Học giả quốc tế chia sẻ về vấn đề tài chính xanh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế toàn cầu


Ngày 31/10 và 01/11/2023, trong khuôn khổ Chương trình học giả, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức hai buổi seminar của GS.TS Sabri Boubaker – giảng viên Trường Kinh doanh EM Normandie, CH. Pháp.

Hai chủ đề của seminar tập trung vào những vấn đề rất cấp thiết hiện nay, đó là tài chính xanh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của các cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Trong cuối tháng 10 vừa qua, GS. Sabri Boubaker – giảng viên Trường Kinh doanh EM Normandie, CH. Pháp, có chuyến làm việc tại Trường Quốc tế.

Ngày 31/10/2023, GS. Sabri Boubaker chia sẻ chủ đề “Tầm quan trọng của Tài chính xanh và ESG”. Trong bài trình bày của mình, diễn giả đã giới thiệu về các thành phần trong bộ tiêu chuẩn ESG. ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Tài chính xanh liên quan đến các khoản đầu tư hỗ trợ các dự án và công nghệ thân thiện với môi trường, như năng lượng tái tạo, giao thông sạch và nông nghiệp bền vững.

GS. Sabri Boubaker chia sẻ chủ đề “Tầm quan trọng của Tài chính xanh và ESG”.

Lĩnh vực này đang có được sức hút khi thế giới phải đối mặt với những thách thức cấp bách về biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Bằng cách sử dụng Tài chính xanh và ESG, các cá nhân và tổ chức có thể hướng đầu tư tới một tương lai bền vững, công bằng và có ý thức về môi trường hơn. Cuối cùng, diễn giả kết luận, ESG nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc đạo đức, xã hội và quản trị trong các quyết định đầu tư. Các công ty và tổ chức tuân theo các nguyên tắc ESG có xu hướng kiên cường, có đạo đức và thích ứng hơn, khiến chúng trở thành những cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn. Các nhà đầu tư xem xét tiêu chí ESG trong các quyết định của mình sẽ góp phần xây dựng một thế giới nơi các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hành động của mình và phúc lợi xã hội được ưu tiên. Những cách tiếp cận đầu tư này có tính chất cộng sinh vì các nguyên tắc Tài chính Xanh và ESG thường giao thoa với nhau. Cùng nhau, họ trao quyền cho các nhà đầu tư phân bổ vốn của họ một cách có trách nhiệm, đảm bảo họ là một phần của giải pháp chứ không phải là vấn đề. Bằng cách sử dụng Tài chính Xanh và ESG, các cá nhân và tổ chức có thể hướng đầu tư hướng tới một tương lai bền vững, công bằng và có ý thức về môi trường hơn. Cuối cùng, sự thay đổi trong chiến lược đầu tư này có khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao phúc lợi xã hội và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có đạo đức, định hình một tương lai tươi sáng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Tiếp đó, trong chương trình seminar số 2 với chủ đề “Điều hướng biến đổi khí hậu: Các biện pháp thích ứng ảnh hưởng như thế nào đến lựa chọn vay nợ của doanh nghiệp?”. Các vấn đề về khí hậu đang trở nên đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tín dụng lo ngại về rủi ro suy giảm. Ngày càng nhiều nhà đầu tư, học giả, nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý đang đặt câu hỏi liệu xếp hạng tín dụng – thành tố phổ biến làm nền tảng cho phần lớn hệ thống tài chính – có tính đến tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và những thay đổi chính sách liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với người đi vay hay không. Buổi tọa đàm nhằm giải đáp hai câu hỏi lớn: (i) Các vấn đề khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến quyết định vay nợ của doanh nghiệp? và (ii) Các tổ chức tín dụng khác nhau nhìn nhận như thế nào về các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu?

Chủ đề thứ hai GS. Sabri Boubaker là về điều hướng biến đổi khí hậu: các biện pháp thích ứng ảnh hưởng như thế nào đến lựa chọn vay nợ của doanh nghiệp?

Diễn giả đã trình bày tổng quan về một số thành phố/vùng lãnh thổ áp dụng CLAPs (Climate change adaptation plans – Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu) và đưa ra giả thuyết nghiên cứu liệu việc áp dụng CLAPs có làm tăng hay giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào các khoản vay ngân hàng so với nợ công. Dữ liệu về cấu trúc nợ của các công ty thuộc những thành phố/vùng lãnh thổ áp dụng CLAPs được thu thập từ cơ sở dữ liệu Capital IQ trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2018. Mô hình hồi quy sai biệt kép (DID regressions) được sử dụng để đo lường mức độ ảnh hưởng của CLAPs đối với quyết định vay nợ của doanh nghiệp.

Các kết quả phân tích đều có ý nghĩa thống kê và chỉ ra rằng việc áp dụng CLAPs làm tăng sự phụ thuộc của các doanh nghiệp vào các khoản vay ngân hàng, hay nói cách khác, những doanh nghiệp trong thành phố/vùng lãnh thổ áp dụng CLAPs có xu hướng vay ngân hàng nhiều hơn. Hiệu ứng này rõ ràng hơn ở những doanh nghiệp dễ gặp rủi ro về khí hậu, khi mà những doanh nghiệp này dễ bị tổn thương hơn và tình trạng bất cân xứng thông tin cao hơn. Kết quả nghiên cứu cũng làm sáng tỏ thêm về cách các vấn đề khí hậu quyết định nhận thức của các tổ chức tín dụng khác nhau và do đó ảnh hưởng đến các quyết định cho vay đối với doanh nghiệp.


Hai chủ đề thu hút sự quan tâm của người tham dự.

Các bài trình bày của GS. Sabri Boubaker thực sự cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người tham dự. Giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế đặt nhiều câu hỏi và thảo luận với diễn giả để làm rõ hơn các vấn đề mình quan tâm. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi, phần trả lời của diễn giả giúp giải đáp băn khoăn của người tham dự.

GS.TS. Sabri Boubaker là Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh EM Normandie (Cơ sở Paris) và Nghiên cứu viên tại Institut de Recherche en Gestion (Trường Đại học Paris Est). Ông có bằng tiến sĩ Tài chính và bằng HDR của Đại học Paris Est. GS.TS. Sabri Boubaker đã công bố nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế danh tiếng về lĩnh vực quản trị tài chính, tài chính doanh nghiệp. GS.TS. Sabri Boubaker là học giả quốc tế của Trường Quốc tế từ năm 2017.

Người tham dự chương trình đặt câu hỏi giao lưu cùng diễn giả.

Chương trình học giả của Trường Quốc tế ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả nước ngoài, học giả – Việt kiều đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chương trình đồng thời giúp tăng cường chỉ số hội nhập quốc tế của ĐHQGHN nói chung và Trường Quốc tế nói riêng, tạo động lực, môi trường đào tạo và nghiên cứu quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài, tăng cường tỷ lệ giảng viên đến từ các trường đại học uy tín nước ngoài giảng dạy tại Trường.

GS.TS Sabri Boubaker chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên, sinh viên nhà trường.

Hoàng Lan – Kim Duyên
Khoa Kinh tế và Quản lý