Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những câu chuyện cuộc đời giản dị của Người


Ngày 23/10/2023, Đảng bộ Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tham dự hội nghị có toàn thể đảng viên của Đảng bộ và các quần chúng ưu tú của Nhà trường. Diễn giả của Hội nghị là GS.TS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, người đã dành gần 50 năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong gần 3 tiếng đồng hồ, người tham dự đã được lắng nghe những câu chuyện cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó học được nhiều bài học ý nghĩa và sâu sắc. GS Hoàng Chí Bảo đã đưa ra 3 sự kiện lớn trong cuộc đời Bác Hồ, xen kẽ vào đó là những câu chuyện xúc động về Người.

GS Hoàng Chí Bảo trao đổi tại Hội nghị chuyên đề.

Sự kiện đầu tiên là sự kiên Bác Hồ đến nước Nga lần đầu tiên năm 33 tuổi để tìm gặp Lê-nin, nhưng ước nguyện được gặp vị lãnh tụ vĩ đại không thành. Khi Bác đến gặp thì Lê-nin ốm nặng và mất vài ngày sau đó. Việc không được gặp Lê-nin là một trong 3 điều Bác Hồ tiếc nuối vì không thực hiện được. Điều tiếc thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không thể gặp và cảm ơn một cụ già người dân tộc đã chạy chữa cho Người qua cơn “thập tử nhất sinh” tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang vào tháng 5/1945. Và điều tiếc nuối cuối cùng chính là Bác không được trực tiếp cùng đồng bào tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài nói chuyện của GS Hoàng Chí Bảo thu hút sự quan tâm của người tham dự Hội nghị.

Năm 2023 tròn 80 năm Bác được trả tự do sau 13 tháng bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác. Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó (tháng 8/1942 – tháng 9/1943), Người đã sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký – 獄中日記” (Nhật ký trong tù) bằng tiếng Hán. Trong sự kiện này, GS Hoàng Chí Bảo nhắc đến bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” – bài thơ có tính tổng kết nhân sinh quan, triết lý đạo đức của Hồ Chí Minh. Bài thơ đã chỉ ra những nội dung cơ bản, rất quan trọng trong rèn luyện đạo đức cách mạng.

Hiệu trưởng Lê Trung Thành tặng hoa cảm ơn GS.TS Hoàng Chí Bảo đã nhận lời làm diễn giả chương trình.

Sự kiện thứ 3 GS Hoàng Chí Bảo nhắc đến là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ngành công an và viết văn kiện thi đua ái quốc. Năm 2023 cũng là tròn ¾ thế kỷ của sự kiện quan trọng này. “Lời kêu kêu gọi thi đua ái quốc” là một tác phẩm ngắn, tất cả chỉ có 415 chữ, viết ngắn, giản dị, thiết thực, cô đọng, hàm súc, chặt chẽ và sâu sắc, đó là một đặc điểm nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh, trước hết trong phong cách tư duy. Là một con người hành động, Bác thường chủ trương hành động là chủ yếu, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm. Chỉ nói và viết khi cần thiết, khi thấy thực sự cần thiết, để hướng dẫn hành động, thúc đẩy hoạt động hướng tới mục đích, mục tiêu đã vạch ra. Là người luôn chú trọng tới các công việc thực tế, Hồ Chí Minh chủ trương phải bám sát thực tiễn cuộc sống, hành động phải thiết thực, hiệu quả. Bởi vậy, Người xa lạ với mọi thứ phù phiếm, khoa trương, tích cực đấu tranh chống bệnh hình thức và lý thuyết suông, coi khinh lý luận, tầm nhìn hạn hẹp, thực dụng một cách tầm thường, chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy triển vọng lâu dài. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người thấm nhuần sâu sắc quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển và quan điểm đổi mới.

GS.TS Hoàng Chí Bảo chụp ảnh lưu niệm cùng các đảng viên và quần chúng ưu tú của Trường.

Như vậy, thông qua những sự kiện, câu chuyện về Bác, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã phân tích làm nổi bật những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nêu cao tinh thần trách nhiệm – Chống chủ nghĩa cá nhân – Nói đi đôi với làm; “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; luôn là công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, cả cuộc đời hy sinh cho dân cho nước; đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực; luôn không ngừng học hỏi trên tinh thần học tập suốt đời… GS Hoàng Chí Bảo cũng nhấn mạnh việc tiếp biến văn hóa là quan trọng. Các cán bộ, giảng viên, sinh Nhà trường cần học hỏi những điều tốt đẹp từ văn hóa phương Đông cũng như phương Tây, học hỏi để chuyển hóa và phát triển chứ không phải là làm theo, sao chép nguyên mẫu, thiếu chọn lọc.

Buổi nói chuyện chuyên đề của GS, TS Hoàng Chí Bảo đã mang đến cho các cán bộ, đảng viên Trường Quốc tế một cái nhìn tổng quát, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tích cực, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.