TS. Hà Mạnh Hùng – giảng viên Khoa Các khoa học ứng dụng, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) – cùng sinh viên của Nhóm nghiên cứu điều khiển thông minh vừa có các công bố nghiên cứu tại 3 hội thảo quốc tế International Conference on Advanced Technologies for Communications (ATC), International Conference on Advanced Technology and Sustainable Development (ICATSD), The International scientific conference on Applying new Technology in Green Buildings (ATiGB).
Các bài nghiên cứu trong hội thảo sẽ được các nhà xuất bản uy tín IEEE, Spinger với chỉ số index thuộc hệ thống Scopus đăng tải. Nghiên cứu là những kết quả ban đầu về vấn đề tối ưu hoá điều khiển và lựa chọn hành động cho hệ thống trí tuệ nhân tạo – một trong những vấn đề quan trọng trong AI hiện nay. Khi hệ thống tương tác với môi trường, đặc biệt khi những tương tác ảnh hưởng trực tiếp đến dữ liệu của hệ thống trong tương lai, hệ thống điều khiển sẽ cân nhắc giữa việc tối ưu hoá dựa vào những thông tin đã học được với việc khám phá những thông tin và khái niệm mới. Các nghiên cứu trên được ứng dụng cho lĩnh vực khác nhau, như robot thông minh, hệ thống đưa ra gợi ý, đề xuất, tối ưu hóa các thuật toán học máy. Ngoài ra, Nhóm còn tập trung vào các bài toán khác liên quan đến nhận diện khuôn mặt, nhận dạng hành động, thị giác máy tính, xử lý nhận dạng tiếng nói.
Tiến sĩ Hà Mạnh Hùng – Phụ trách mảng Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, học máy – chia sẻ tại hội nghị ATC 2022.
Nhóm nghiên cứu điều khiển thông minh được thành lập từ năm 2022 với định hướng phát triển theo hình thái các Labo nghiên cứu chuyên nghiệp. Nhóm nghiên cứu là tập hợp các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, kĩ sư công nghệ, thực tập sinh và sinh viên kĩ thuật nhiều trường đại học và công ty công nghiệp trong và ngoài nước.
TS Hà Mạnh Hùng chụp cùng các bạn sinh viên và người tham dự chương trình.
Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu điều khiển thông minh sẽ tiếp tục tham gia các hội thảo uy tín nhằm tạo điều kiện cho các em sinh viên học hỏi các kỹ năng, xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học phục vụ cho các đề tài luận văn và công việc sau khi ra Trường. Đồng thời, Nhóm sẽ tăng cường hợp tác với viện nghiên cứu, các trường đại học công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới để tạo ra mạng lưới cùng trao đổi, nghiên cứu, từng bước đưa ứng dụng điều khiển thông minh của Việt Nam tiệm cận với trình độ thế giới.
Với chủ trương đầu tư tập trung, chất lượng và chính sách, cơ chế hoạt động sáng tạo, linh hoạt, giảng viên, học viên và sinh viên Trường Quốc tế ngày một quan tâm hơn đến hoạt động nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu đạt tiêu chí về chất lượng, phục vụ hiệu quả cho hoạt động đào tạo cũng như góp phần nâng cao uy tín của ĐHQGHN nói chung và của nhà nói riêng. Tính đến tháng 4/2022, cán bộ giảng viên Trường Quốc tế đã công bố đạt 51.2% theo chỉ tiêu nhiệm vụ mà ĐHQGHN giao, trong đó, 86% bài báo tạp chí, 8% bài báo hội nghị khoa học, 01 chương sách (1.0%), 03 bài báo tổng quan (5.0%) và một số loại hình công bố khác. Trường đang giữ vững vị trí thứ 2 trong ĐHQGHN về số lượng công bố quốc tế WoS, Scopus. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trường Quốc tế tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 03 đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế với tổng số 106 bài công bố ISI/SCOPUS, trong đó có 55 bài Q1, 25 bài Q2, 10 bài Q3. |
Hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến cho Truyền thông – ATC là sự kiện thường niên thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế diễn ra từ 20-22/10/2022 tại Hà Nội. Đây là một trong những hội thảo khoa học uy tín nhất Việt Nam trong lĩnh vực Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin với sự phối hợp của Hiệp hội Vô tuyến & Điện tử Việt Nam (REV) và Hiệp hội Truyền thông IEEE (IEEE ComSoc). ATC 2022 nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Ban tổ chức hội nghị đã nhận được các bài dự thi của 408 tác giả đến từ 22 quốc gia: Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Bangladesh, Belarus, Ireland, Kazakhstan, Morocco, Nigeria, Norway, Philippine, Russia, Sri Lanka…, 58,5% tham luận được chấp nhận đăng trong kỷ yếu và trình bày tại hội nghị. Đây là một con số thực sự ấn tượng đối với một hội thảo khoa học mang tính chuyên ngành. |
TS. Hà Mạnh Hùng
Khoa Các khoa học ứng dụng