Tọa đàm khoa học: Nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế trong thời đại số


Trong tháng 3 vừa qua, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với các chủ đề: “Factors Affecting Repurchase Intention in Fast Fashion”, “Exloring Global and Vietnamese AI adoption trends and economics impact” và “A bibliometric analysis of digital content marketing in the tourism industry: Insights from the Scopus database”. Diễn giả là ThS.Lê Mỹ Hạnh, ThS Nguyễn Thị Hương Ly và NCS.ThS. Vũ Diệu Thúy – giảng viên của Khoa. Chương trình thu hút sự quan tâm của các giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường.

Trong bài trình bày của mình, ThS. Lê Mỹ Hạnh tập trung khám phá hành vi mua lại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thời trang nhanh (Fast Fashion) bằng cách đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố tới ý định mua lại, đồng thời xem xét vai trò trung gian của nhận thức quan hệ khách hàng.

ThS. Lê Mỹ Hạnh tập trung khám phá hành vi mua lại của người tiêu dùng trong lĩnh vực thời trang nhanh.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả đánh giá ảnh hưởng của nhận diện thương hiệu, Marketing trên mạng xã hội và không gian của cửa hàng đến ý định mua lại của khách hàng. Bên cạnh đó vai trò trung gian của nhận thức về quan hệ khách hàng cũng được kiểm tra trong nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng thông qua thu thập dữ liệu khảo sát với quy mô mẫu là 291. Dữ liệu sau khi làm sạch được xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0 và Smart PLS 3. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các giả thuyết đều được ủng hộ ở mức ý nghĩa 5%. Trong đó, vai trò trung gian của nhận thức về quan hệ khách hàng được thể hiện rõ rệt. Ngoài tác động gián tiếp qua nhân tố cảm nhận quan hệ khách hàng, các nhân tố như nhận thức về thương hiệu; bầu không khí cửa hàng và truyền thông mạng xã hội đều có tác động trực tiếp đến ý định mua lại. Yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến nhận thức quan hệ khách hàng là nhận thức về không gian cửa hàng, tiếp theo là truyền thông mạng xã hội và nhận diện thương hiệu.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt lý thuyết, nghiên cứu còn có những ý nghĩa thực tiễn giúp cho các công ty, các cửa hàng, các hãng thời trang nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu và gia tăng trải nghiệm tại cửa hàng của khách hàng.

Trong chủ đề thứ 2, ThS Nguyễn Thị Hương Ly khám phá xu hướng chấp nhận AI trên thế giới và Việt Nam cùng những tác động về kinh tế của AI. Tác động của AI trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, marketing. AI cũng định hình lại mô hình kinh doanh và nâng cao năng suất nhiều ngành. Việc tích hợp công nghệ AI ước tính sẽ bổ sung khoảng 157 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế toàn cầu năm 2030. Theo đó, AI ngày càng được ứng dụng nhiều trong doanh nghiệp cho thấy sự chuyển dịch theo hướng số hóa và đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh. Có đến 83% doanh nghiệp trên toàn thế giới ưu tiên sử dụng AI như một chiến lược ưu tiên hàng đầu.

ThS Nguyễn Thị Hương Ly khám phá xu hướng chấp nhận AI trên thế giới và Việt Nam cùng những tác động về kinh tế của AI.

Tại Việt Nam, chiến lược AI quốc gia được khởi xướng từ năm 2021 nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về công nghệ và đổi mới AI vào năm 2030. Thị trường AI của Việt Nam cũng đang trên đà phát triển và ước tính đạt 1 tỷ đô la vào năm 2025. Những con số này phần nào phản ánh tiềm năng tăng trưởng và vai trò của AI trong nền kinh tế. Trong nghiên cứu, tác giả chỉ ra 2 AI được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh doanh là dùng để phân tích, minh họa dữ liệu (Analysis and Illustrations). Bên cạnh đó, 3 vai trò của AI trong marketing cũng được đề cập như ứng dụng trong phân tích dữ liệu lớn để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng một cách hiệu quả; tương tác với người dùng thông qua Chatbot và ứng dụng trong dự đoán hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, các ứng dụng cụ thể của AI như ChatGpt, Gemini trong nghiên cứu khoa học chuyên sâu, trong kinh doanh, Marketing cũng được tác giả đề cập và thảo luận.

NCS.ThS. Vũ Diệu Thúy tập trung vào chủ đề marketing nội dung trên nền tảng kĩ thuật số (Digital Content Marketing – DCM) trong lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu đưa ra để trả lời các câu hỏi như: Quy mô, mô hình tăng trưởng và sự phân tán lãnh thổ của các ấn phẩm về DCM trong ngành du lịch là gì? Ai là những nhà nghiên cứu hàng đầu về DCM dựa trên khối lượng ấn phẩm và tác động trích dẫn? Những trường phái tư tưởng chính định hình DCM trong ngành du lịch và cuối cùng, những chủ đề mới nổi, xu hướng nghiên cứu hiện tại về DCM trong ngành du lịch là gì.

Để đạt được mục tiêu và trả lời câu hỏi nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục học (Bibliometric method), là việc sử dụng phương pháp định lượng để phân tích tài liệu xuất bản với mục tiêu đánh giá sự phát triển tri thức và đo lường ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 1,013 bài báo trong danh mục Scopus có liên quan đến từ khóa DCM, trong đó có 853 bài báo phù hợp được lựa chọn để đưa vào phân tích. Tác giả sử dụng kĩ thuật phân tích đồng tác giả, ghép nối thư mục và phân tích đồng hiện.

NCS.ThS. Vũ Diệu Thúy tập trung vào chủ đề marketing nội dung trên nền tảng kĩ thuật số (Digital Content Marketing – DCM) trong lĩnh vực du lịch.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng ấn phẩm về DCM trong du lịch đã tăng vọt kể từ năm 2019, do đại dịch COVID-19. Trước năm 2019, các ấn phẩm hàng năm ít hơn 50 nhưng kể từ đó đã tăng gấp ba lần khi các doanh nghiệp áp dụng nền tảng kĩ thuật số để tiếp cận. Về mặt phân bố địa lý, Trung Quốc dẫn đầu về số lượng bài báo được công bố (116 tài liệu), tiếp theo là là Hoa Kỳ. Châu Âu chiểm tỷ lệ lớn nhaagts về các ấn phẩm từ năm 2006 đến 2024, với 505 tài liệu đến từ 22 quốc gia. Các học giả Stepchenkova,Law, Filieri, Chen và Marine-Roig là những tác giả có ảnh hưởng nhất trong nghiên cứu DCM trong lĩnh vực du lịch, dựa trên khối lượng xuất bản và số lần trích dẫn các nghiên cứu của những học giả này. Phân tích đồng tác giả cho thấy các nhóm cộng tác riêng biệt, chỉ ra các nhóm học giả có chung sở thích về DCM. Ngoài ra, các trường phái tư tưởng mới nổi trong DCM cho thấy có 4 nhóm nghiên cứu chính, mỗi nhóm nêu bật một chủ đề riêng biệt trong DCM về vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội; Tác động hình ảnh điểm đến trong việc thu hút và giữ chân khách hàng; Phương pháp tiếp cận thông tin và cảm xúc và cuối cùng là vai trò của hình ảnh điểm đến trong việc định hình xu hướng nghiên cứu trong DCM.

Bên cạnh ý nghĩa về lý thuyết, nghiên cứu còn mang lại ý nghĩa thực tế cho các nhà làm marketing như việc ứng dụng chiến lược người có ảnh hưởng, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và cuối cùng là triển khai chiến lược DCM trong việc sử dụng nhiều loại phương tiện truyền thông khác nhau như văn bản, ảnh, video trên các nền tảng Facebook, Instagram và Youtube. Các nhà quản lý tiếp thị nên ưu tiên tích hợp DCM, bao gồm tiếp thị người có sức ảnh hưởng và quảng bá chủ động nội dung do người dùng tạo ra (UGC), để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch lựa chọn địa điểm. UGC và phương tiện truyền thông xã hội hỗ trợ đáng kể cho du khách trong việc thu thập thông tin và đưa ra quyết định sáng suốt về điểm đến.

Các giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý chụp ảnh lưu niệm. 

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng hơn nữa. Việc sinh hoạt khoa học thường xuyên sẽ giúp tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các học viên, các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế – ĐHQGHN cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

TS. Nguyễn Thị Huyền
Khoa Kinh tế và Quản lý