Tọa đàm “Tương lai nghề nghiệp và giáo dục trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”


Ngày 27/12/2024, Khoa Các Khoa học Ứng dụng, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Tương lai nghề nghiệp và giáo dục trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”. Chương trình thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI và giáo dục, cùng đông đảo giảng viên, sinh viên, các giáo viên và các bạn học sinh THPT tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong kỷ nguyên AI

Mở đầu tọa đàm, TS. Phạm Tấn Hoàng Sơn – Trưởng bộ phận nghiên cứu Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Giáo dục, Nhà Việt Institute, Massachusetts, USA – đã trình bày về những cơ hội và thách thức mà AI mang lại cho thị trường lao động Việt Nam và thế giới. Ông nhấn mạnh rằng, trong 5 năm tới, các ngành nghề như sản xuất, dịch vụ khách hàng và logistics sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ AI, đòi hỏi người lao động phải nâng cao kỹ năng và thích ứng với công nghệ mới. Diễn giả đã chia sẻ về 5 xu hướng nghề nghiệp trong thời đại AI tại Hoa kỳ và trên thế giới, cũng như 6 bước để chuẩn bị tốt hơn trong thời đại AI, bao gồm: xác định vị trí, lựa chọn hướng đi, học tập liên tục, xây dựng mạng lưới, lập kế hoạch, đánh giá định kỳ, và thực hành tư duy tích cực.

TS. Phạm Tấn Hoàng Sơn – trình bày về những cơ hội và thách thức mà AI mang lại cho thị trường lao động Việt Nam và thế giới.

Xu hướng công nghệ giáo dục và ứng dụng AI trong học tập, giảng dạy

Tiếp nối chương trình, ThS. Nguyễn Hoàng Nam – Nghiên cứu sinh về Trí tuệ nhân tạo trong Giáo dục tại Harvard University và Giảng viên tại Boston University, Massachusetts, USA – đã chia sẻ về các xu hướng công nghệ giáo dục hiện nay. ThS. Nguyễn Hoàng Nam đặc biệt nhấn mạnh vai trò của AI trong việc cá nhân hóa học tập, hỗ trợ giảng viên trong việc thiết kế bài giảng và đánh giá kết quả học tập. ThS. Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Boston, nơi AI được tích hợp vào quá trình dạy và học, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục.

ThS. Nguyễn Hoàng Nam – chia sẻ về các xu hướng công nghệ giáo dục hiện nay.

Thảo luận mở và kết nối

Phần cuối của tọa đàm là thảo luận mở, với sự điều hành của TS. Phạm Đức Thọ – Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số, Trường Quốc. Các câu hỏi tập trung vào việc giáo viên cần làm gì để không bị AI thay thế, và sinh viên nên phát triển những kỹ năng nào để học tập và làm việc hiệu quả trong kỷ nguyên số. Cũng trong phần thảo luận, TS. Trần Đức Quỳnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh chuẩn đầu ra và nội dung học phần để đáp ứng các yêu cầu mới từ thị trường lao động, khi mà các yêu cầu kỹ năng của thời đại mới thay thế dần các kỹ năng trước đây.

Người tham dự trực tuyến và trực tiếp cùng chụp ảnh lưu niệm. 

Các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng học tập suốt đời, đồng thời khuyến nghị các trường học và tổ chức giáo dục tại Việt Nam nên tích cực ứng dụng công nghệ giáo dục, đi kèm với nâng cao đào tạo về đạo đức học thuật, đạo đức sử dụng AI cho sinh viên để bắt kịp xu thế toàn cầu. Các câu hỏi của người tham dự đã được các diễn giả giải đáp cụ thể, mang đến nhiều góc nhìn thực tiễn.

Buổi tọa đàm kết thúc thành công, mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng AI trong giáo dục, đồng thời cung cấp những thông tin quý báu cho sinh viên và giảng viên về việc chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Phạm Đức Thọ

Khoa Các khoa học ứng dụng