, quy hoạch ngành và các vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa nhà trường và các đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam.

Diễn giả chụp ảnh cùng người tham dự tọa đàm.

Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên giữa các khoa cũng như các nhà khoa học có quan tâm.

Tin bài: Lê Văn Đạo

Ảnh: Phan Bảo Trung

Khoa Kinh tế và Quản lý