Hội thảo quốc tế chuyên đề về giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành


Ngày 10/11/2023, Trường Quốc tế phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề về “Xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành”.

Các giảng viên Khoa Ngôn ngữ ứng dụng tham dự hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận về các vấn đề xung quanh công tác giảng dạy, nghiên cứu, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị về việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến; tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo ba trường đồng tổ chức, chuyên gia quốc tế, giảng viên, nhà khoa học, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh và cán bộ quản lý đào tạo tiếng Anh của nhiều trường đại học, cao đẳng ở miền Bắc.

Đây là lần đầu tiên một hội thảo về giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành (ESP) và dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh (EMI) ở quy mô hội thảo quốc tế.

Đây là lần đầu tiên một hội thảo về giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành (ESP) và dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh (EMI) ở quy mô hội thảo quốc tế. Sự kiện lần đầu tiên chỉ tập hợp các trường đại học, cao đẳng ở miền Bắc, và do 3 đơn vị đồng tổ chức. Đây là dấu mốc quan trọng cho sự hình thành và phát triển xu hướng nghiên cứu ở lĩnh vực chuyên môn (ESP, EMI) còn ít được quan tâm này; và hội thảo cũng đặt dấu mốc cho những hội thảo thường niên trong những năm sau về mô hình đồng tổ chức giữa các trường cao đẳng, đại học có chung đặc thù là giảng dạy ESP và EMI.

PGS.TS Nguyễn Văn Định phát biểu tại hội thảo.

Trong phần phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, đã gửi lời chào mừng các đại biểu. PGS. TS. Nguyễn Văn Định cho biết tiếng Anh đã trở thành một năng lực thiết yếu của người lao động trong thời đại toàn cầu hoá, khu vực hoá trong xã hội hiện đại ngày nay; hầu hết các chương trình đào tạo ở các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện nay đều có các học phần tiếng Anh bắt buộc, và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo thường bao gồm các yêu cầu về chuẩn đầu ra năng lực tiếng Anh. Do đó, để chuẩn bị cho người học của mình đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, cán bộ giảng viên của ĐHQGHN nói riêng và của các trường đại học nói chung phải trang bị cho sinh viên kiến thức và khả năng ứng dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, việc thiết kế chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo các học phần tiếng Anh thế nào cho hiệu quả và đạt được các mục tiêu đầu ra, cũng như đáp ứng được nhu cầu và tạo động cơ học tập tích cực cho người học vẫn đang là một câu hỏi lớn cho nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các trường đa ngành và liên ngành. PGS. TS. Nguyễn Văn Định cũng hy vọng rằng hội thảo có thể tạo ra diễn đàn để các cán bộ giảng viên tham gia có thể chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng một cộng đồng để cải thiện công tác giảng dạy ngoại ngữ.

Tại phiên toàn thể, báo cáo viên TS. Shin Yong Sun đã có phần trình bày về “Đánh giá tiếng Anh chuyên ngành trong các chương trình tiếng Anh bậc đại học”. Ông nói về vai trò của tiếng Anh chuyên ngành, đặc biệt là sử dụng trong mục đích cụ thể ESP (English for Specific Purpose), làm cầu nối giữa tiếng Anh thông thường và tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy EMI (English as Medium of Instruction). Ông cũng nhấn mạnh về sự quan trọng của thông tin và phương pháp cụ thể để triển khai ESP thành công, cũng như cần có nhiều nghiên cứu hơn để tích hợp thành công kết quả nghiên cứu vào giảng dạy.

TS. Shin Yong Sun trình bày về chủ đề “Đánh giá tiếng Anh chuyên ngành trong các chương trình tiếng Anh bậc đại học”.

Ở hội thảo lần 1 này, các chủ đề được tập trung trao đổi liên quan tới quan điểm về sự phân biệt giữa ESP và EMI, lý thuyết về giảng dạy và kiểm tra đánh giá ESP, EMI, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh đại cương có khả năng áp dụng cho dạy ESP và EMI hay không; Năng lực tiếng Anh chuyên ngành; cách xây dựng Khung chương trình và giáo trình tài liệu; Các vấn đề chung của giảng dạy tiếng Anh đại cương và ESP cũng như EMI, kết quả ứng dụng các kỹ thuật và và nền tảng công nghệ (MS Teams, Quizlet, Quizziz, Padlet, ChatGPT…) trong giảng dạy tiếng Anh nói chung và trong giảng dạy ESP và EMI nói riêng. Có hơn 30 bài nghiên cứu trình bày tại 4 phiên báo cáo song song của hội thảo bên cạnh 2 bài nghiên cứu của 2 chuyên gia Hoa Kỳ và Slovakia.

Các giảng viên Khoa Ngôn ngữ ứng dụng chủ trì 2 phiên báo cáo song và có 7 báo cáo tại hội thảo.

PGS. TS. Hoàng Tuyết Minh chủ trì phiên báo cáo song song tại Tiểu ban 4.

TS. Nguyễn Việt Hùng chủ trì phiên báo cáo song song tại Tiểu ban 3.

Tại Tiểu ban 3, rất nhiều thảo luận sôi nổi liên quan tới việc phân biệt dạy tiếng Anh chuyên ngành (ESP) với dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh (EMI) và với tiếng Anh đại cương (GE). Về mặt lý thuyết và ý kiến các chuyên gia thì cũng có rất nhiều quan điểm khác biệt và rất khó thống nhất để xác định cụ thể ESP thực tế là tiếng Anh hay là chuyên ngành, giảng viên dạy môn này cần có kiến thức chuyên ngành nhiều hơn hay năng lực tiếng anh nhiều hơn.. Sau khi nghe rất nhiều quan điểm trao đổi khác nhau,

TS. Nguyễn Việt Hùng – Trưởng Tiểu ban 3 đã chia sẻ quan điểm của mình như sau. ESP là môn học cầu nối ở giữa GE và EMI. Nếu GE là tiếng Anh thông thường đào tạo năng lực giao tiếp và sử dụng tiếng Anh cụ thể với các kỹ năng nghe nói đọc viết, và các chủ đề bài học liên quan tới tất cả các lĩnh vực của xã hội với độ khó từ cấp độ A1 đến C2 tùy theo năng lực hiện tại và mục tiêu của người học. Ngược lại EMI là môn học có hàm lượng chuyên môn sâu, là kiến thức chuyên ngành của một lĩnh vực cụ thể được giảng dạy bằng tiếng Anh. Mục tiêu của EMI là dạy kiến thức chuyên ngành, tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác chỉ là phương tiện truyền tải. Như vậy việc phân biệt giữa GE và EMI là rất rõ ràng, và dễ hiểu.

Tuy nhiên ESP lại là môn ở giữa vì nó vẫn đào tạo cho người học năng lực giao tiếp và sử dụng tiếng Anh với các kỹ năng nghe nói đọc viết như GE; nhưng khác GE ở chỗ các chủ đề bài học không dàn trải ở tất cả mọi lĩnh vực của xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, thể thao, du lịch, hàng không… mà tập trung vào chỉ một lĩnh vực chuyên môn giống như EMI. Hơn nữa, trong các bài học độ khó của các bài học thuộc chủ đề chuyên môn đó không trải dài từ cấp độ A1 đến C2 như GE, mà nên từ B2 trở lên. Bởi vì trong thực tế, với một bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh có thể đánh giá năng lực của người học từ cấp độ A1 đến C2, tuy nhiên chỉ những thí sinh có kiến thức cơ bản và đủ rộng về tất cả các lĩnh vực khác nhau mới có thể trả lời được các câu hỏi từ cấp độ B2 trở lên và đạt năng lực từ B2 trở lên. Những thí sinh có năng lực từ B1 trở xuống sẽ rất khó hoàn thành được những bài đọc hay bài nghe liên quan tới các lĩnh vực chuyên ngành. Bởi vì người học không có đủ lượng từ vựng, mẫu thức diễn đạt để giao tiếp thành công với các nhiệm vụ liên quan tới các lĩnh vực chuyên ngành, mà chỉ có khả năng ứng phó với những giao tiếp thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó cho phép ta giả định rằng ESP chính là việc dạy giao tiếp ở phân khúc cao hơn của GE (từ level B2 tới C2) và chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như EMI. Việc tăng khối lượng ngôn ngữ trong duy nhất một lĩnh vực có thể giúp người học có đủ từ vựng chuyên ngành, mẫu thức diễn đạt và năng lực giao tiếp tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực đó, chứ không dàn trải ở mọi lĩnh vực và lại không đủ sâu như GE.

Các phiên song song tại hội thảo diễn ra sôi nổi.

Từ những phân tích như trên có thể thấy ESP là một môn học rất quan trọng nó là cầu nối giữa tiếng Anh thông thường và việc dạy học chuyên ngành bằng tiếng Anh, nó là cánh cổng để người học mở ra bước vào một lĩnh vực chuyên môn bằng tiếng Anh. Ở cánh cổng này hàm lượng chuyên môn chỉ là mức cơ bản nhưng năng lực ngôn ngữ lại ở mức cao. Chính vì thế giảng viên dạy môn này cần có năng lực ngôn ngữ ở mức cao, và có hiểu biết ở mức cơ bản (basic) về chuyên ngành, không cần hiểu biết quá chuyên sâu như người thuộc chuyên ngành đó. Có thể tóm lược mối quan hệ giữa GE, ESP và EMI như sau: “GE means General English in every field, ESP means English in one field, and EMI means one field in English”.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy, cô.

Và rõ ràng SP là một miền đất hứa, có rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu như thiết kế các thang đo để đánh giá năng lực người học trong việc sử dụng tiếng Anh chuyên ngành, cách thiết kế chương trình giáo trình tiếng anh chuyên ngành, thử nghiệm và điều chỉnh các phương pháp dạy học dành cho GE cho phù hợp với tiếng Anh chuyên ngành…

Trước đó, Hội thảo cũng có một buổi tọa đàm với chủ đề “Xu thế chung trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá tiếng Anh chuyên ngành” tại nhà Văn hoá Đại học Kinh tế Quốc dân, thảo luận về những thách thức hiện đang diễn ra trong công tác giảng dạy và đề xuất phương pháp triển trong tương lai.
Hội thảo đầu tiên này sẽ đặt nền móng cho chuỗi các hội thảo được tổ chức thường niên và chắc chắn sẽ là một sân chơi, là nơi hội tụ của tất cả các giảng viên dạy chuyên ngành của rất nhiều trường đại học cao đẳng trong cả nước để giải quyết những câu hỏi còn tồn động đã được đặt ra.

TS Nguyễn Việt Hùng
Khoa Ngôn ngữ ứng dụng