Trong năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025, chủ đề đào tạo “Hiểu và phát triển tài sản sức khỏe cá nhân” thuộc học phần kỹ năng bổ trợ ISV1020 được đưa vào giảng dạy cho 2.335 sinh viên QH2022 và QH2023 của Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Như tên gọi, chủ đề đào tạo “Hiểu và phát triển tài sản sức khỏe cá nhân” là chương trình được thiết kế nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên kiến thức, hiểu biết về chính cơ thể mình và mối quan hệ với môi trường tự nhiên xung quanh.
Trong chương trình đào tạo này, sinh viên được trang bị một số kỹ thuật, phương pháp cơ bản quản lý sức khỏe cá nhân một cách chủ động, làm chủ và phản xạ nhanh các tình huống liên quan đến sức khỏe hàng ngày, từ đó hình thành và phát triển tư duy tích cực, tự tin, quản trị được các áp lực nảy sinh từ vấn đề sức khỏe.
Tùy theo khung thời gian đào tạo của từng khóa, các bác sĩ của Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng – đơn vị đào tạo chính của chương trình, sẽ điều chỉnh, lựa chọn các nội dung đào tạo phù hợp với điều kiện thời tiết và địa điểm đào tạo, đảm bảo cho sinh viên môi trường học tập an toàn, khỏe mạnh về thể chất và thoải mái về tinh thần. Trong đó, có thể kể đến một số nội dung đào tạo thú vị đã được đưa vào giảng dạy như:
Trải nghiệm phương pháp “Thiền bát nước”
Thiền là phương pháp luyện tập về tinh thần và thể chất có từ lâu đời, được sử dụng để gia tăng sự bình tĩnh và thư giãn thể chất, cải thiện sự cân bằng về tâm lý, đối phó với bệnh tật và tăng cường sức khỏe tổng thể. Tuy được coi là một văn hóa truyền thống cổ xưa, Thiền vẫn được thực hành trong các nền văn hóa hiện đại trên toàn thế giới để tạo ra cảm giác bình tĩnh và hài hòa về mặt nội tâm cho con người.
Thuộc phương pháp Thiền chuyển động, hay còn gọi là Thiền Hành, “Thiền bát nước” là hình thức thiền được thực hiện bằng việc bê bát nước đầy trên tay và bước đi tỉnh thức. Khi bước đi, chúng ta gom sự chú tâm của mình vào bát nước bằng giác quan (thấy rõ được nước trong bát sóng sánh, nghiêng ngả,…), đồng thời cảm nhận được môi trường xung quanh, quan sát những bước chân của mình để phối hợp với cử động tay, tránh làm đổ nước ra ngoài… Phương pháp thiền này khá dễ thực hiện, nhưng lại có tác dụng hiệu quả giúp gia tăng sự tập trung, mang tới sự cảm nhận nhiều hơn về thế giới xung quanh, giúp người thực hành thiền vận dụng hết các giác quan trong khi tập luyện…
Sinh viên QH2022 năm học 2023-2024 thực hành “Thiền bát nước” (tháng 10/2023)
Mở lòng với hoạt động “Đổ não ra giấy”
Trong giao tiếp thường ngày, lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, mà còn có tác dụng trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các mối quan hệ, thậm chí có thể làm con người sống biết ơn và vị tha hơn. Cùng với sự phát triển của văn hóa – xã hội, “cảm ơn” và “xin lỗi” dần trở thành một trong các tiêu chí để định tính tư cách văn hóa của con người. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là trong khi chúng ta đều biết về tác dụng “thần kỳ” của việc nói lời cảm ơn và xin lỗi, nhưng không phải ai cũng có đủ dũng khí và cả tự tin để thể hiện lòng biết ơn hoặc sự ăn năn, áy náy đối với người khác. Vì tâm lý e ngại, ngượng ngùng, không biết phải mở lời thế nào, hoặc không biết người đối diện sẽ có phản ứng ra sao nên đôi khi chúng ta viện cớ để thoái thác, lẩn tránh, rồi chọn cách im lặng mà bỏ qua lời cảm ơn hoặc xin lỗi cần nói. Vô hình trung, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để được thấu hiểu, bỏ lỡ cơ hội để thừa nhận tầm quan trọng của người khác với mình, hoặc thậm chí là bỏ lỡ cơ hội để gần gũi, yêu thương ai đó nhiều hơn…
Nhưng, nếu ngại nói, chúng ta hoàn toàn có thể viết chứ nhỉ?
Trong năm học 2023-2024, hoạt động “Đổ não ra giấy” thuộc nội dung “Trí tuệ cảm xúc” của học phần đã tạo cơ hội cho các bạn sinh viên QH2022 tại Hòa Lạc thời gian lắng đọng để các bạn có thể viết lời cảm ơn và lời xin lỗi đến những người thân, bạn bè của mình. Hài hước, hạnh phúc, cảm động, tiếc nuối, bùi ngùi… – các cung bậc cảm xúc quý giá, chân thành đã được các bạn sinh viên chia sẻ qua những lời nhắn gửi dành cho bố mẹ, bạn bè, thầy cô… Hoạt động cũng cho thấy các bạn sinh viên Trường Quốc tế không chỉ năng động, giỏi giang, mà còn rất sâu sắc và tình cảm.
Một số lời nhắn gửi bố mẹ, bạn bè, thầy cô của sinh viên QH2022 tại Hòa Lạc
Tập luyện các bài tập giúp giảm áp lực cột sống và thực hành các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt theo phương pháp Đông y
Với hai nội dung đào tạo này, các bạn được hướng dẫn phương pháp tập luyện các tư thế, bài vận động nhẹ nhàng tốt cho cột sống nhằm hạn chế và phòng ngừa các hội chứng có thể gặp phải do tư thế sinh hoạt, học tập không đúng cách gây nên như hội chứng cổ rùa, đau vùng thắt lưng, cong vẹo cột sống… Bên cạnh đó, việc tập xác định và học kỹ thuật day ấn các huyệt vị quan trọng trên cơ thể như huyệt Hợp cốc, Phong trì, Dũng tuyền, Tam âm giao… cũng giúp các bạn biết cách khắc phục một số bệnh thông thường như giảm mỏi mắt, tăng cường thị lực, làm ấm cơ thể, giải cảm, giảm đau tức ngực, bổ nguyên khí, điều kinh…
Sinh viên QH2023 tại Hòa Lạc thực hành bài tập giãn cơ vai – gáy
Sinh viên QH2023 thực hành bài tập xoa bóp, bấm huyệt chữa đau đầu.
Qua các nội dung đào tạo của học phần, sinh viên có thể nhận thức được tầm quan trọng của thói quen sinh hoạt lành mạnh, khoa học đối với sự phát triển hài hòa sức khỏe thể chất và tinh thần mỗi người; nắm được các phương pháp điều chỉnh, quản lý, cân bằng cảm xúc cá nhân để tiến đến hình thành phong cách sống tích cực, cân bằng hài hòa cảm xúc, giữ cho Thân khỏe, Tâm an, Trí sáng. Hơn nữa, các kiến thức chăm sóc sức khỏe chủ động của chương trình còn giúp các em luôn khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng để học tập, sáng tạo và khẳng định bản thân.
Các bạn sinh viên có nhận xét tốt về học phần kỹ năng bổ trợ của Nhà trường