COVID-19 là bệnh gây hội chứng hô hấp cấp tính xuất hiện cuối năm 2019 do SARS-CoV-2 gây ra (Lee and Choi 2021). Cho đến hiện nay, COVID-19 vẫn là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam (Tsang et al. 2021).
Trước sự xuất hiện ngày các nhiều biến chủng nguy hiểm như Delta hay Omicron, các quốc gia đang thúc đẩy nhanh chóng việc tiêm vắc xin mũi tăng cường cho người trưởng thành và tiêm vắc xin cho trẻ em (Ciotti et al. 2022). Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin có thể gặp nhiều khó khăn khi tâm lý lo sợ của người dân trước những thông tin về sự an toàn của vắc xin và các tác dụng phụ sau tiêm.Chính vì vậy, Khoa Các khoa học ứng dụng và Trung tâm Y sinh và Sức khỏe cộng đồng Trường Quốc tế đã thực hiện một khảo sát online thông qua các trang mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam nhằm đánh giá sự sẵn sàng tiêm vắc xin COVID-19 mũi tăng cường và tiêm tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở Việt Nam.Nghiên cứu này đã được công bố tại tạp chí Journal of Human Behavior in the Social Environment (Q2/Scopus) vào ngày 04 tháng 03 năm 2022 (Chu et al. 2022)
Bài báo được công bố trên tạp chí Journal of Human Behavior in the Social Environment
Bộ câu hỏi khảo sát được thiết kế trên công cụ Google Form. Trong một tuần thu thập số liệu, có 900 người đã tham gia vào nghiên cứu này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ sẵn sàng tiêm vắc xin mũi bổ sung là 93,77%. Những người tốt nghiệp đại học trở lên có mức độ sẵn sàng tiêm mũi bổ sung cao hơn 8,16 lần so với những người học dưới tiểu học (p = 0,017). Các đối tượng đã tiêm liều đầu tiên và liều thứ hai có mức độ sẵn sàng nhận liều bổ sung cao hơn 5,85 (p = 0,001) và 5,65 (p <0,001) lần so với đối tượng chưa tiêm. Mặt khác, tỷ lệ sẵn sàng tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 89,2%. Những người tiêm mũi đầu tiên và mũi thứ hai của vắc xin COVID-19 có mức độ sẵn sàng tiêm cho con/cháu/em của mình cao hơn 4,15 (p = 0,001) và 3,91 (p <0,001) so với những người chưa tiêm.
Kết quả về sự sẵn sàng tiêm vắc xin COVID-19 mũi tăng cường và tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Kết quả của nghiên cứu này có thể là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc xây dựng các chương trình tiêm chủng quốc gia. Việc triển khai nhanh chóng và rộng rãi việc tiêm liều vắc xin bổ sung và vắc xin cho trẻ em cần được chú trọng để đối phó với các biến thể nguy hiểm mới. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng là nền tảng cho các nghiên cứu với định hướng tương tự và quy mô lớn hơn trong tương lai.
Khoa các Khoa học Ứng dụng
Tài liệu tham khảo
- Chu, Dinh-Toi, Hue Thi, Yen Thi, Mai-Anh Nguyen, Nhat-Le Bui, Van Thuan Hoang, Do Nam, Duc-Lan Do, Van than, and Jaffar Al-Tawfiq. 2022. ‘Willingness to receive COVID-19 vaccine booster doses for adults and their children in Vietnam’, Journal of Human Behavior in the Social Environment: 1-13.
- Ciotti, M., M. Ciccozzi, M. Pieri, and S. Bernardini. 2022. ‘The COVID-19 pandemic: viral variants and vaccine efficacy’, Crit Rev Clin Lab Sci, 59: 66-75.
- Lee, C., and W. J. Choi. 2021. ‘Overview of COVID-19 inflammatory pathogenesis from the therapeutic perspective’, Arch Pharm Res, 44: 99-116.
- Tsang, H. F., L. W. C. Chan, W. C. S. Cho, A. C. S. Yu, A. K. Y. Yim, A. K. C. Chan, L. P. W. Ng, Y. K. E. Wong, X. M. Pei, M. J. W. Li, and S. C. Wong. 2021. ‘An update on COVID-19 pandemic: the epidemiology, pathogenesis, prevention and treatment strategies’, Expert Rev Anti Infect Ther, 19: 877-88.