Quản trị tài chính: thông điệp đến từ cổ phiếu ESOP và tuổi của CEO


Trong tháng 4 vừa qua, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức thành công 2 tọa đàm khoa học với chủ đề “Quản trị tài chính: thông điệp đến từ cổ phiếu ESOP và tuổi của CEO” và “Tuổi của CEO và lượng xả thải carbon của doanh nghiệp tại Mỹ”. Diễn giả của chương trình là giảng viên của Khoa – TS. Lê Thị Thu Hường và ThS Nguyễn Hoàng Lan. Tham dự chương trình có các giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý cùng các em sinh viên quan tâm.

Mở đầu buổi tọa đàm, ThS Nguyễn Hoàng Lan trình bày chủ đề “Quản trị tài chính: thông điệp đến từ cổ phiếu ESOP và tuổi của CEO”. Diễn giả đã chia sẻ những thông tin căn bản về chương trình người lao động sở hữu cổ phiếu (tên thông thường bằng tiếng Anh: ESOP, viết tắt của Employee Stock Ownership PLan). Ý nghĩa cơ bản của chương trình nằm ở việc doanh nghiệp, thay vì thưởng tiền có thể thưởng bằng cổ phiếu. Vì thế, nó giúp gắn hiệu quả lao động của người lao động với lợi ích và sự phát triển của toàn công ty, từ đó giải quyết một phần vấn đề đại diện và tạo sự gắn bó giữa người lao động với công ty.

ThS Nguyễn Hoàng Lan trình bày về cổ phiếu ESOP – cổ phiếu thưởng cho nhân viên công ty.

Những cổ phiếu này thường được phát hành với giá ưu đãi, thấp hơn nhiều lần so với giá giao dịch trên thị trường kèm một số điều kiện, dược quy định trong điều lệ hoạt động hoặc Ban Giám đốc đề xuất tại mỗi đợt phát hành. Ví dụ: dành cho người lao động có thâm niên làm việc và có cống hiến nhiều cho doanh nghiệp, nhưng theo đó, một số điều kiện đi kèm để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp có thể bao gồm: hạn chế chuyển nhượng, doanh nghiệp cam kết mua lại cổ phần ESOP với giá định trước, …

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có văn bản quy định pháp lý cụ thể với cổ phiếu ESOP, Nhà nước đã có những thông tư hướng dẫn như Thông tư 162/2015/TT-BTC. Theo đó, khi triển khai ESOP doanh nghiệp cần lưu ý chấp hành một số yếu tố như điều kiện phát hành cổ phiếu ESOP, các quy định về hồ sơ phát hành cổ phiếu ESOP. Cho đến hiện tại, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang chủ yếu lựa chọn 2 hình thức phát hành cổ phiếu cho chương trình ESOP: cổ phiếu thưởng và chương trình người sở hữu cổ phần với giá bán ưu đãi.
Về kết quả triển khai các chương trình ESOP của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số lượng cổ phiếu ESOP phát hành bình quân có dấu hiệu gia tăng và bình ổn qua các năm. Nếu tính theo nhóm ngành, ngành công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất về số chương trình ESOP. Nhóm ngành tài chính ngân hàng cũng đứng đầu tỷ trọng về số cổ phiếu ESOP. Bên cạnh đó, các công ty thực hiện chương trình ESOP thường có kết quả kinh doanh khả quan.

Tuy nhiên, chương trình có thể có một số hạn chế. Nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ, gây ảnh hưởng giá cổ phiếu nếu không có hạn chế phù hợp, dễ bị các nhà quản lý trong công ty lợi dụng để trục lợi, người lao động có thể gặp rủi ro và khó khăn khi hưởng chương trình ESOP vì có thể ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người lao động.

Tiếp theo, TS. Lê Thị Thu Hường trình bày chủ đề “Tuổi của CEO và lượng xả thải carbon của doanh nghiệp tại Mỹ”. Bài trình bày tập trung trả lời ba câu hỏi: Liệu tuổi của CEO có ảnh hưởng đến lượng xả thải carbon? Mối quan hệ giữa tuổi của CEO và hành động giảm thiểu phát thải carbon là thế nào? Và cuối cùng, tuổi của CEO có liên quan như thế nào đến các vi phạm của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường.

Dữ liệu của tác giả tổng hợp từ nhiều nguồn như báo cáo về phát thải nhà kính, dữ liệu kế toán và tài chính từ Compustat, NNDB.com, BoardEX trong giai đoạn 2010-2020. Tổng cộng dữ liệu bao gồm 11,689 quan sát cho 1035 doanh nghiệp tại Mỹ.

TS. Lê Thị Thu Hường đã tìm ra bằng chứng để chứng minh rằng, tuổi của CEO càng cao, lượng xả thải của doanh nghiệp càng tăng.

Sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính và thông qua các mô hình khác nhau, tác giả đã tìm ra bằng chứng để chứng minh rằng, tuổi của CEO càng cao, lượng xả thải của doanh nghiệp càng tăng. Lý do được tác giả đưa ra đó là, CEO trẻ tuổi quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp, nên quan tâm nhiều hơn hình ảnh cá nhân qua góc nhìn của xã hội.

Bên cạnh đó, tác giả cũng tìm ra rằng, trong ba phương pháp chính để xử lí khí thải, bao gồm: tăng chi phí đầu tư để giảm phát thải, tăng hiệu năng sản xuất và sử dụng các phương pháp thân thiện môi trường, thì tuổi CEO càng lớn, chi phí tiêu cho cắt giảm khí thải càng nhỏ. Tương tự như vậy, khi tuổi CEO càng tăng, doanh nghiệp càng ít nỗ lực để chi tiêu cho việc tăng hiệu năng sản xuất và sử dụng các nhiên liệu sạch.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và sinh viên.

Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tuổi của CEO càng tăng, số lần bị phạt vì môi trường và số tiền phạt đều tăng. Vì vậy, tác giả đề xuất các nhà quản lí và làm chính sách khuyến khích sự tham gia của người trẻ trong nhóm lãnh đạo và đưa ra quyết định về chính sách doanh nghiệp.

Những nội dung các tác giả đưa ra được người tham dự đánh giá cao, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để các tác giả đi sâu hơn vào thông điệp cho bối cảnh Việt Nam.

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề hấp dẫn, góp phần lan tỏa các kết quả nghiên cứu đến cộng đồng giảng viên, sinh viên của nhà trường.

Nguyễn Thùy Trang
Khoa Kinh tế và Quản lý