Hội thảo quốc tế EFIS lần thứ I: nhiều quan điểm mới về sáng nghiệp, tài chính và đổi mới sáng tạo


Trong hai ngày 1 – 2/12/2022, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên “Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo” (Entrepreneurship, Finance and Innovation Symposium – EFIS) lần thứ I.

Hội thảo cũng có sự tham gia của Trường Đại học Curtin (Australia), Trường Đại học Paris Saclay, Trường Kinh doanh IPAG (CH. Pháp). Quỹ Phát triển châu Á ARC là đơn vị tài trợ chính cho hội thảo.

Tham dự Hội thảo EFIS lần thứ I có 80 đại biểu, dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ hơn 10 quốc gia.

Tham dự Hội thảo có 80 đại biểu, dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ hơn 10 quốc gia như CH. Pháp, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Ba Lan, Trung Quốc, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, và Lebanon. Hội thảo quốc tế thường niên EFIS thực sự là diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề, những thách thức trong đổi mới, kinh doanh và tài chính. Đây cũng là dịp lý tưởng để các học giả Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển các dự án nghiên cứu với các học giả và chuyên gia quốc tế.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo đã lựa chọn 28 báo cáo chất lượng nhất, phù hợp với chủ đề của hội thảo để trình bày trong các phiên thảo luận chính thức của hội thảo, bên cạnh 3 bài báo cáo chính từ các diễn giả hàng đầu: GS. David B. Audretsch – Giám đốc Viện chiến lược phát triển thuộc Đại học Indiana và Tổng biên tập tạp chí hàng đầu “Small Business Economics”; GS. Jonathan A. Batten – Giáo sư danh dự tại Trường kinh doanh Đại học Sydney và Tổng biên tập tạo chí “Journal of International Financial Markets and Institutions”; và GS. Peter G. Szilagyi – ESSEC Business School, Pháp và Tổng biên tập tạp chí “Journal of Multinational Financial Management”.

Các bài báo cáo của diễn giả chính thu hút sự quan tâm của đại biểu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Định gửi lời cảm ơn Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã phối hợp với nhà trường để tổ chức hội thảo ý nghĩa này. Ông nhấn mạnh các vấn đề liên quan tới đổi mới, sáng tạo và hội nhập có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một đại học. Ông khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa thời sự, thực tiễn của chủ đề hội thảo EFIS năm nay và kỳ vọng rằng hội thảo sẽ là một diễn đàn mở cho các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trao đổi, thảo luận về các vấn đề thích ứng và phát triển nền giáo dục đại học.

Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu đã được nghe phần báo cáo hữu ích của các diễn giả lớn và danh tiếng trong lĩnh vực Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo. GS. David B. Audretsch – Giám đốc Viện chiến lược phát triển thuộc Đại học Indiana, thuyết trình về chủ đề “Dân chủ và nghiệp chủ doanh nghiệp”. Diễn giả mô tả mối tương quan giữa dân chủ và sự phát triển doanh nghiệp ở các nước Phương Tây, đặc biệt là Mỹ trong bối cảnh đầy biến động ngày nay. Diễn giả chia sẻ có thể nói doanh nghiệp là nền tảng cho các hệ thống dân chủ và và mang đến sự phát triển kinh tế-xã hội trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Giảng viên Trường Quốc tế trình bày bài nghiên cứu của mình tại hội thảo.

GS. David B. Audretsch đặt ra câu hỏi rằng liệu sự suy giảm hệ thống doanh nghiệp các nước Phương Tây có phải là một sự báo trước cho các mối hiểm họa lớn hơn về dân chủ sau này, qua đó, có thể đưa ra các hàm ý chính sách cho phát triển doanh nghiệp và hệ thống dân chủ trong tương lai. Để phần nào giải quyết được câu hỏi nghiên cứu này, diễn giả đề cập đến nhiều biến động chính về bối cảnh nền dân chủ toàn cầu trong lịch sử, như chủ nghĩa dân tộc ở Đức (những năm 1930), chiến tranh thế giới thứ II, và các thách thức của bối cảnh COVID-19. Từ đó, Tổng biên tập tạp chí hàng đầu tìm ra một mô thức chung trong sự suy giảm số lượng doanh nghiệp và hình thành các tập đoàn độc quyền trước khi sự suy giảm của hệ thống dân chủ diễn ra. Diễn giả tập trung vào phân tích bối cảnh nước Mỹ hiện tại thông qua các minh chứng chứng phong phú về sự suy giảm chỉ số dân chủ và phát triển doanh nghiệp tại đây. Theo đó, diễn giả kết luận về một xu hướng dịch chuyển tương đồng giữa chỉ số dân chủ và phát triển doanh nghiệp. Diễn giả nhấn mạnh vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hạn chế hình hành độc quyền trong phát triển môi trường doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận cùng diễn giả.

GS. Jonathan A. Batten – Giáo sư danh dự tại Trường kinh doanh – Đại học Sydney, thuyết trình về chủ đề các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ở lĩnh vực Sáng nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo. Trong bài nghiên cứu của mình, diễn giả đã đề xuất một số chính sách, như chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong tài chính, chính sách thuế và chính phủ có vai trò thế nào trong việc ảnh hưởng ngoại lai, trách nhiệm quốc gia trong việc chuyển hóa các mục tiêu phát triển bền vững (trách nhiệm xã hội và môi trường), đưa ra chính sách điều chỉnh về chênh lệch giá và phản ứng mang tính đứt đoạn của chính phủ.

Hội thảo quốc tế thường niên EFIS lần thứ 1 đã kết thúc thành công.

Ngoài ra, đại biểu tham dự hội thảo cũng được nghe những bài nghiên cứu hữu ích của chuyên gia, nhà nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Sau hai ngày hội thảo, người tham dự đã thu nhận được nhiều kiến thức, thông tin mới về lĩnh vực đang được quan tâm. Các sinh viên Trường Quốc tế tham dự chương trình có cơ hội được học hỏi từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia lớn.