Tọa đàm về giáo dục không biên giới: Không còn biên giới giữa các lĩnh vực đào tạo


Ngày 21/7/2022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm quốc tế với chủ đề “Giáo dục không biên giới: Những thách thức toàn cầu” – “International Colloquium: Global Challenges”.

Chương trình Tọa đàm là một trong số chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống Trường Quốc tế. Tọa đàm quốc tế về giáo dục là chương trình được tổ chức vào các dịp đặc biệt – kỷ niệm thành lập Trường Quốc tế.

Tọa đàm quốc tế với chủ đề “Giáo dục không biên giới: Những thách thức toàn cầu” được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống Trường Quốc tế.

Tham dự Tọa đàm có Phó Giám đốc ĐHQHGN Nguyễn Hoàng Hải, các nhà lãnh đạo giáo dục, các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các chuyên gia, học giả đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Đài Loan – Trung Quốc, Malaysia… Tọa đàm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ khái niệm biên giới theo 5 khía cạnh.

Trong phần phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ biên giới ngày nay có thể hiểu theo 5 khía cạnh như sau. Thứ nhất, là biên giới về địa lý, biên giới này ngày nay cũng hoàn toàn lu mờ khi mà người học ở nhà vẫn có thể học hỏi được kiến thức từ thầy giỏi ở một đất nước khác. Thứ hai, không còn biên giới giữa các lĩnh vực đào tạo, giáo dục hiện nay đang theo xu hướng phát triển đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và nhiều cấn đề phức tạp chỉ có thể giải quyết được nhờ những kiến thức xuyên ngành. Thứ ba, không còn biên giới về tuổi tác trong dạy học, người học cần được học kiến thức toàn diện, rộng ngay từ khi bước chân vào đại học, không phải chờ đến lứa tuổi nhất định mới truyền đạt kiến thức phù hợp. Thứ tư, biên giới giữa người dạy – người học đang bị xóa nhòa. Trò có thể người cộng tác, giúp người thầy, giúp giải quyết các vấn đề đặt ra. Thứ năm, biên giới trong tư duy, suy nghĩ mỗi người. Nhiều người có định kiến trò không thể giỏi hơn thầy, đây là định kiến cần xóa bỏ. Thế giới không ngừng vận động, biến đổi, định kiến, biên giới trong tư duy như vậy cần phải xóa nhòa.

GS.TSKH Hồ Tú Bảo – chuyên gia Trường Quốc tế – trình bày về chuyển đổi số trong giáo dục.

Sau bài phát biểu đề dẫn là các bài tham luận rất sâu sắc của những người tham dự về chủ đề. GS.TSKH Hồ Tú Bảo – chuyên gia Trường Quốc tế, Giám đốc chương trình Phân tích dữ liệu kinh doanh – trình bày về chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”. Theo GS. TS Hồ Tú Bảo, cốt lõi của việc chuyển đổi số không phải là việc dùng công nghệ thông tin, nâng cấp công nghệ thông tin, mà chính là thay đổi cách sống, cách làm việc khi dùng công nghệ thông tin và nơi nào chuyển đổi số thì chính nơi đó phải xây dựng chiến lược, lộ trình, thực hiện. Đặc biệt, quá trình triển khai chuyển đổi số cần phải làm tốt trên 03 nhân tố: Con người (nhận thức và năng lực số); thể chế (môi trường pháp lý và định chế), công nghệ (hạ tầng số). Để đảm bảo thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nói chung và trong giáo dục nói riêng, chúng ta cần tập trung phát triển các nền tảng số bao gồm: Đảm bảo môi trường số, các hệ thống công cụ (ứng dụng web, ứng dụng thiết bị di động, giao tiếp giữa các dịch vụ…); phát triển các ứng dụng phần mềm, kết nối con người, đồng thời, nên áp dụng phương pháp luận theo mô hình 2-3-5 (02 quan điểm (thay đổi với tư duy hệ thống; thay đổi với dữ liệu và kết nối); 03 nguyên tắc (tổng thể và toàn diện; đồng bộ và đột phá; chính chủ là lãnh đạo); 05 vấn đề (nhận thức và năng lực số; hành lang pháp lý và định chế; hạ tầng số; lộ trình chuyển đổi; quản trị thực thi).

GS.TS Datuk Dr. Paul Chan – Hiệu trưởng Trường Đại học HELP – trình bày Chương trình phát triển kỹ năng tự học cho những người trưởng thành.

GS.TS Datuk Dr. Paul Chan – Hiệu trưởng Trường Đại học HELP – có bài chia sẻ khá thú vị về việc phát triển kỹ năng tự học cho những người trưởng thành. Chương trình phát triển kỹ năng cho những người trưởng thành của Trường Đại học HELP đã được Bộ Giáo dục Malaysia công nhận bản quyền và cho triển khai rộng rãi. Để thực hiện được chương trình này, Trường Đại học HELP tập trung xây dựng văn hóa học từ xa bền vững, phát triển hệ một hệ sinh thái giáo dục số. Các chương trình học đa dạng hóa, giáo trình hiện tại được cải thiện để tận dụng văn hóa kỹ thuật số và công nghệ thông tin. Ngoài ra, Trường cũng đặc biệt tập trung giúp đỡ người học xây dựng năng lực công nghệ thông tin. Nhà trường giới thiệu nhiều chương trình bắt buộc, nhưng không mất phí, để giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin.

TS. Tzu – Hsiang Ko, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa – cho biết Trường đã tạo môi trường giáo dục không biên giới.

TS. Tzu – Hsiang Ko, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa, khẳng định Dịch bệnh đã khiến hình thức giảng dạy và học tập thay đổi: ở nhiều chỗ, nhiều nơi giảng dạy trực tiếp không còn phù hợp với mong muốn của người học. Vì vậy, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa đã tạo môi trường giáo dục không biên giới. Nhà trường tiến hành xây dựng phần mềm chuyên nghiệp giảng dạy, học tập trực tuyến, các video cho khóa học trực tuyến và khuyến khích giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến nhiều hơn. TS. Tzu – Hsiang Ko đánh giá cao mô hình giảng dạy trực tuyến vì nhờ dạy học trực tuyến, Trường có thể dễ dàng mời các chuyên gia, giảng viên giỏi, chuyên gia doanh nghiệp trên toàn thế giới về giảng dạy cho sinh viên. Sinh viên cũng sẽ đỡ thiệt thòi hơn khi học trực tuyến.

PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – chia sẻ chủ đề về việc quản trị nhân lực trong bối cảnh giáo dục không biên giới.

PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – chia sẻ chủ đề rất hay về việc quản trị nhân lực trong bối cảnh giáo dục không biên giới. Theo PGS.TS Đào Thanh Trường, giáo dục không biên giới hình thành nhóm nhân lực giảng dạy dịch chuyển. Nhóm nhân lực này có khả năng di động xã hội lớn, thành thạo công cụ giảng dạy hiện đại, là nhóm nhân lực liên ngành, xuyên ngành, trẻ trung, năng động, sáng tạo… Vậy làm sao để giữ chân nhóm nhân lực này trong các cơ sở giáo dục, làm sao để tạo động lực cho họ cống hiến và phát triển tổ chức. PGS.TS Đào Thanh Trường đã đề xuất một số giải pháp như có thể không trả lương cố định, mà trả theo gói, theo dự án, theo các chương trình hay không quản lý nhân sự theo kiểu hành chính.

 

Người tham dự cùng chia sẻ, thảo luận.

Xuyên suốt các tham luận, người tham dự dần hình cái nhìn rõ nét hơn về xu thế hiện nay của giáo dục đại học: các ranh giới thời gian, không gian, lĩnh vực hoạt động, mô hình đào tạo dần bị xoá mờ; sự giao thoa giữa các ngành nghề, kết nối giữa trường đại học với nhau và với doanh nghiệp, với thị trường ngày càng trở nên rõ nét hơn.
Trong phần trao đổi trực tiếp tại buổi hội thảo, các chuyên gia và học giả đã cùng chia sẻ thêm những bài học kinh nghiệm trong việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào các bài giảng thực tế trên lớp, triết lý giáo dục, chính sách vi mô và vĩ mô của các trường trong việc thay đổi thói quen giảng dạy và học tập của từng giảng viên và sinh viên.

Tọa đàm đàm quốc tế “Giáo dục không biên giới: Những thách thức toàn cầu” – không là một hoạt động ý nghĩa chào mừng 20 năm Ngày Truyền thống.

Kết thúc buổi tọa đàm, các nhà giáo dục và học giả đã đi đến kết luận rằng: sự thay đổi trong thế kỷ mới đang diễn ra rất nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục. Ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và học tập là cách duy nhất tạo nên sự thay đổi cho ngành giáo dục. Sự thay đổi đó cần được tiến hành toàn diện từ phương pháp, phương tiện giảng dạy tới hình thức kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập, thay đổi không bó hẹp trong khuôn viên một trường đại học, một quốc gia mà là sự thay đổi toàn diện của giáo dục toàn cầu. Ngoài ra cũng cần gia tăng sự hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp như là một điểm then chốt quyết định sự thành công và phát triển bền vững của các đơn vị đào tạo hướng tới nhu cầu của xã hội và nhân loại.

Tọa đàm đàm quốc tế “Giáo dục không biên giới: Những thách thức toàn cầu” – không chỉ là một hoạt động ý nghĩa chào mừng 20 năm Ngày Truyền thống Trường Quốc tế, những chia sẻ đến từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách từ nhiều nước trên thế giới đã mang đến cho người tham dự những góc nhìn mới, quan điểm mới đồng thời xây dựng được một cái nhìn toàn cảnh về những gì các trường đại học trên thế giới đã, đang và sẽ thực hiện trong một thế giới mà giáo dục đã trở nên không còn biên giới.

Tin bài về tọa đàm trên báo: 

VTC: https://youtu.be/wvIhqiH7fCI

HTV: https://youtu.be/Wu4-ybYvMUE