Khởi nghiệp trong môi trường đại học


Ngày 9/1/2025, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học về các chủ đề tiếp thị có đạo đức, quản lý rủi ro trong ngành nhà hàng tại Việt Nam và khởi nghiệp trong môi trường đại học. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên của Nhà trường. Diễn giả của tọa đàm là các giảng viên, nghiên cứu sinh của Khoa Kinh tế và Quản lý.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp mỹ phẩm ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng, việc hiểu rõ các yếu tố tác động đến hành vi và thái độ của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Một trong những yếu tố quan trọng hiện nay là các hoạt động tiếp thị có đạo đức, kết hợp với sự gia tăng ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng. Các chiến lược tiếp thị không chỉ tập trung vào việc quảng bá sản phẩm, mà còn phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Điều này tạo ra một môi trường mua sắm có trách nhiệm và bền vững hơn, đặc biệt là khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các yếu tố như thành phần sản phẩm tự nhiên, không thử nghiệm trên động vật, và các chứng nhận sức khỏe. Tại Việt Nam, thị trường mỹ phẩm đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng, khi họ ngày càng quan tâm đến những sản phẩm không chỉ mang lại vẻ đẹp bên ngoài mà còn đảm bảo sức khỏe và an toàn. Các hoạt động tiếp thị có đạo đức, bao gồm việc minh bạch thông tin sản phẩm, cam kết bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, đang dần trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nghiên cứu về chủ đề tiếp thị có đạo đức của PGS.TS Nguyễn Phương Mai khám phá mối liên hệ giữa các hoạt động tiếp thị có đạo đức, ý thức về sức khỏe và thái độ của người tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam, từ đó làm sáng tỏ tác động của những yếu tố này đến ý định mua hàng. Các kết quả sẽ đóng góp vào việc định hình chiến lược tiếp thị hiệu quả và bền vững cho các thương hiệu mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam, nơi nhu cầu về sản phẩm vừa đẹp, vừa an toàn và thân thiện với sức khỏe đang ngày càng tăng.

Các chủ đề thu hút sự quan tâm của người tham dự. 

Ngành nhà hàng tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế dịch vụ của đất nước. Tuy nhiên, như bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, ngành nhà hàng đối mặt với nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của các cơ sở. Những rủi ro này không chỉ liên quan đến yếu tố tài chính mà còn bao gồm các rủi ro về vận hành, quản lý nhân sự, an toàn thực phẩm, sức khỏe khách hàng, cạnh tranh, và thay đổi trong môi trường pháp lý. Mặc dù, ngành nhà hàng có sự tăng trưởng ổn định, nhưng sự thiếu hụt trong việc nhận diện và quản lý các rủi ro có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như thất thoát tài chính, thiệt hại về uy tín, hoặc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng quản lý rủi ro trong ngành nhà hàng tại Việt Nam là cần thiết để hiểu rõ hơn về những thách thức hiện tại cũng như các giải pháp hiệu quả để cải thiện tình hình. Nghiên cứu của NCS Tăng Chí Minh đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các yếu tố rủi ro trong ngành nhà hàng tại Việt Nam và giúp các doanh nghiệp nhà hàng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả. Tác giả tập trung đánh giá các rủi ro hoạt động phổ biến mà các nhà hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm rủi ro tài chính, rủi ro từ nhân sự, rủi ro về chất lượng sản phẩm, rủi ro pháp lý, và rủi ro về khách hàng. Bên cạnh đó, tác giả phân tích các yếu tố tác động đến khả năng quản lý rủi ro của các nhà hàng, bao gồm các yếu tố nội bộ (quy trình vận hành, quản lý nhân sự, công nghệ thông tin) và các yếu tố bên ngoài (chính sách pháp luật, xu hướng thị trường, điều kiện kinh tế xã hội). Từ đó, tác giả đề xuất các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả cho các nhà hàng, bao gồm việc xây dựng quy trình kiểm soát rủi ro, đào tạo nhân viên, ứng dụng công nghệ quản lý và cải thiện dịch vụ khách hàng. Điều này sẽ góp phần tăng trưởng bền vững cho ngành, cải thiện dịch vụ khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà hàng trong bối cảnh thị trường ngày càng thay đổi nhanh chóng. Việc hiểu rõ và quản lý tốt các rủi ro hoạt động trong ngành nhà hàng không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn mở ra cơ hội phát triển lâu dài. Các nhà hàng cần chủ động nhận diện và đánh giá các rủi ro để có chiến lược ứng phó kịp thời, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và sự hài lòng của khách hàng.

TS. Tạ Huy Hùng chia sẻ những lý do quan trọng dẫn tới ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên.

Trong chủ đề cuối của chương trình tọa đàm, có thể thấy ảnh hưởng sự hỗ trợ từ môi trường đại học tới ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên là chủ đề quan trọng trong nghiên cứu về khởi nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, khi mà khởi nghiệp đang trở thành xu hướng và một phần thiết yếu của nền kinh tế. Môi trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tinh thần khởi nghiệp và khả năng sáng tạo của sinh viên. Một số yếu tố trong môi trường đại học có thể ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp của sinh viên, gồm các chương trình đào tạo về khởi nghiệp, sự tiếp cận với các mạng lưới doanh nhân, sự hỗ trợ từ giảng viên, các trung tâm khởi nghiệp, và những cuộc thi hoặc sự kiện dành cho sinh viên đam mê khởi nghiệp. Ảnh hưởng sự hỗ trợ từ môi trường đại học tới ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên, diễn giả đã đề cập đến vấn đề vô cùng thu hút với các sinh viên đại học hiện nay, đó là khởi nghiệp. TS. Tạ Huy Hùng đã chia sẻ những lý do quan trọng dẫn tới ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên. Với phần tổng quan, mối quan hệ giữa ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên được khẳng định là sự liên quan mật thiết và tích cực, ý định dẫn đến hành vi khởi nghiệp một cách rõ ràng. Thông qua phương pháp phân tích định lượng phân tích mối quan hệ giữa các biến theo hồi quy tuyến tính xử lý bằng SPSS, kết quả nghiên cứu được tác giả đề cập tới với những nội dung quan trọng sau: kết quả nghiên cứu phản ánh động lực khởi nghiệp của sinh viên có mối quan hệ tích cực với ý định khởi nghiệp. Tác giả đã tìm thấy sự tương quan nghịch giữa động lực tự chủ và hành vi khởi nghiệp của sinh viên. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn nêu bật được tác động của động lực tài chính tới ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh được mối quan hệ trực tiếp giữa nhận thức về sự hỗ trợ của nhà trường và ý định, hành vi khởi nghiệp.

Người tham dự chương trình tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các học viên, các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Minh Huyền

Khoa Kinh tế và Quản lý