Ngày 9/3/2023, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức chương trình Tập huấn truyền thông dành cho các cán bộ, giảng viên. Chương trình tập huấn thực sự cung cấp nhiều thông tin cần thiết và hữu ích cho đội ngũ “đại sứ truyền thông” của nhà trường.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc chương trình tập huấn.
Trong phần phát biểu khai mạc chương trình, Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Định chia sẻ Trường Quốc tế luôn mong muốn mỗi cán bộ, giảng viên sẽ trở thành “đại sứ truyền thông” tích cực nhất, lan tỏa hình ảnh của nhà trường đến nhiều người, tới cộng đồng xã hội. PGS.TS Nguyễn Văn Định khẳng định muốn thực hiện được điều này, các cán bộ, giảng viên cần biết cách sử dụng những mặt tốt của các phương tiện truyền thông, biết cách đưa tin về trường sao cho đúng, trúng và hiệu quả. Ngoài ra, các thầy, cô cũng hết sức cẩn trọng, biết giữ gìn hình ảnh của mình trên các phương tiện thông tin cá nhân, bởi các thầy, cô cũng chính là một phần của nhà trường, là hình ảnh đại diện cho Trường.
TS Mai Nguyễn Tuyết Hoa cung cấp nhiều thông tin cần thiết giúp các thầy, cô truyền thông đúng và hiệu quả về Trường.
Diễn giả đầu tiên của chương trình – TS Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Trưởng Phòng KHCN&HTPT – cũng đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Định. Theo TS Mai Nguyễn Tuyết Hoa, một người hiện đang sử dụng khá nhiều các tài khoản cá nhân khác nhau như Facebook, Zalo, Viber, Youtube, Telegram… và đây chính là những mảnh đất màu mỡ cho hoạt động truyền thông. Mỗi cán bộ, giảng viên chỉ cần sử dụng tài khoản cá nhân để chia sẻ thông tin, hoạt động của Trường là hình ảnh của Trường Quốc tế đã được lan rộng, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, việc lựa chọn thông tin thế nào cho đúng, lấy thông tin ở đâu để chia sẻ lại là điều mọi người cần lưu tâm. Với thông tin về Trường, diễn giả gợi ý các nguồn chính thống sẽ là thông tin đưa lên website ĐHQGH, website Trường Quốc tế cũng như Facebook chính thức của Trường. Các thầy, cô có thể lựa chọn thông tin để đưa lên, cũng không nên “có thông tin gì thì đưa thông tin đó”. Ngoài ra, TS Mai Nguyễn Tuyết Hoa cũng lưu ý cách viết tên Trường Quốc tế bằng tiếng Anh và tiếng Việt sao cho đúng, bởi đây là những việc tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn.
TS Đỗ Anh Đức có phần thuyết trình dễ hiểu, giúp người nghe nắm bắt được ngay vấn đề.
Ở phần thứ hai của chương trình, người tham dự được nghe phần thuyết trình của TS Đỗ Anh Đức – Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện – Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Với cách trình bày đơn giản, dễ hiểu, người tham dự chương trình đã nhanh chóng nắm bắt được cách xây dựng nội dung của một tin ngắn trên website. Theo TS Đỗ Anh Đức, tin bài website cần đảm bảo được tính nóng, mới, những thông tin quan trọng cần được thể hiện ngay trong phần tiêu đề và phần dẫn vào tin để có thể thu hút được sự quan tâm của người đọc ngay từ đầu. Những phần ít quan trọng hơn, thông tin nền thì nên đưa vào phần cuối bài. Ảnh chọn cho bài viết phải làm sao để “hút” người đọc, không nên đưa những ảnh chụp toàn cảnh lên đầu bài viết. Diễn giả cũng nhấn mạnh việc đặt tiêu đề cho bài viết cũng rất quan trọng, tiêu đề cần ngắn gọn, thu hút được sự chú ý. Đặc biệt, diễn giả đưa ra một số các từ khóa hay dùng để viết tiêu đề, là những từ khóa tạo được sự lưu tâm của người đọc. Những thông tin TS Đỗ Anh Đức cung cấp thực sự hữu ích với người tham dự, giúp các cán bộ, giảng viên nhận thấy việc viết tin bài cho website không phải là công việc quá khó.
Chủ đề của chương trình tập huấn thu hút sự quan tâm của người tham dự.
Sau hơn hai tiếng làm việc tích cực, chương trình tập huấn kết thúc với nhiều điều bổ ích đưa đến cho người tham dự. Chương trình cũng có ý nghĩa đặc biệt, giúp cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các cán bộ, giảng viên của nhà trường khi mùa tuyển sinh đã đến rất gần. Trong thời gian tới nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều các chương trình tập huấn truyền thông để các thầy, cô, với hiểu biết cơ bản về hoạt động truyền thông, sẽ đủ tự tin khi tham gia quảng bá hình ảnh của nhà trường.