“Ba ngành mới sẽ cung cấp nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0” – Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ.Năm học 2022-2023, Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên đưa chương trình đào tạo cử nhân và kết hợp thạc sĩ cho ba ngành là Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số, Công nghệ thông tin Ứng dụng và Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp và Logistics.
Để hiểu thêm về chương trình đào tạo này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Phóng viên: Năm học 2022-2023 Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình đào tạo song song cử nhân kết hợp với thạc sĩ, xin thầy cho biết tính ưu việt của chương trình này là gì?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Trước hết, cần khẳng định rằng xu hướng đào tạo tích hợp/kết hợp giữa các trình độ đào tạo đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
Tại Mỹ, sinh viên có thể nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong thời gian 5 năm như các Trường: Đại học bang Florida, Đại học Kent State, Đại học Boston.
Hay tại Hà Lan, Trường Đại học Twente với chương trình 3+2 (liên kết với Trường Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc – USTC) cũng cho phép người học nhận bằng đại học của USTC và bằng thạc sĩ của Trường Đại học Twente trong thời gian 5 năm.
Tại Australia, Trường Đại học Sydney có chương trình đào tạo tích hợp cử nhân và thạc sĩ ngành Điều dưỡng trong thời gian 4 năm…
Ở Việt Nam, mô hình này cũng đã được áp dụng tại một số trường đại học như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (ảnh: NVCC)
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai mô hình này với 3 ngành đào tạo tại Trường Quốc tế. Đây là mô hình đào tạo cho phép người học có thể rút ngắn thời gian để được lấy bằng thạc sĩ nhờ vào việc học liên thông từ đại học lên thạc sĩ. Hoàn thành chương trình đại học, sinh viên được cấp bằng cử nhân và sau khi tích luỹ đủ 180 tín thì người học được cấp bằng thạc sĩ.
Bên cạnh đó, các chương trình này được tăng cường thời gian thực hành và thực tập tại doanh nghiệp, các học phần thuộc kiến thức nhóm ngành và ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức và kĩ năng để làm việc trong môi trường doanh nghiệp quốc tế cũng như khả năng học tập ở các bậc học cao hơn ở trong và ngoài nước.
Mặc dù thời gian hoàn thành chương trình thạc sĩ có thể được rút ngắn nhưng khối lượng, thời gian chương trình đào tạo vẫn đảm bảo đúng theo quy định, vì các chương trình đào tạo này, sinh viên phải tích luỹ đủ 145 tín chỉ, chỉ còn kém chương trình đào tạo bậc kĩ sư 5 tín chỉ (trong khi quy định với các chương trình cử nhân chỉ yêu cầu tối thiểu 120 tín chỉ tích lũy). Số tín chỉ dôi ra được thiết kế cho những môn học nâng cao, trong đó có những môn cho năm đầu như của chương trình thạc sĩ 2 năm.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo này còn được đảm bảo và chuẩn bị kĩ lưỡng cùng với yêu cầu cao về ngoại ngữ (chuẩn đầu ra B2), thời lượng thích đáng dành cho thực hành thực tập.
Kết thúc chương trình đại học, sinh viên được tiếp tục tích luỹ đến 180 tín thông qua các học phần và dự án/luận văn nghiên cứu để được nhận bằng thạc sĩ.
Với tổng số tín chỉ tích lũy là 180 tín chỉ, chương trình đào tạo tích hợp này hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu để cấp bằng cử nhân và thạc sỹ theo quy định, đảm bảo chất lượng, giúp người học có thể làm việc trong môi trường quốc tế cũng như học tập ở bậc cao hơn, có cơ hội phát triển đam mê và sự nghiệp.
Chương trình đào tạo này sẽ được thí điểm trong ba ngành là Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số, Công nghệ thông tin Ứng dụng và Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp và Logistics. Thầy có thể chia sẻ lý do Đại học Quốc gia Hà Nội chọn ba ngành này làm thí điểm?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đây là các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của khoa học kĩ thuật mà đặc biệt là công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng. Như tôi đã từng nhiều lần phát biểu, các ngành kỹ thuật công nghệ hiện nay đang là thời thượng, cơ hội việc làm tốt và có nhu cầu nhân lực cao trong và ngoài nước.
Đại học Quốc gia Hà Nội lựa chọn 3 ngành này vì đây là các ngành rất quan trọng, cung cấp nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, chương trình Công nghệ thông tin ứng dụng sẽ cung cấp đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và đặc biệt là hai định hướng: an toàn thông tin, IoT và các hệ thống nhúng.
Chương trình Công nghệ tài chính và Kinh doanh số cung cấp đội ngũ nhân lực sử dụng các công cụ công nghệ thông tin, khoa học tính toán trong kinh doanh và tài chính.
Chương trình Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics trang bị cho người học kiến thức và kĩ năng thiết kế sản phẩm, quản lý và điều hành sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất và sử dụng các công nghệ để cải tiến quá trình sản xuất công nghiệp.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế tại Lễ Mit tinh kỷ niệm
20 năm Ngày Truyền thống.
Thưa thầy, sinh viên ba ngành này sẽ học như thế nào để đảm bảo chất lượng và thời gian ra trường.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Sinh viên khi vào học các chương trình này thì giai đoạn đầu các em học tương tự như sinh viên các chương trình đại học khác. Trong hai năm đầu tiên các em sẽ tập trung học các học phần cơ bản và cơ sở bằng tiếng Việt.
Song song với các học phần cơ bản và cơ sở, sinh viên trau dồi năng lực tiếng Anh để đạt trình độ tiếng anh B2 trước khi học các học phần trong khối kiến thức nhóm ngành và ngành trong năm thứ 3 và năm thứ 4. Sinh viên tích luỹ đủ 145 tín chỉ sẽ được nhận bằng cử nhân.
Khi sinh viên tích luỹ đủ được từ 120 tín chỉ trở lên và điểm trung bình chung đạt 2,5/4 có thể đăng kí học và tích luỹ sớm các học phần trong chương trình thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên có nhu cầu sẽ được tiếp tục học liên tục để tích luỹ đủ 180 tín chỉ, hoàn thành luận văn và nhận bằng thạc sĩ.
Một thực tế là những năm gần đây, sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ thường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Một tỷ lệ không nhỏ các em sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội còn được các doanh nghiệp thu hút, có việc làm ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nên sau khi tốt nghiệp đại học nhiều em ngại học lên bậc sau đại học. Cơ hội học liền mạch vừa tạo động lực, vừa tạo thuận lợi cho người học tiếp nhận kiến thức của chương trình đào tạo thạc sĩ khi kiến thức của chương trình đào tạo đại học vẫn còn tươi mới.
Các học phần từ khối kiến thức nhóm ngành của chương trình đại học và các học phần của chương trình thạc sĩ sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh với giáo trình của các trường đại học lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, các chương trình này coi trọng và tạo cho sinh viên cơ hội thực hiện các đồ án, đề tài nghiên cứu, cơ hội thực hành thực tập trong doanh nghiệp.
Với cách tổ chức và quản lý đào tạo như vậy, chúng tôi tin tưởng các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có trình độ chuyên môn và chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu để làm việc cho các doanh nghiệp lớn cũng như học tập ở các bậc cao hơn tại nước ngoài.
Giáo sư có kỳ vọng như thế nào về sự thành công của mô hình này và sẽ tiếp tục nhân rộng ra các ngành khác?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đây là mô hình phù hợp với xu thế đào tạo tiên tiến trên thế giới và được xây dựng bài bản, khoa học, đáp ứng yêu cầu cả về thời lượng cũng như nội dung chương trình đào tạo, kỹ năng, chuẩn đầu ra cho người học, nên tôi tin rằng sẽ nhận được sự quan tâm của người học và xã hội.
Mô hình này hứa hẹn sẽ tạo động lực thúc đẩy các em sinh viên của các ngành kĩ thuật công nghệ tiếp tục học tập ở các bậc cao hơn ngay sau khi hoàn thành chương trình đại học, góp phần vào việc phát triển xã hội học tập cũng như tạo nguồn cho bậc nghiên cứu sinh, phát triển môi trường đại học nghiên cứu. Mô hình cũng sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục xem xét mở rộng cho các ngành đào tạo có nhu cầu lớn với nguồn nhân lực trình độ cao trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đình Đức.
Theo Giáo dục Việt Nam