GS.TS Phan Xuân Minh – nữ Giáo sư (GS) đầu tiên của ngành Điều khiển – Tự động Việt Nam – đã chính thức nhận lời làm cố vấn cho chương trình đào tạo Tự động hóa và Tin học của Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 40 năm theo đuổi hành trình nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Điều khiển – Tự động hóa, cô luôn tâm niệm chỉ cần có đam mê, tình yêu với nghề chắc chắn sẽ thành công. Bông hồng thép đầu tiên của ngành Điều khiển – Tự động Việt Nam cũng khẳng định ngành khoa học kỹ thuật cũng rất phù hợp với các bạn nữ!
GS.TS Phan Xuân Minh tham gia chương trình Trại nghiên cứu – Research Camp số 2 và và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các giảng viên, nhà nghiên cứu.
– Xin được chào GS Phan Xuân Minh – Bông hồng thép đầu tiên của ngành Điều khiển – Tự động Việt Nam. Xin GS có thể cho biết tại sao GS lại một hướng đi mà như nhiều người vẫn nghĩ là chỉ dành cho nam giới như vậy ạ?
– Chắc đó không phải là những người hiểu rõ về lĩnh vực Điều khiển tự động. Điều khiển tự động thực chất là ngành công nghệ chế tạo “bộ não” cho máy móc thiết bị, làm cho các máy móc có khả năng hoạt động hiệu quả trong một dây chuyền công nghệ để là ra các sản phẩm chất lượng ngày một cao hơn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Điều khiển tự động được giao thoa giữa toán ứng dụng, công nghệ thông tin và quá trình công nghệ, chính vì vậy những người hoạt động trong ngành này không phải làm những công việc nặng nhọc về chân tay mà chỉ cần có kiến thức về hệ thống kỹ thuật, hệ thống sinh học,…, có nền tảng toán học ứng dụng và kỹ thuật lập trình tốt là chắc chắn sẽ thành công. Một ngành khoa học kỹ thuật cũng rất phù hợp với các bạn nữ!
GS Phan Xuân Minh chụp ảnh cùng các học trò là giảng viên Khoa Các khoa học ứng dụng và sinh viên Trường.
– Được biết GS đã có hơn 40 năm theo đuổi hành trình nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Điều khiển – Tự động hóa. GS có thể chia sẻ phương châm làm việc của mình được không ạ? Là một giảng viên lâu năm, GS đã truyền ngọn lửa đam mê học tập và nghiên cứu cho các thế hệ học trò của mình ra sao, thưa GS?
– Mọi thành công đều bắt đầu từ sự đam mê. Phải có tình yêu với ngành nghề mình lựa chọn thì thành công mới có thể đến được. Sự khác biệt giữa học sinh phổ thông và sinh viên đại học đó chính là văn hóa đọc sách (tự nghiên cứu). Các thầy cô chỉ có thể mở cánh cửa cho các em vào từng môn học phục vụ cho ngành nghề của mình sau này. Sách mới có thể giúp các em tự tin bước vào căn nhà rộng lớn của kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
GS.TS Phan Xuân Minh chia sẻ Tự động hóa là ngành học không phân biệt dành cho nam hay nữ.
– Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự mời được một chuyên gia đầu ngành như GS về làm cố vấn cho chương trình đào tạo Tự động hóa và Tin học. Trên cương vị một nhà khoa học hàng đầu, giảng viên lâu năm, GS có thể chia sẻ về triển vọng cũng như cơ hội nghề nghiệp của ngành học này được không ạ?
– Chương trình đào tạo Tự động hóa và tin học, ngay tên chương trình đã cho thấy điểm khác biệt của chương trình so với các chương trình đào tạo khác ở lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Với trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào các hệ thống tự động hóa, tạo ra cầu nối phát triển từ công nghiệp 3.0 với công nghiệp 4.0. Đấy cũng chính là điểm mới và trọng tâm của chương trình đào tạo nhằm tạo ra các thiết bị thông minh, tạo ra khả năng quản lý tối ưu các dây chuyền sản xuất, khả năng chẩn đoán lỗi cũng như khắc phục sự cố để sản xuất được hiệu quả nhất. Với mục đích đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình chắc chắn các cử nhân của ngành sau khi ra trường sẽ là nguồn nhân lực cần thiết không những cho các nhà máy, các liên doanh sản xuất công nghiệp trong nước mà còn cả ngoài nước.
– GS có lời khuyên nào dành cho các bạn học sinh đang muốn tìm hiểu và theo học ngành Tự động hóa được không ạ? GS có lời khuyên đặc biệt nào dành cho các bạn nữ đang học và có ý định theo học ngành học này không, thưa GS?
– Muốn theo đuổi ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa các bạn học sinh cần có kiến thức toán học và vật lý thật tốt, hai môn học này là cơ sở cho những thành công sau này của các em. Ngoài ra, ngoại ngữ tiếng Anh tốt cũng rất cần vì đa phần các sách báo khoa học hay của ngành đều được viết bằng tiếng Anh. Đây là một nghề không phân biệt nam hay nữ, chỉ cần có đam mê là chắc chắn sẽ thành công.
– Xin trân trọng cảm ơn GS! Chúc GS mạnh khỏe, gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa trong công việc và cuộc sống.