Ngành Kĩ thuật y sinh – nguồn tài nguyên vô tận đang chờ khai phá


GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Thuận – chuyên gia Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, là nhà khoa học đã có nhiều đóng góp, cống hiến sâu đậm cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kĩ thuật y sinh (Biomedical Engineering) ở Việt Nam.

Năm 1999, ông là người đầu tiên ở Việt Nam sáng lập ngành Kĩ thuật y sinh, đây là một ngành có tích chất liên ngành cao, đặc biệt trong thế kỷ 21, nơi nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng của các lĩnh vực công nghệ của CMCN4.0. Kĩ thuật y sinh mang tính liên ngành sử dụng những kiến thức và kỹ thuật tiên tiến nhất của nhiều lĩnh vực như Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Y học, Sinh học, Vật lý, Hóa học v.v. để đưa vào ứng dụng trong việc phát triển các thiết bị, các công nghệ cao phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho con người. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và nỗ lực không ngừng nghỉ, GS. Nguyễn Đức Thuận đã xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vức Kĩ thuật y sinh trong suốt 20 năm qua và đã những đóng góp thiết thực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các bệnh viện, các cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến địa phương, các công ty sản xuất và cung cấp trang thiết bị y tế, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này.

Hiện nay, GS.TS. Nguyễn Đức Thuận đang cùng cán bộ giảng viên, Khoa Các khoa học ứng Dụng và Trung tâm Y sinh sức khoẻ Cộng đồng, Trường Quốc tế, xây dựng và phát triển chương trình Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh đầu tiên ở ĐHQGHN.

– Xin thầy có thể chia sẻ một chút thông tin về ngành Kĩ thuật y sinh để mọi người có thể hiểu được hơn về ngành được không ạ?
– Kĩ thuật y sinh là một lĩnh vực khoa học rộng lớn. Đây là một khoa học liên ngành giao thoa giữa các ngành như Điện, Điện tử, Tự động hóa, công nghệ thông tin, Y học, Sinh học, Dược học, Vật liệu, Vật lý, Toán học, Kinh tế… Qua sự nghiên cứu này giúp chúng ta có thể đánh giá định tính và định lương những thay đổi các trạng thái, chức năng, cấu trúc trong cơ thể, cũng như tạo ra những công nghệ, vật liệu, dược liệu mới giúp chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho con người. Như vậy, nói một cách ngắn gọn: kỹ thuật y sinh là một ngành khoa học lấy kỹ thuật làm phương tiện, sinh học là cơ chế, còn y học là mục đích.

Các nhà khoa học lớn trên thế giới nhận định, trong thế kỷ 21 “kỹ thuật y sinh được xem là bệ phóng cho các ngành kỹ thuật khác xâm nhập sâu hơn vào các ứng dụng y sinh”. Và trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, Kĩ thuật y sinh được coi là 1 trong 3 lĩnh vực quan trọng có thể tạo ra những bước đột phá lớn trong cuộc sống tương lai của con người bên cạnh trí tuệ nhân tạo và năng lượng. Sản phẩm đầu tiên liên quan đến kĩ thuật y sinh được Galileo phát minh ra là nhiệt kế từ năm 1592. Thuốc Penicilin được tạo ra năm 1928. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong lĩnh vực Y sinh thực tế bùng nổ mới từ những thập niên 1970 – 1980 về đây. Năm 1970 phát minh ra thiết bị chụp cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ (MRI). Năm 1983 tạo ra Robot phẫu thuật đầu tiên, 1997 đặt nội soi động mạch vành. Đặc biệt, năm 2001, chế tạo viên thuốc dạng Robot siêu nhỏ đi khắp đường tiêu hóa và truyền tín hiệu ra ngoài. Năm 2006, chế tạo bằng in 3D các bộ phận cơ thể người bằng mực in sinh học như tai, thận, da, xương. Năm 2016, trái tim đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng in 3D. Đặc biệt trong vài ba thập niên gần đây đã phát triển những nghiên cứu sinh học ở mức độ phân tử để tạo ra các công nghệ chẩn đoán phân tử đưa ra triển vọng của y học cá thể hóa. Hay với sự phát triển của các công nghệ y sinh hiện đại đã tạo ra các loại thuốc rất đặc hiệu để điều trị hay phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm như gần đây nhất là vaccine COVID-19 mRNA mà 2 nhà phát minh đã nhận giải thưởng Nobel năm 2023.

GS.TS. Nguyễn Đức Thuận đang cùng cán bộ giảng viên Trường Quốc tế xây dựng và phát triển chương trình Thạc sĩ Công nghệ kỹ thuật y sinh đầu tiên ở ĐHQGHN.

Tuy vậy, việc đào tạo ngành Kĩ thuật y sinh thực chất còn rất non trẻ. Trên thế giới ngành mới bắt đầu xuất hiện tại Mỹ và châu Âu vào những năm 1960. Tuy nhiên, nó mới được phát triển mạnh từ năm 1980 trở lại đây tại các trường đại học lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, Đại học Bách khoa là đơn vị đầu tiên triển khai đào tạo vào năm 1999. Đến thời điểm hiện tại, đã có 13 trường đại học và cao đẳng mở ngành này. Và đến năm 2024, Trường Quốc tế đã chính thức triển khai đào tạo thạc sĩ ngành Công nghệ Kĩ thuật y sinh, đây là bước ngoặt lớn trong lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung, và khu vực miền Bắc nói riêng.

– Với tư cách là người sáng lập ra ngành Kĩ thuật y sinh, thầy có nhận định thế nào về cơ hội việc làm của ngành này tại Việt Nam?
– Từ những ngày đầu tiên mở ngành Kỹ thuật y sinh năm 1999, đồng hành với chúng tôi luôn có Bộ Y tế, nơi đón nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường vì nhu cầu về chuyên môn này tại ngành Y tế là rất cao. Ngoài ra, trong xã hội cũng cần các dịch vụ liên quan đến thiết bị, vật tư và công nghệ Y sinh. Như vậy, có thể khẳng định cơ hội việc làm của ngành Kĩ thuật y sinh vô cùng rộng mở. Các bệnh viện công hoặc tư, các công ty trong nước và nước ngoài có nhu cầu và mong muốn tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Nhiều sinh viên ra trường hiện đã tự thành lập công ty về thiết bị, vật tư và phần mềm trong y tế và rất thành công.

GS.TS. Nguyễn Đức Thuận đánh giá cao năng lực chuyên môn cũng như tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế.

– Trường Quốc tế hiện đang triển khai đào tạo ngành mới – Thạc sĩ Công nghệ kĩ thuật y sinh, là một chuyên gia trong lĩnh vực này với vai trò là một thành viên tham gia xây dựng chương trình này, thầy có đánh giá về ngành học mới này của Nhà trường như thế nào?
– Thạc sĩ ngành Công nghệ kĩ thuật y sinh sẽ có nhiều triển vọng. Vì bản chất của ngành Kĩ thuật y sinh là giao thoa của rất nhiều ngành, nên học viên có thể từ nhiều chuyên môn khác nhau theo học và sau phần đầu đào tạo chung, phần chuyên môn mang tính nghề nghiệp chuyên sâu sẽ là lựa chọn các hướng mà mình yêu thích hoặc có thế mạnh, như học viên từ các ngành Y học, Sinh học, Dược học, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Vật liệu y sinh, kể cả như Du lịch – Y tế… Trường Quốc tế hiện có các nhóm nghiên cứu mạnh, các chuyên gia/nhà khoa học uy tín, đang triển khai rất nhiều nghiên cứu và công bố khoa học trong lĩnh vực Kĩ thuật y sinh. Bên cạnh đó, Trường cũng tăng cường hợp tác với các bệnh viện, công ty trong nước nên rất thuận lợi cho việc đào tạo gắn với thực tế để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như các cơ hội việc làm cho học viên. Ngoài ra, các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước tham gia tư vấn, hợp tác trong quá trình đào tạo sẽ là thế mạnh của chương trình thạc sĩ này.

– Được biết thầy đã nhận lời làm việc với tư cách là chuyên gia tại Trường Quốc tế? Thầy có nhận định thế nào về môi trường làm việc cùng các thầy cô tại đây?
– Trong thời gian qua, tôi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động về chuyên môn, học thuật, cũng như các hoạt động khác, tôi đánh giá cao năng lực chuyên môn cũng như tinh thần làm việc, ý thức trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế. Cần phải nói thêm rằng tập thể cán bộ có tinh thần đoàn kết tốt, tạo một không khí chan hòa, thân tình, đồng cảm và luôn quan tâm chia sẻ mọi vui buồn lo lắng một cách chân thành. Bản thân tôi tuy nhiều tuổi, nhưng khi tham gia công việc cùng các thầy cô trẻ ở đây, cũng thấy hòa đồng và niềm vui trong công việc và cuộc sống.

GS.TS Nguyễn Đức Thuận mong các bạn trẻ hãy mạnh dạn, vững tin đến với ngành Kĩ thuật y sinh.

– Thầy có lời khuyên nào dành cho các nhà nghiên cứu trẻ muốn theo đuổi con đường nghiên cứu trong ngành Kĩ thuật y sinh cũng như các học viên muốn chọn học ngành này?
– Tôi được biết nhiều ứng viên rất quan tâm đến ngành Kĩ thuật y sinh, vì đây là lĩnh vực liên quan đến con người nên là tài nguyên vô tận để khai phá. Hướng nghiên cứu trong Y – Sinh nhiều vô kể nên đòi hỏi các bạn trẻ cần có đam mê và kiên trì, tất sẽ thành công. Theo tôi, các học viên học chương trình thạc sĩ Công nghệ kĩ thuật y sinh sẽ có nhiều thuận lợi mà nhiều nơi không có: sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cán bộ, giảng viên để hỗ trợ tối đa cho đối tượng là các sinh viên, học viên.
Với các bạn là ứng viên của chương trình thạc sĩ Công nghệ Kĩ thuật y sinh, tôi muốn nhắn nhủ: “Hãy mạnh dạn, vững tin bước đến với ngành khoa học này, các bạn sẽ gặt hái thành công và trái ngọt. Tương lai rộng mở đang chờ đón các bạn.

-Xin trân trọng cảm ơn GS. Chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc và thành công.