Ngày 23/2/2023, Hiệu trưởng Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Trung Thành đã có buổi làm việc với PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh – Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Hiệu trưởng Trần Anh Hào cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Nhà trường và Viện.
Hiệu trưởng Lê Trung Thành có buổi thăm và làm việc với Viện Trần Nhân Tông.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Trung Thành chia sẻ Trường Quốc tế đang xây dựng chương trình phát triển con người sinh viên theo ba yếu tố Giới – Định – Tuệ, giúp sinh viên bồi dưỡng nhân cách, rèn luyện nghị lực, và gia tăng trí tuệ phát triển cả bên trong lẫn bên ngoài. Các em sinh viên, khi học tập tại Trường, sẽ trở thành những người có đủ Thân khỏe – Tâm an – Tuệ mẫn, Sức khỏe – Bình an – Thông thái để khẳng định sự tồn tại và giá trị bản thân, có thể giúp mình, giúp người và giúp đời trong tương lai. Với triết lý như trên, Trường nhận thấy có thể hợp tác với Viện Trần Nhân Tông để cùng thực thi chương trình hành động của mình. Trường Quốc tế mong muốn có thể thông qua Viện mời các diễn giả là các sư thầy uyên bác, chuyên gia đến để chia sẻ, hoặc cùng tham gia các hội thảo, các hoạt động vì cộng đồng. Thông qua các hoạt động này, sinh viên Nhà trường vừa có cơ hội phát triển con người bên trong mình, vừa được tham gia vào việc xây dựng cộng đồng và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về các hoạt động của Viện Trần Nhân Tông.
Tiếp lời của Hiệu trưởng Trường Quốc tế, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh khẳng định Khoa Quốc tế, bây giờ là Trường Quốc tế, là đơn vị năng động, cởi mở, hiện đại, luôn bắt được đúng và theo kịp nhu cầu, xu thế của xã hội. Viện Trần Nhân Tông mong muốn cùng với Trường Quốc tế phát triển 3 giá trị quan trọng. Thứ nhất, khơi lại giá trị văn hóa tinh thần có chiều sâu vào trong nhà trường. Thứ hai, đóng góp vào sự cân bằng, hài hòa về tinh thần trong thế hệ trẻ và Phật giáo có lợi thế lớn trong công cuộc này. Thứ ba, tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu để phụng sự xã hội. Người học tốt nghiệp ra trường có trong mình tinh thần phụng sự xã hội thì sẽ có chiều sâu văn hóa, con người sẽ phát triển và tự sẽ có nhiều cơ hội tốt.
PGS.TS Lê Trung Thành thăm quan Viện Trần Nhân Tông.
Về các hoạt động hai đơn vị có thể cùng triển khai trong thời gian tới, lãnh đạo hai đơn vị thống nhất sẽ mời các sư thầy uyên thâm, các chuyên gia đến chia sẻ chủ đề hữu ích cho cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường. Viện Trần Nhân Tông cũng sẽ chia sẻ thông tin về các chương trình hoạt động trải nghiệm tại các địa phương, hoạt động ngoại khóa bổ ích dành cho ISers. Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông Nguyễn Tiến Vinh cũng đề xuất việc nghiên cứu lồng ghép các tư tưởng của Phật giáo vào trong các môn học để qua đó tạo dựng cho sinh viên một đời sống nội tâm sâu sắc và phong phú. Về việc cùng tham gia phát triển văn hóa đọc tại Trường Quốc tế, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh cho hay Viện sở hữu một kho sách quý về văn hóa, Phật giáo, ngôn ngữ cổ và có liên kết với thư viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Học viên, sinh viên có thể mượn đọc những cuốn sách này. Viện cũng có thể tổ chức các lớp học viết thư pháp, học chữ Nôm, chữ Hán cho sinh viên Nhà trường.
Đại diện Trường Quốc tế và Viện Trần Nhân Tông chụp ảnh lưu niệm.
Ngày 01/09/2016, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Viện Trần Nhân Tông là tổ chức khoa học và đào tạo đặc thù, đặc biệt, việc quyết định thành lập Viện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước tới văn hóa truyền thống dân tộc và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo đối với văn hóa tư tưởng, tôn giáo truyền thống.
Viện Trần Nhân Tông sẽ là nơi từ góc độ học thuật tôn lên dòng lành mạnh, chân tu và trí tuệ của Phật giáo, góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa.
Viện Trần Nhân Tông sẽ cố gắng qua các công trình nghiên cứu chuyên sâu khơi dòng chân đạo của Phật giáo, làm sáng tỏ thêm và đầy đủ thêm di sản tinh thần của Trần Nhân Tông, thời đại ông, văn hóa đời Trần, Trúc Lâm và văn hóa truyền thống Việt Nam. Thông qua hoạt động đào tạo, chủ yếu ở bậc Tiến sĩ, Viện sẽ cố gắng đào tạo những người tu hành tài năng làm hạt nhân phát triển Phật học mang tính nhân văn. Viện sẽ tích cực hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa, học thuật trong và ngoài nước để củng cố đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
Như vậy, trong thời gian tới, Trường Quốc tế và Viện Trần Nhân Tông sẽ phối hợp triển khai nhiều chương trình hoạt động để phát triển con người sinh viên, học viên toàn diện, từ gốc rễ.