Trường Quốc tế nhận chứng nhận đăng ký nhãn hiệu


Ngày 29/08/2024, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) (VNU-CSK) tổ chức chương trình Kết nối các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp. Chương trình nhằm thu hút các ý tưởng, giải pháp để giải quyết các đầu bài từ thực tiễn, từ đó gia tăng các hoạt động chuyển giao, thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ, phát triển các doanh nghiệp start-up/spin-off phục vụ sự phát triển của cộng đồng xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Định đánh giá cao các kết quả hoạt động hợp tác giữa Trường Quốc tế với CSK trong hơn một năm qua.

PGS.TS. Nguyễn Văn Định – Hiệu phó Trường Quốc tế, đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên Nhà trường tham dự chương trình. Trong chương trình, đại diện lãnh đạo Trường Quốc tế, PGS.TS. Nguyễn Văn Định đánh giá cao các kết quả hoạt động hợp tác giữa Trường Quốc tế với CSK trong hơn một năm qua. PGS.TS. Nguyễn Văn Định nhấn mạnh hoạt động hợp tác này có ý nghĩa quan trọng đối với Trường Quốc tế và Nhà trường cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng CSK để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả tại Trường Quốc tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung.

Lãnh đạo và giảng viên Trường Quốc tế nhận đăng ký nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ.

Trong khuôn khổ chương trình, CSK đã tiến hành trao kết quả đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền) cho 20 sản phẩm của các nhà khoa học ĐHQGHN, ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp với các đơn vị, nhà khoa học trong ĐHQGHN. PGS.TS. Nguyễn Văn Định thay mặt Nhà trường nhận chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng và TS. Lê Xuân Hải nhận chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng là điều cấp thiết. Đặc biệt hơn, trong môi trường giáo dục đại học, vấn đề bảo vệ quyền tác giả đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn, bởi đây là nơi hình thành rất nhiều các tác phẩm chứa đựng sự sáng tạo cũng như là môi trường cần thiết tiếp cận các tài sản trí tuệ ấy. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có sự quản lý hiệu quả cũng như những biện pháp cụ thể cho mỗi trường đại học trong việc tạo lập hành lang quy chế tác động vào nhận thức của mỗi người, nhất là giảng viên và sinh viên để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả được tốt nhất. Điều này cũng góp phần tích cực trong công cuộc bảo vệ tài sản trí tuệ nói chung tại các cơ sở giáo dục đại học.

TS Lê Xuân Hải đại diện nhóm đăng ký sở hữu trí tuệ phát biểu.

Là đơn vị được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đầu mối triển khai công tác về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang hỗ trợ các nhà khoa học, người học cũng như các doanh nghiệp về các hoạt động như: Tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; Tiếp nhận và chuyển giao tri thức, ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ; Ươm tạo công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo và nghiên cứu theo đặt hàng để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung – cầu, hỗ trợ các nhà khoa học hợp tác doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư cho các sản phẩm KH&CN, phát triển dịch vụ KH&CN; đa dạng hoá nội dung và hình thức triển khai, chú trọng chất lượng, hiệu quả; tăng cường công tác chuyển giao, thương mại hoá sản phẩm KH&CN, thúc đẩy các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo và tăng cường uy tín, vị thế của ĐHQGHN.

Xem thêm bài viết của CSK
https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N35536/Hop-tac-dai-hoc-%E2%80%93-doanh-nghiep-giup-gia-tang-gia-tri-va-phat-trien-ben-vung-cho-xa-hoi.htm