Thầy Bùi Thanh Tùng – giảng viên Khoa Các khoa học ứng dụng, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), quyết định chọn bến đỗ VNU-IS sau nhiều năm làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Có lẽ với kinh nghiệm thực tiễn tại các công ty nên thầy Bùi Thanh Tùng luôn mong muốn để sinh viên của mình được “nhúng mình” vào thực tế, được học thật nhiều qua những chuyến đi thực tế tại doanh nghiệp và cuộc sống xung quanh. Với những nỗ lực không ngừng của mình, thầy Bùi Thanh Tùng đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2023. Website Trường Quốc tế đã có phần phỏng vấn nhanh thầy Bùi Thanh Tùng nhân sự kiện đặc biệt này.
– Xin thầy chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận Giải thưởng Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2023 được không ạ?
– Tôi cảm thấy khá bất ngờ khi nhận được giải thưởng này, vì bản thân tôi thật quá nhỏ bé trong ĐHQGHN. Khi nhận được giải thưởng tôi thấy rất vui, vinh dự và tự hào, nhất là được đứng trên sân khấu trước nhiều thế hệ lãnh đạo của ĐHQGHN, các đại diện từ các trường, đơn vị thành viên cùng nhiều quan khách đến dự buổi lễ.
Thầy Bùi Thanh Tùng nhận Giải thưởng Nhà giáo đổi mới sáng tạo năm 2023.
– Thầy có thể chia sẻ rõ hơn về ý tưởng mà thầy đăng ký xét giải thưởng được không?
– Cũng khá khó để mô tả nó như một sản phẩm vì đó là sự tổng hợp của nhiều phương pháp dạy và học trong một số học phần mà tôi phụ trách. Trong đó phải kể đến cách đưa những ví dụ sản phẩm và kinh nghiệm thực tế vào trong môn học, giải thích cho các bạn sinh viên về cách mà kiến thức đang được học đã được áp dụng vào các sản phẩm cụ thể trong công nghiệp và dân dụng như thế nào? Mời doanh nghiệp đến trao đổi cụ thể về những vấn đề các liên quan đến môn học, rồi dạy và học qua những chuyến đi thực tế tại doanh nghiệp và cuộc sống xung quanh. Đặc biệt là tận dụng tối đa trang thiết bị, nguồn lực hiện có để các bạn được thực hành, được “sờ nắn” và đôi khi cả…phá nữa, điều này khá mất thời gian (và cả một chút kinh phí) để chuẩn bị nhưng lại đem lại những giờ học khá hứng khởi và bổ ích. Bên cạnh đó, việc tìm ra và hỗ trợ đào tạo cá thể hóa các bạn có năng lực và yêu thích kỹ thuật công nghệ, đưa các bạn vào các nhóm nghiên cứu để phát huy khả năng của bản thân cũng được chú trọng ngay từ năm thứ Nhất. Thực chất thì đây là những phương pháp đào tạo đang được đẩy mạnh tại Trường Quốc tế, có nhiều thầy cô cũng đã và đang áp dụng sáng tạo từng ngày.
Bảy bạn sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học năm thứ Nhất do thầy Bùi Thanh Tùng hướng dẫn đã giành giải Khuyến khích tại Cuộc thi Robotacon- WRO 2023.
– Hoạt động khoa học công nghệ của một số đơn vị lớn trong ĐHQGHN rất mạnh, ĐHQGHN cũng có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu xuất sắc. Trường Quốc tế những năm gần đây đã chú trọng hơn về công tác thúc đẩy nghiên cứu tuy nhiên có thể nói so với các đơn vị lớn chúng ta vẫn còn hạn chế, vậy động lực nào đã giúp thầy tự tin và quyết tâm tham gia xét Giải thưởng này?
– Đúng là so với nhiều đơn vị trong ĐHQGHN thì Trường Quốc tế chưa phải là lớn và còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với khẩu hiệu “Học tập và sáng tạo cùng thế giới”, với tinh thần làm việc và khí thế của một đơn vị đang vươn mình phát triển mạnh mẽ nên tôi luôn cảm nhận không khí làm việc tại trường như một start-up vậy. Mà đã là tinh thần start-up thì phải có sự tự tin và quyết tâm rất cao, không ngại những thách thức. Đặc biệt là tôi luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo và những đồng nghiệp tuyệt vời tại Khoa Các khoa học ứng dụng và Trường Quốc tế. Thêm vào đó, một yếu tố quan trọng nữa phải kể đến đó chính là sức trẻ, niềm tin và tình cảm của các bạn sinh viên dành cho mình, đây cũng là một động lực mạnh mẽ và niềm vui mỗi ngày đến trường.
Thầy Thanh Tùng cùng nhóm sinh viên tham gia Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ XV.
– Xin trân trọng cảm ơn thầy về những chia sẻ thú vị. Xin chúc thầy thành công hơn nữa trên chặng đường phía trước.
Hạnh Hương
Phòng KHCN&HTPT