Website Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội xin chia sẻ bài viết của TS Trần Công Thành – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý – về chủ đề thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên sao cho hiệu quả.
“Gần đây tự nhiên có nhiều sinh viên mong muốn nghiên cứu khoa học với mình hơn. Nên mình viết bài này để chia sẻ một vài gợi ý để các em có thể làm tốt công việc này.
Trước hết, nghiên cứu khoa học xã hội là gì? Như các em đã biết khoa học xã hội có từ cách đây vài trăm năm rồi. Nghiên cứu khoa học xã hội là một hoạt động rất rộng và có nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là làm cho xã hội được tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Hoạt động này sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội để phát triển lý thuyết hoặc áp dụng lý thuyết để tìm hiểu một hiện tượng xã hội của một xã hội nào đó.
Nghiên cứu khoa học (xã hội) của sinh viên có điểm khác với nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở chỗ các em còn ít trải nghiệm, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu chưa sâu, còn đang được phát triển. Chính vì vậy nếu các em lựa chọn con đường này, để nghiên cứu tốt, các em cần quan tâm đến các vấn đề sau:
1. Lựa chọn thông minh hướng nghiên cứu: nên chọn vấn đề nghiên cứu nào gần với mình, mình đam mê, hoặc gần với nghề nghiệp tương lai của mình. Gần ở đây có nghĩa là cần chọn vấn đề nghiên cứu nằm trong một môn học mình đang hoặc đã học, hoặc liên quan đến nghề nghiệp tương lai của mình (e.g. marketing, management, finance…). Không nên trọn các vấn đề ngoài các môn học mình học vì thiếu nền tảng kiến thức là một trở ngại lớn trong nghiên cứu. Hai là, nên chọn vấn đề nào mình có trải nghiệm tốt, và gây tò mò cho mình (e.g. vấn đề sinh viên khởi nghiệp, hành vi mua sắm của sinh viên, quản lý chuỗi cung ứng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị bền vững…).
2. Lựa chọn đúng thầy cô hướng dẫn: Nên lựa chọn thầy cô nào gần với vấn đề nghiên cứu của mình. Thầy cô có quan tâm và chuyên sâu về hướng nghiên cứu thì mới có thể hướng dẫn tốt được. Cách tốt nhất là chọn luôn thầy cô nào dạy các môn học liên quan đến hướng nghiên cứu của mình.
3. Quản trị dự án nghiên cứu (cá nhân/nhóm): Đây là bước khó nhất, nhưng cũng đem lại cho sinh viên những bài học giá trị nhất từ công việc nghiên cứu. Một dự án thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm (tuỳ vào thời gian các em bắt đầu). Đây là khoảng thời gian không nhiều đối với một nghiên cứu. Do đó, để quản trị dự án nghiên cứu tốt, một là các em cần đặt ra mục tiêu vừa phải, phù hợp với mình và thời gian của dự án. Hai là phải lên một kế hoạch nghiên cứu chi tiết (e.g. công việc, công cụ, kết quả, deadline, thời gian nc trong tuần, thời gian nghỉ ngơi…) để kiểm soát công việc nghiên cứu phù hợp với lịch học trên trường. Ba là, đề ra một quy trình làm việc cá nhân/ với nhóm/ với thầy cô. Bốn là, không cầu toàn và sợ thất bại, lập kế hoạch và cứ thực hiện thôi, vừa làm vừa học vừa điều chỉnh dần.
4. Rèn luyện năng lực nghiên cứu: nghiên cứu đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng. Ví dụ kỹ năng tìm tài liệu, kỹ năng sử dụng các phương pháp và công cụ nc, kỹ năng quản trị bản thân. Ngoài ra phải có kỹ năng viết báo cáo, đọc tài liệu nghiên cứu, và trình bày xuất bản kết quả nghiên cứu. Tất cả các kỹ năng này cần được rèn luyện chăm chỉ trong quá trình nghiên cứu.
5. Đạo đức nghiên cứu: công việc này liên quan đến nhiều người, nên các em luôn luôn phải quan tâm đến những người tham gia và đảm bảo mọi người chấp thuận và ủng hộ nghiên cứu một cách tự nguyện, không cảm thấy lo âu hay buồn phiền vì nghiên cứu của mình.
Cứ lưu ý 5 bước này trong công việc nghiên cứu là sẽ rất tốt. Bản thân các em khi lựa chọn con đường này là đã thành công rồi vì mình không ngại khó, ngại khổ dù biết “gian nan đang chờ đón đón và trái tim vẫn âm thầm, vẫn bước đi hiên ngang ngẩng đầu cao…” Good luck! guys!
TS Trần Công Thành
Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý