Ngày 16/1 vừa qua, Trường Quốc tế và Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với nhóm đề tài Nafosted do PGS. TS. Lưu Thị Minh Ngọc làm chủ nhiệm đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp Quản trị công ty ở Việt Nam”. Đây là Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài “Quản trị công ty trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ (mã số 502.01- 2019.302).
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học của nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các nhà quản lý của Bộ Tài chính và một số cơ quan quản lý nhà nước. Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài và thảo luận cùng các chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị công ty tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phương Mai đặt vấn đề về tầm quan trọng của việc nghiên cứu về chủ đề Quản trị công ty (QTCT) trong các doanh nghiệp nhà nước. Qua nghiên cứu cho thấy, mặc dù có nhiều thay đổi trong quá trình đổi mới, tuy nhiên các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn còn yếu kém, hoạt động kém hiệu quả và còn nhiều vướng mắc trong quản lý. PGS.TS Nguyễn Phương Mai cho biết: “Mặc dù các công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã khá đa dạng với nhiều chủ đề khác nhau, các nghiên cứu trước đây về QTCT tập trung chủ yếu vào khu vực tư nhân. Các nghiên cứu về quản trị công ty trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là rất ít ỏi. Ngoài ra, sự thiếu vắng các nghiên cứu sâu về QTCT trong khu vực DNNN là do đặc thù của loại hình doanh nghiệp này”.
PGS. TS. Lưu Thị Minh Ngọc trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm.
Tiếp đó, PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm khi áp dụng Thẻ điểm QTCT để đánh giá chất lượng QTCT trong các DNNN cổ phần hóa ở Việt Nam. Với mẫu nghiên cứu gồm hơn 200 DNNN đã cổ phần hóa, kết quả đánh giá phản ánh thực trạng chất lượng QTCT hiện nay, từ đó chỉ ra những tồn tại và hàm ý cho việc hoàn thiện thực hành QTCT. Trong nghiên cứu này, đánh giá của chúng tôi về thực hành QTCT tại các công ty cổ phần nhà nước Việt Nam cho thấy các công ty này mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu pháp lý cơ bản và chất lượng QTCT của họ đạt mức đáng khích lệ. Điểm chất lượng QTCT trung bình của các công ty Việt Nam dao động từ 50 đến 70 điểm, trong đó phổ biến nhất là từ 50 đến 55 điểm. Phát hiện của nghiên cứu phù hợp với kết quả khảo sát các công ty cổ phần Việt Nam trong Giải thưởng Công ty niêm yết Việt Nam 2018.
Cũng trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, chủ nhiệm đề tài Lưu Thị Minh Ngọc cũng công bố các kết quả nghiên cứu về “Tác động của chất lượng Quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, vai trò của biến điều tiết cấu trúc vốn”. Nghiên cứu này cũng cho thấy sự tương đồng khi xem xét tác động của cấu trúc vốn đến tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động của các công ty có vốn nhà nước, điều này cũng khẳng định quản trị công ty tại các công ty cổ phần đồng nhất, và cũng khẳng định quản trị công ty cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của công ty, đặc biệt là đối với các công ty cổ phần có vốn nhà nước ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ số CS1 có thể kiểm soát xung đột lợi ích giữa ban quản lý và cổ đông, đồng thời đảm bảo quyền của cổ đông, công bố thông tin và tính minh bạch cũng như trách nhiệm của hội đồng quản trị. CS1 trở thành một cơ chế giám sát cũng như là hiệu ứng để tăng hiệu quả hoạt động của công ty. Mặt khác, đây cũng được xem là một trong những yếu tổ để nhà đầu tư cân nhắc khi quyết định đầu tư vào các công ty cổ phẩn có vốn nhà nước ở Việt Nam. Điều này cũng có ý nghĩa đối với Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thoái vốn và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tăng hiệu quả hoạt động của công ty, giảm thiểu ảnh hưởng của người đại diện vốn và quyền của ban quản lý. Ngoài ra, kết quả này cũng có ý nghĩa đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam để ban hành các khung pháp lý và các chính sách nhằm thiết lập hạ tầng pháp lý ưu việt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
TS. Đặng Thị Hương trình bày 6 hàm ý chính sách về QTCT trong DNNN.
Sau khi đánh giá thực trạng chất lượng QTCT trong các DNNN ở Việt Nam, TS. Đặng Thị Hương trình bày 6 hàm ý chính sách về QTCT trong DNNN bao gồm: Cần tách bạch chức năng sản xuất và chính trị-xã hội, tách bạch chức năng sở hữu với chức năng điều tiết thị trường trong các doanh nghiệp nhà nước; Xác định lĩnh vực ngành nghề doanh nghiệp nhà nước phải tham gia hoạt động, những lính vực ngành nghề doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết phải tham gia; Đẩy mạnh việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước; Đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật vể Quản trị công ty, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về Quản trị công ty, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch; Xây dựng đội ngũ quản trị giỏi trong Doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, 9 giải pháp nâng cao chất lượng quản trị công ty tại các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng được chia sẻ.
Người tham dự hội thảo chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.
Sau phần trình bày 4 tham luận của các thành viên nhóm nghiên cứu, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về chủ đề và kết quả nghiên cứu. PGS.TS Trần Thị Thanh Tú – Trưởng Ban Khoa học công nghệ ĐHQGHN, đánh giá cao nghiên cứu chi tiết, bài bản và chuyên sâu của nhóm nghiên cứu. PGS.TS Trần Thị Thanh Tú cho rằng, đã đến lúc cơ quan nhà nước cần phải đưa quy chế về quản trị công ty vào hoạt động. Ngoài ra, người tham dự hội thảo cũng đặt ra vấn đề đối với doanh nghiệp nhà nước nhóm đã đề xuất bộ chỉ số, nhóm có đề nghị hay giải pháp gì để triển khai bộ chỉ số? Và kết quả nghiên cứu mức độ hiệu quả sau triển khai?
Khách tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm thực hiện đề tài.
Có thể thấy, chủ đề QTCT là một chủ đề có sức hấp dẫn và nên tiếp tục nghiên cứu để có giá trị và sức lan tỏa lớn hơn. Hội thảo này đóng vai trò như một diễn đàn mở để các nhà khoa học chia sẻ các hướng nghiên cứu mới và tăng cường sự kết nối, giao lưu giữa các nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội với các nhà khoa học ở các đơn vị khác.
Nguyễn Phương Mai
Khoa Kinh tế và Quản lý