Dương Nguyễn Hải Linh, Nguyễn Thị Thuý Mỵ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Hương Ly và Đỗ Lan Hương – 5 cô sinh viên Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) yêu thích nghiên cứu đã mang về giải Khuyến khích Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần thứ 25 với đề tài “Nghiên cứu kiến thức, thái độ và hành vi của khách du lịch Việt Nam về các bệnh truyền lây trong du lịch”.
Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka là giải thưởng cao quý dành cho các công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên. Năm nay, cuộc thi đã thu hút 1500 đề tài dự thi đến từ 81 đơn vị đào tạo đại học trong cả nước.
5 cô gái yêu thích nghiên cứu vui mừng với đón nhận thành công đầu đời.
Hướng nghiên cứu mới
Nhóm nghiên cứu liên ngành của Trung tâm Y sinh và Sức khỏe cộng đồng của Trường Quốc tế thành lập ban đầu với 4 sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch: Thủy Tiên, Tăng Linh, Lan Anh, Hải Linh. Sau này, để có thể tổng hòa kiến thức của các lĩnh vực khác vào đề tài nghiên cứu, nhóm đã chào đón thêm 4 thành viên mới Minh Châu (sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Thể thao và Du lịch), Thúy Mỵ (sinh viên ngành Kế toán và Tài chính), Hương Ly (sinh viên ngành Quản lý) và Lan Hương (sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế).
Vì có xuất phát điểm chung là nhóm nghiên cứu của các sinh viên ngành Khách sạn – Du lịch nên các bạn có mối quan tâm lớn về xu hướng đi du lịch hiện nay. Nhờ có sự định hướng của giảng viên hướng dẫn là TS. Chu Đình Tới, cô Vũ Thị Huệ và cô Bùi Nhật Lệ, nhóm đã quyết định theo đuổi hướng nghiên cứu về du lịch y tế – chủ đề khá mới và rất được quan tâm trong thời điểm mà sức khỏe thể chất và tinh thần của con người được đề cao, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Các thành viên bắt tay vào dự án với tinh thần cứ làm từng bước một, vừa làm vừa tìm hiểu.
Các thành viên đều là những sinh viên lần đầu bén duyên với nghiên cứu khoa học, cả nhóm bắt tay vào dự án với tinh thần cứ làm từng bước một, vừa làm vừa tìm hiểu. Nhóm rất tự hào khi đại diện sinh viên Trường Quốc tế tham gia Giải thưởng danh giá Eureka, để có thể giới thiệu nhiều hơn về các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN cũng như Trường Quốc tế. Mục tiêu thứ 2 là “để trải nghiệm”. Giải thưởng Eureka tập trung hàng ngàn nhóm nghiên cứu đăng ký dự thi, vì vậy các thành viên muốn biết phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên ở các tỉnh thành mạnh mẽ ra sao; bên cạnh đó là tìm cơ hội giao lưu kết bạn với các nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học khắp nơi trên cả nước…
Những lần đầu tiên khó khăn
Đối với nhóm, đề tài này, cũng như hành trình chinh phục Giải thưởng Eureka, là một dấu ấn trong hành trình nghiên cứu của cả nhóm, và mỗi cá nhân. Trước hết, các bạn luôn đề cao tinh thần “teamwork”. Các bạn đã đồng hành cùng nhau trong tất cả các phần của bài nghiên cứu này (từ tìm kiếm hướng nghiên cứu, chọn đề tài, thực hiện và đi thi). Công việc luôn được phân chia hợp lý, đồng đều ở tất cả các phần giúp cho thành viên nào cũng có kiến thức sâu sắc về đề tài nghiên cứu. Trong quá trình đó, phần khó khăn nhiều nhất là viết báo cáo.
Mặc dù đã được học các môn về nghiên cứu như phương pháp nghiên cứu, thống kê… nhưng khi áp dụng các kiến thức đã được học và nghiên cứu thực tế lại là chuyện khác. Các thông số hiển thị trên bảng kết quả đều mang ý nghĩa, các bạn phải hiểu và phân tích được kết quả này, dựa vào đó đưa ra các bàn luận, khuyến nghị,… Hơn nữa, nhóm không có nhiều kiến thức về các bệnh truyền lây trong du lịch, nên cần dành nhiều thời gian hơn để đọc tài liệu.
Làm nghiên cứu khoa học là một công việc không dễ, nhưng mà “rung động với tri thức lúc nào cũng là một cảm giác đặc biệt”.
“Chúng em được truyền cảm hứng rất nhiều bởi thầy TS. Chu Đình Tới, khi được nghe về hành trình phát triển bản thân của thầy nhờ nghiên cứu khoa học khi tham gia lớp Sinh học đại cương (General biology). Sau này, thầy Tới là người giúp chúng em định hướng nghiên cứu, lựa chọn đề tài và xác định mục tiêu nghiên cứu. Các cô ở trung tâm cũng luôn theo sát nhóm về quá trình chỉnh sửa bộ câu hỏi, thu thập và xử lý dữ liệu, phân tích kết quả và viết báo cáo đề tài”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Làm nghiên cứu khoa học là một công việc không dễ, nhưng mà “rung động với tri thức lúc nào cũng là một cảm giác đặc biệt”. Chắc rằng các bạn đã và đang say mê nghiên cứu sẽ hiểu được cảm giác đặc biệt ấy đúng không? Còn các bạn đang e dè chưa làm nghiên cứu, muốn biết “rung động với tri thức” là như thế nào thì… hãy bắt tay vào làm ngay thôi! Trong tiếng Anh, có một chữ mà nhóm rất tâm đắc đó là “GRIT”: courage and determination despite difficulty – lòng can đảm và sự quyết tâm bất chấp mọi khó khăn. Khi bắt đầu một thứ gì đó mới, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhưng mình tin là chỉ cần đủ kiên trì, quyết tâm và can đảm thì chúng ta đều có thể vượt qua.
Hồng Vân
Phòng Công tác sinh viên