Quản trị con người hiệu quả để thực hiện sự thay đổi thành công


Trong hai ngày 18, 19/4/2025, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức chương trình đào tạo phát triển năng lực dành cho cán bộ, giảng viên. Chủ đề của chương trình đào tạo, “Quản lý sự thay đổi, Quản lý xung đột và làm việc nhóm”, hữu ích và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bước vào sự chuyển mình, Trường Quốc tế cũng đang trải qua những sự biến chuyển, thay đổi không ngừng.

TS Lê Như Hiếu có những bài giảng hữu ích đến các học viên trong hai ngày đào tạo.

Diễn giả của chương trình học là TS Lê Như Hiếu – chuyên gia huấn luyện do Dale Carnegie Training & Associates – USA phê chuẩn. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực thương mại và dịch vụ tại nhiều vị trí quan trọng trong kinh doanh, tiếp thị, quản lý khách hàng, phát triển nguồn nhân lực và điều hành tổ chức.

Các học viên tích cực tham gia, trao trong giờ học.

Trong chủ đề “Quản lý sự thay đổi”, TS Lê Như Hiếu đã đưa khái niệm thay đổi trong tổ chức và tầm quan trọng của sự thay đổi. Sự thay đổi đã trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng trong điều kiện ngày nay vì những sức ép nảy sinh liên tục và không khả năng dự báo trước. Thay đổi là cần thiết nhưng không phải dễ chấp nhận với tất cả mọi người. Con người cảm thấy thoải mái khi thực hiện nhiệm vụ theo một quy trình quen thuộc. Một trong những nguyên nhân làm cho nhân viên sợ sự thay đổi vì nhiều người không thích bị gián đoạn trong cuộc sống và sẽ trở nên ngốc nghếch khi không thể thích ứng và học hỏi với những điều mới mẻ. Để dẫn dắt sự thay đổi thành công, nhà quản lý, lãnh đạo cần thực hiện 8 bước chính sau: xác lập ý thức về sự cấp thiết; xây dựng một nhóm tiên phong mạnh mẽ; tạo tầm nhìn; truyền đạt tầm nhìn; trao quyền cho các cá nhân để thực hiện tầm nhìn; lập kế hoạch và tạo ra những thành quả ngắn hạn; củng cố những cải tiến tạo ra nhiều sự thay đổi và thể chế hóa cách tiếp cận mới.

Học viên thảo luận, trao đổi cùng giảng viên.

Để thực hiện thay đổi thành công, vai trò của nhà lãnh đạo rất quan trọng. Những nhà lãnh đạo tài ba sẽ biết tạo môi trường làm việc năng động, tạo động lực và khuyến khích nhân viên làm việc tốt hơn. Nhà lãnh đạo biết truyền cảm hứng đến mọi người để hoàn thành những công việc tưởng chừng như không thể. Tất cả đều xuất phát từ nghệ thuật “Đối nhân xử thế” của nhà lãnh đạo. Nhờ vậy, “ma thuật” sẽ xảy ra: nhà lãnh đạo giỏi luôn tạo được niềm tin nơi nhân viên , biến điều không thể thành có thể.

Những món quà ý nghĩa giảng viên tặng các học viên trong chương trình.

Trong bối cảnh mới, việc xây dựng tinh thần đoàn kết là vô cùng quan trọng. Một cá nhân có thể đạt đến hiệu quả công việc nhất định, nhưng nếu kết hợp với một đội/nhóm, hiệu quả ấy có thể gia tăng lên gấp bội. Một khi đã gây dựng được tinh thần đoàn kết sâu sắc, chúng ta sẽ nhận thấy mọi hoạt động diễn ra đều dựa trên tinh thần đồng đội từ trên xuống dưới. Tinh thần đồng đội thực sự chỉ có được nếu mỗi thành viên đều có động cơ xây dựng một môi trường hợp tác thân thiện và có sự đóng góp của mọi người.

Học viên có nhiều đánh giá tích cực về chương trình đào tạo.

Với phương châm “Con người là tài sản quý giá nhất”, Trường Quốc tế đã xây dựng và không ngừng cải thiện các chính sách hỗ trợ nghề nghiệp, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường. Nằm trong kế hoạch phát triển năng lực cán bộ, giảng viên đáp ứng mục tiêu phát triển Trường Quốc tế đến 2025, tầm nhìn 2030, các chương trình đào tạo sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực, không chỉ giúp cán bộ, giảng viên phát triển toàn diện năng lực, nâng cao hiệu suất làm việc, đồng thuận với tập thể, đồng lòng với mục tiêu phát triển, định hướng chiến lược của Nhà trường. Trong năm 2025, Nhà trường sẽ tổ chức 05 chuỗi chương trình đào tạo hữu ích dành cho cán bộ, giảng viên.