Thúc đẩy sở hữu trí tuệ tại Trường Quốc tế


Ngày 16/4 và 4/5/2024, Câu lạc bộ Nhà Khoa học Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (VISL) phối hợp cùng Trung tâm chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (CSK) tổ chức Khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn về hoạt động Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học của Nhà trường.

Các cán bộ, giảng viên Nhà trường tham gia Khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn về hoạt động Sở hữu trí tuệ trong cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Tham dự chương trình có PGS.TS. Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, ông Vũ Trọng Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp cùng Lãnh đạo các đơn vị và các giảng viên quan tâm. Diễn giả của Khóa tập huấn là bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ; ông Bùi Duy Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp; bà Đào Thị Minh Châu và bà Vũ Thị Thu Trang – Thẩm định viên Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khóa học thu hút sự quan tâm của đông đảo các cán bộ, giảng viên.

Phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Định chia sẻ Khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn về hoạt động SHTT được tổ chức nhằm cung cấp góc nhìn toàn diện về tầm quan trọng của SHTT trong môi trường giáo dục đại học, các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác đăng ký phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ đến cán bộ, giảng viên cũng như tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu, chia sẻ khoa học giữa các giảng viên, nhà khoa học trong Trường ở lĩnh vực đăng ký phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc khóa đào tạo.

Đại diện đơn vị cung cấp Khóa đào tạo, đồng thời là đối tác hợp tác trong công tác SHTT của Trường Quốc tế, ông Vũ Trọng Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, bày tỏ mong muốn hai đơn vị tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động hơn nữa trong lĩnh vực phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ cho các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học của Trường.

Ông Vũ Trọng Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, bày tỏ mong muốn hai đơn vị tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động hơn nữa trong lĩnh vực phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ.

Hoạt động đổi mới sáng tạo rất đa dạng và có nhiều cấp độ khác nhau. Nó có thể là việc triển khai một ý tưởng mới, tạo ra các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật hoặc giống cây trồng mới… hay đơn giản là phát triển từ những kết quả nghiên cứu đã có của tác giả,… Dù ở mức độ, cấp độ nào, thì đổi mới sáng tạo luôn bắt nguồn từ các ý tưởng và đây cũng là khởi nguồn hình thành tài sản trí tuệ của nhân loại. Vì vậy, hiểu đủ và đúng về đăng ký sở hữu trí tuệ để từ đó có thể áp dụng cho các sáng kiến, các kết quả nghiên cứu của mình là mục tiêu Khóa đào tạo muốn mang tới cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của Trường.
Mở đầu Khóa đào tạo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, đã giới thiệu tổng quan về sở hữu trí tuệ và đăng ký SHTT trong các trường đại học cũng như giải thích rõ hơn về đăng ký phát minh sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích, …trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, các bài báo, sản phẩm nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, đã giới thiệu tổng quan về sở hữu trí tuệ và đăng ký SHTT trong các trường đại học.

Để giúp hiểu rõ hơn về các sản phẩm có thể đăng ký phát minh sáng chế hay giải pháp hữu ích, thông qua các ví dụ minh họa thực tế, diễn giả đến từ Cục Sở hữu trí tuệ đã hướng dẫn để người tham dự có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm của cá nhân, nhằm định hướng tác giả khi đăng ký sở hữu trí tuệ. Ông Bùi Duy Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, đã phân tích chi tiết và so sánh về cách đăng ký phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích từ các sản phẩm đã có của tác giả cũng như tư vấn thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế.

Ông Bùi Duy Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu công nghiệp, hướng dẫn các thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế.

Trong Khóa đào tạo, các nhà khoa học, giảng viên Trường Quốc tế đã được các thẩm định viên của Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ, hướng dẫn chi tiết về việc viết mô tả sản phẩm cũng như xác định các sản phẩm có đủ điều kiện và khả năng để có thể đăng ký Sở hữu trí tuệ thành công.

Cán bộ, giảng viên Nhà trường trao đổi cùng diễn giả.

Trong khuôn khổ Khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn về hoạt động sở hữu trí tuệ, các nhà khoa học, giảng viên Trường Quốc tế tham gia khóa đào tạo đã bước đầu xây dựng bản mô tả về các sản phẩm và tiếp tục thực hiện các công tác tiếp theo để đăng ký SHTT. Kết thúc Khóa đào tạo, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận hoàn thành cho các nhà khoa học, giảng viên Trường Quốc tế đã tham gia Khóa đào tạo.

Cuối khóa đào tạo người tham dự được nhận Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.

Khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn về hoạt động sở hữu trí tuệ kết thúc đã cung cấp nhiều thông tin quý báu cho giảng viên, nhà khoa học của Trường Quốc tế. Ban tổ chức hy vọng sau Khóa đào tạo sẽ nhận được nhiều đơn đăng ký về Sở hữu trí tuệ từ các thầy, cô.

Hạnh Hương
Phòng KHCN&HTPT