Mở rộng hợp tác quốc tế với nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts


Ngày 17/7/2024, Câu lạc bộ Nhà khoa học, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tổ chức workshop quốc tế với chủ đề “Vươn lên cùng sự tái phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu: Đô thị hóa bền vững của Việt Nam”.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc chương trình.

Tham dự chương trình có các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – đai học xếp hạng thứ 2 tại Mỹ theo USNews, gồm, TS. Siqi Zheng – Giáo sư STL về Bền vững Đô thị và Bất động sản, Giám đốc Trung tâm Bất động sản MIT, Giám đốc Phòng thí nghiệm Đô thị Bền vững MIT; TS. Wen-Chi Liao – Phó Giáo sư về Bất động sản và Trợ lý Trưởng khoa, Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore, nghiên cứu viên – Trung tâm Bất động sản MIT, Viện Công nghệ Massachusetts; TS. Li Hou, Trường Thiết kế – Sau Đại học (Graduate School of Design), Đại học Harvard. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các cán bộ, giảng viên của Nhà trường.

TS. Siqi Zheng đã trình bày bài tổng quan về khu công nghiệp của Trung Quốc.

Trong phần phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các bài nghiên cứu, chia sẻ của diễn giả trong workshop quốc tế sẽ thực sự hữu ích với các chuyên gia, nhà khoa học. Những kết quả nghiên cứu của các diễn giả về chuỗi cung ứng toàn cầu và đô thị hóa sẽ giúp các nhà khoa học của Trường Quốc tế học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

TS. Wen-Chi Liao đã giúp cho các nhà khoa học có được cái nhìn tổng quan về sự tái phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo tập trung các khía cạnh khác nhau của đô thị hóa bền vững, phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu, với sự tập trung đặc biệt vào những kinh nghiệm từ Trung Quốc để từ đó rút ra được nhưng bài học đối với Việt Nam. TS. Siqi Zheng đã trình bày bài tổng quan về “Khu công nghiệp của Trung Quốc: Động lực phát triển, chi phí do lựa chọn sai vị trí và vai trò của hệ thống hạ tầng”. TS. Wen-Chi Liao đã giúp cho các nhà khoa học có được cái nhìn tổng quan về sự tái phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu với sự dịch chuyển nhà máy, doanh nghiệp của các nhà sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm khai thác lợi ích từ mức thuế chênh lệch của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, TS. Li Hou cũng trình bày nghiên cứu xoay quanh việc phát triển đô thị từ việc xây dựng đường tàu cao tốc ở Trung Quốc.

TS. Đồng Chung – Trường Quốc tế, cung cấp góc nhìn về tác động của tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đến xuất khẩu của Việt Nam.

TS. Đồng Chung – Trường Quốc tế, cung cấp góc nhìn về tác động của tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đến xuất khẩu của Việt Nam. Cũng trong chương trình, GS. Laurent El Ghaoui – Phó Hiệu trưởng Nghiên cứu và Trưởng khoa Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni, chia sẻ về những thách thức và cơ hội hội trong đào tạo nhanh lực lượng lao động bán dẫn tại Việt Nam trong bối cảnh mới của chuỗi cung ứng toàn cầu.

GS. Laurent El Ghaoui chia sẻ về những thách thức và cơ hội hội trong đào tạo nhanh lực lượng lao động bán dẫn tại Việt Nam trong bối cảnh mới của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học của Trường Quốc tế học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghiên cứu, tạo động lực cho các nhà khoa học của Trường trong nghiên cứu với nhiều sản phẩm xuất sắc hơn, góp phần trong thực hiện sứ mạng và hiện thực hóa tầm nhìn của nhà Trường.

Người tham dự trao đổi, chia sẻ cùng diễn giả.

Trong thời gian tới, Câu lạc bộ Nhà khoa học Trường Quốc tế sẽ tổ chức thêm nhiều các hội thảo, tọa đàm, bài giảng đại chúng với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thế giớ đến chia sẻ. Những hoạt động này thực sự rất hữu ích cho các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên trong việc làm giàu vốn kiến thức, cơ hội giao lưu học hỏi với những nhà khoa học lớn của thế giới.

Người tham dự hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm.

Nguyễn Thị Kim Oanh
Khoa Kinh tế và Quản lý