Tên tiếng Việt: Trường Quốc tế- Đại học Quốc gia Hà Nội
Tên tiếng Anh: VNU – International School
Tên viết tắt: VNU-IS
Các cơ sở của Trường:
Cơ sở 1: Nhà G7-G8, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
Cơ sở 2: Nhà C, E, Làng sinh viên HACINCO, 79 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 1, Phố Trịnh Văn Bô, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Cơ sở 4: Toà nhà HT1, Khu Đô thị đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc, Hà Nội
Website: https://www.is.vnu.edu.vn
Email: is@vnu.edu.vn
Điện thoại: 024. 3557 5992
Trường Quốc tế (tên giao dịch bằng tiếng Anh VNU – International School), với I – Innovation, Interdisciplinarity, Internationalization, Intergration, S – Start-up, Self-Study, Sustainability, Self-worth, là một đơn vị đào tạo với bản sắc, giá trị riêng trong ĐHQGHN, là nơi kết nối Đông – Tây, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học uy tín, sinh viên viên giỏi đến học tập và nghiên cứu, qua đó đóng góp giá trị cho xã hội và cộng đồng.
Trường Quốc tế có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế trên cơ sở áp dụng sáng tạo các thành tựu giáo dục, khoa học và công nghệ tiên tiến vào môi trường văn hóa Việt Nam, thực hiện đào tạo toàn bộ các chương trình bằng ngoại ngữ. Sứ mệnh đó hiện đang được thực hiện theo 3 trụ cột: (1) sáng tạo tri thức mới, chuyển giao tri thức, kỹ năng cho người học và phụng sự xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước; (2) hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do ĐHQGHN giao; (3) tự chủ tài chính.
Tiền thân là Khoa Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với 20 hình thành và phát triển, Trường Quốc tế được thành lập theo Quyết định số 3868/QĐ-ĐHQGHN ngày 01/12/2021 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kiên trì phấn đấu cho định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, từ một đơn vị chỉ thực hiện một chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Nga, đến nay, Trường đã phát triển được 15 chương trình đào tạo đại học, 06 chương trình đào tạo thạc sĩ, 02 chương trình đào tạo tiến sĩ với nhiều phương thức đào tạo khác nhau (liên kết, song bằng, bằng kép…). Trường cũng là đơn vị đào tạo triển khai toàn bộ các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài với tỷ lệ giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy ở mỗi chương trình đạt từ 30% đến 70%. Quy mô đào tạo của Trường hiện gần 6.000 sinh viên, học viên. Trong 20 năm hoạt động, Trường đã góp phần đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường lao động. Gần 20.000 sinh viên đã tốt nghiệp các khóa và các chương trình đào tạo đại học của Trường với tỉ lệ có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau một năm ra trường đạt trên 93%. Hệ đào tạo sau đại học của Trường đã có gần 700 thạc sĩ tốt nghiệp thuộc 17 khoá các chương trình đào tạo thạc sĩ.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Trường đã có gần 500 công bố khoa học của cán bộ, giảng viên, trong đó hơn 200 công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục WoS, Scopus. Trường đồng thời là địa chỉ uy tin về tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế. Các hội nghị, hội thảo khoa học lớn về quản lí giáo dục, về các lĩnh vực chuyên môn như kinh tế, tài chính, ngân hàng… đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên diễn ra đều đặn thường niên đã thu hút trên 500 sinh viên tham gia với nhiều sản phẩm sáng tạo, có tính thực tiễn, đạt nhiều thành tích cao ở cấp Trường, cấp ĐHQGHN và toàn quốc. Sinh viên của Trường cũng tham gia báo cáo tại các hội nghị hội thảo khoa học, công bố khoa học chung với giảng viên trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế. Đây là thành quả của những chính sách ưu đãi hấp dẫn được Trường xây dựng và triển khai nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong cán bộ, sinh viên.
Trường Quốc tế đã và đang triển khai Chương trình Thu hút học giả quốc tế (bao gồm cả học giả là người Việt Nam ở nước ngoài) về dẫn dắt, chủ trì các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trường đã thành lập 16 nhóm nghiên cứu gồm các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và&quản lí, tài chính, marketing, khoa học dữ liệu, quang tử, AI, IoTs, học máy, y sinh…, hợp tác với nhiều nhà khoa học hàng đầu như GS.TSKH Hồ Tú Bảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, GS.TS Nguyễn Đức Khương, GS.TS Lê Thị Hoài An, TS. Nguyễn Việt Cường, TS. Trần Quang Tuyến. Trung bình các nhà khoa học, giảng viên công bố 100 bài báo ISI/SCOPUS/ 1 năm; chủ trì đề tài các cấp như Cấp nhà nước thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, Nafosted, Sở Khoa học công nghệ Hà Nội và cấp ĐHQGHN.
Với mục tiêu chiến lược trở thành một đầu mối (Hub) giáo dục quốc tế uy tín tại Việt Nam, Trường đã phát triển quan hệ hợp tác với gần 40 trường đại học, tổ chức giáo dục, khoa học và công nghệ trên thế giới, trong đó có các trường đang hợp tác với Trường triển khai các chương trình đào tạo, như Trường ĐH Keuka, Trường ĐH Troy (Hoa Kỳ); Trường ĐH East London (Vương quốc Anh), Trường ĐH Nantes (CH. Pháp); Trường ĐH Kĩ thuật Năng lượng Moscow (LB Nga), Trường ĐH HELP (Malaysia), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Lunghwa (Đài Loan)… Các ngành nghề hợp tác đào tạo trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, kinh doanh, quản trị, tài chính, quản lí, kĩ thuật, công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, du lịch, khách sạn…
Hiện nay, Trường Quốc tế có hơn 200 giảng viên, cán bộ cơ hữu, tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ chiếm trên 60% (100% giảng viên chuyên ngành đều tốt nghiệp tại nước ngoài). Bên cạnh đó, Trường có đội ngũ giảng viên nước ngoài thuộc các trường đối tác quốc tế và giảng viên thỉnh giảng từ các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu trong nước tham gia giảng dạy với số lượng trên 150 người/năm.
Trường Quốc tế trong giai đoạn tới hướng đến thực hiện sứ mệnh của một trường đại học và sứ mệnh của một đơn vị trực thuộc do ĐHQGHN giao là đào tạo chất lượng cao, phát triển nghiên cứu khoa học với việc thu hút các nhà khoa học tên tuổi trong cộng đồng khoa học chuyên ngành, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện tự chủ về tài chính; tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế, trao đổi tín chỉ; phát triển về các ngành đào tạo kỹ thuật công nghệ mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển đổi số và ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin trong quản trị đại học và giảng dạy, học tập; triển khai xây dựng con người sinh viên và văn hóa Trường Quốc tế đặc sắc.