Đề tài “The Impacts of Financial Literacy on Personal Saving Behaviors in Vietnam” của nhóm sinh viên Nguyễn Danh Việt Anh, Nguyễn Thị Bảo Hà, Vũ Lan Hương, Lê Đỗ Việt Hùng dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Phương Huyền – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, đã xuất sắc nằm trong nhóm 4 đề tài nghiên cứu đạt giải Nhất danh sách giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên xuất sắc cấp ĐHQGHN năm 2023. Đây là lần đầu tiên sinh viên Trường Quốc tế có được thành tích này.
Đề tài “The Impacts of Financial Literacy on Personal Saving Behaviors in Vietnam” tập trung nghiên cứu, bổ sung thêm những khám phá mới liên quan tới thông hiểu tài chính, tài chính toàn diện và hành vi tiết kiệm tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu sử dụng những phương pháp đo lường kỹ lưỡng nhằm đo đạc mức độ thông hiểu tài chính và tài chính toàn diện bằng cách sử dụng hệ thống mới nhất của OECD/ INFE (2022) nhằm khám phá ra mối quan hệ với hành vi tiết kiệm cá nhân. Hệ thống mới nhất OECD/ INFE giúp đưa ra được kết quả toàn diện mà không bị các yếu tố chủ quan chi phối.
Nhóm sinh viên Nguyễn Danh Việt Anh, Nguyễn Thị Bảo Hà, Vũ Lan Hương, Lê Đỗ Việt Hùng trình bày nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm đưa ra nhiều kết luận đáng chú ý. Đầu tiên, đàn ông vượt trội hơn phụ nữ ở nhiều khía cạnh về tài chính, điều này được thể hiện ở phần tổng quan đánh giá dữ liệu và nêu cụ thể ở phần chạy quy hồi tuyến tính. Thứ hai, trình độ học vấn càng thấp, mức độ về kiến thức tài chính, tài chính toàn diện và thông hiểu tài chính càng thấp. Ngược lại thu nhập càng cao thì hành vi, kiến thức và sự thông hiểu về tài chính càng cao. Tuy nhiên, biến thu nhập có ít hoặc không có tác động nào đối với biến tài chính toàn diện. Thứ ba, một số loại hình ở chung cũng ảnh hưởng tới cá nhân dựa trên 5 yếu tố: hành vi tài chính, thái độ tài chính, kiến thức tài chính, tài chính toàn diện, và thông hiểu tài chính. 5 yếu tố trên đều có tác động tích cực và có ý nghĩa về mặt thống kê đối với những người sống với bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp. Bên cạnh đó, việc sống với các sinh viên khác cũng có ảnh hưởng với mức độ 10%, và đồng thời tài chính toàn diện cũng được tác động thông qua thông hiểu tài chính.
Phần kết quả đáng chú ý nhất chính là tác động tích cực đến từ thông hiểu tài chính tới hành vi tiết kiệm cá nhân được thể hiện dưới 2 biến SB1 và SB2, và tác động tiêu cực từ tài chính toàn diện tới hành vi tiết kiệm tài chính ở Việt Nam. Người hay sử dụng hoặc được tiếp xúc nhiều tới các sản phẩm tài chính sẽ có xu hướng ít tiết kiệm hơn, hay những người mà có thu nhập cao hơn thì sẽ tham gia những hoạt động, sinh hoạt mà phù hợp với khả năng chi tiêu của họ. Những người trong nhóm tuổi từ 31 tới 60 có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn những người ở nhóm tuổi khác. Ngoài ra, một yếu tố mà có tác động lớn tới khả năng chi tiêu một khoản tiền lớn mà không cần vay người khác (SB2) còn liên quan tới công việc của cha mẹ người thực hiện khảo sát.
“Mục tiêu ban đầu khi gửi đề tài nghiên cứu đi dự thi của chúng em là mong được tìm hiểu các hướng nghiên cứu mới trong cùng lĩnh vực. Nhưng thật bất ngờ, nhóm em lại đạt giải Nhất, chúng em vỡ òa vì vui sướng và điều này là động lực để chúng em phát triển và mở rộng đề tài nghiên cứu. Nhóm em thực sự rất vui khi thành quả nghiên cứu khoa học của mình được ghi nhận và được trao thưởng”, Nguyễn Danh Việt Anh chia sẻ.
Sinh viên Vương Thị Lan Anh trình bày đề tài nghiên cứu “A study of student knowledge sharing at Vietnam National University, Hanoi”.
Ngoài ra, đề tài “A study of student knowledge sharing at Vietnam National University, Hanoi” do sinh viên Vương Thị Lan Anh thực hiện, dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Công Thành – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý vinh dự giành giải Ba. Đề tài của sinh viên Vương Thị Lan Anh “A study of student knowledge sharing at Vietnam National University, Hanoi” cung cấp một mô hình áp dụng lý thuyết tự bản thân quyết định (Self-determination theory) giải thích các yếu tố thúc đẩy sinh viên chia sẻ tri thức để đạt được điểm cao hơn và sáng tạo hơn trong bối cảnh giáo dục đại học ở Việt Nam. Đây là nghiên cứu đầu tiên với cách tiếp cận mới (cách tiếp cận bản thân tự quyết định) nhằm giải thích khuynh hướng chia sẻ tri thức của sinh viên đại học trong bối cảnh giáo dục Việt Nam mà trước đó cách tiếp cận này chỉ thường được áp dụng trong bối cảnh các tổ chức hoặc công công ty. Với cách tiếp cận tự ban thân quyết định, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, động lực nội tại của hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên bị ảnh hưởng bởi môi trường lớp học và phần thưởng. Trong đó việc giáo viên trao quyền không ảnh hưởng đến động lực chia sẻ của sinh viên. Những sinh viên có động lực nội tại thường chia sẻ tri thức với bạn bè mà không chia sẻ với thầy cô nếu như họ không tương tác với tài liệu, nội dung học tập. Hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên sẽ giúp cải thiện kết quả học tập và gia tăng sự sáng tạo.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định chụp ảnh lưu niệm cùng các nhóm sinh viên.
Việc chấm chọn và xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên được tiến hành hàng năm với mục đích khuyến khích phong trào nghiên cứu trong sinh viên. Các đề tài được lựa chọn là những đề tài nghiên cứu xuất sắc của các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN.
Xin được chúc mừng hai nhóm sinh viên Trường Quốc tế đã đạt giải nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN. Chúc các em sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong học tập và nghiên cứu.
Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của Nhà trường trong thời gian qua đã có được những thành tích đáng tự hào. Trong 6 năm liên tiếp, đề tài nghiên cứu của sinh viên đều lọt “top” 20 nghiên cứu khoa học sinh viên xuất sắc cấp ĐHQGHN, vào Vòng Chung kết Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka và đạt giải Khuyến khích, đạt . Các nghiên cứu của sinh viên được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, và sản phẩm mang đi thuyết trình cũng dùng tiếng Anh. Đây là ưu thế đặc trưng của Trường Quốc tế mà không nhiều đơn vị đào tạo trong cả nước có được. Để có được những thành tích như trên không thể không kể đến sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả, tận tâm từ phía Trường Quốc tế và các giảng viên hướng dẫn. Sinh viên tham gia hoạt động NCKH sẽ có được những gì? Các em sẽ được Trường hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài (3.000.000đ/đề tài) và sử dụng một số phương tiện, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Ngoài ra, để giúp sinh viên đạt được kết quả cao nhất trong quá trình thực hiện đề tài, Nhà trường cũng tổ chức các buổi tập huấn tiền nghiên cứu và hậu nghiên cứu, như tổ chức giới thiệu về hoạt động NCKH, quy trình nghiên cứu, thực hành phân tích dữ liệu trên phần mềm SPSS, kỹ năng viết báo cáo và thuyết trình nhằm trang bị cho sinh viên có đầy đủ nhận thức về hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp cận phương pháp và kỹ năng triển khai thực hiện đề tài. Các giải thưởng sinh viên Nhà trường đã đạt được |