Hội thảo, seminar


Liệu phát triển kinh tế tư nhân có làm tăng bất bình đẳng?

Ngày 16/03/2023, tại Phòng 601, Cơ sở Trịnh Văn Bô, Khoa Kinh tế và Quản lý – Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Liệu phát triển kinh tế tư nhân có làm tăng bất bình đẳng: Bằng chứng tại Việt Nam”.

Tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự tham gia của diễn giả chính là ThS. Lê Văn Đạo, TS. Trần Công Thành (chủ tọa), và các cán bộ giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý cùng các giảng viên và sinh viên quan tâm.

Diễn giả của tọa đàm là ThS Lê Văn Đạo.
Diễn giả của tọa đàm là ThS Lê Văn Đạo.

Mở đầu buổi tọa đàm, diễn giả Lê Văn Đạo đã lý giải về lý do lựa chọn đề tài, phạm vi nghiên cứu của đề tài, phương pháp nghiên cứu và quan trọng hơn là đóng góp mới của đề tài. Dành nhiều thời gian thu thập và phân tích số liêu về phát triển kinh tế tư nhân tại các tỉnh thành trong cả nước, cũng như số liệu về mức thu nhập của người lao động trong khoảng thời gian 20 năm, sau khi phân tích mối quan hệ này, diễn giả đã đem đến những góc nhìn khác nhau về sự phát triển bền vững trong kinh tế, giúp người tham gia có thêm tham khảo để phát triển đề tài trong tương lai.

Tiếp nối chương trình, diễn giả Lê Văn Đạo đã chia sẻ sâu thêm về biến số cần nghiên cứu, mô hình nghiên cứu và kết quả nghiên cứu thông qua các biểu đồ, để người tham gia hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế tư nhân và sự bình đẳng trong thu nhập của người dân.

Chương trình thu hút sự quan tâm của người tham dự.
Chương trình thu hút sự quan tâm của người tham dự.

Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi, tất cả các câu hỏi đều được diễn giả giải đáp một cách chi tiết, cụ thể. Chủ đề được đánh giá là rất thực tế và hấp dẫn. Diễn giả Lê Quang Đạo nhấn mạnh về sự phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và tại từng địa phương nói riêng.

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Bùi Vũ Lương 
Khoa Kinh tế và Quản lý

 

Tọa đàm về năng lực số và sáng tạo để tăng cường hiệu quả doanh nghiệp và tạo chiến lược khác biệt

Ngày 18/04/2023, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Năng lực số và sáng tạo để tăng cường hiệu quả doanh nghiệp và tạo chiến lược khác biệt dựa trên trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)”.

Diễn giả của chương trình là TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh – giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý. TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh là những giảng viên có năng lực nghiên cứu tốt, có nhiều công bố quốc tế về các lĩnh vực kinh tế – quản trị như quản trị công ty, ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp. 

 

Chủ đề của tọa đàm là một trong những vấn đề nổi bật trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các công ty phát triển các kỹ năng nội tại của mình để đối phó với những thách thức bên ngoài bắt nguồn từ quá trình số hóa và cuộc khủng hoảng COVID-19. Tại tọa đàm, TS. Lê Hương Linh và TS. Bùi Mỹ Trinh đã trình bày kết quả nghiên cứu về cách thức các công ty sử dụng năng lực kỹ thuật số và sáng tạo của họ để cải thiện hiệu suất trong thời kỳ đại dịch và thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) của họ. Nghiên cứu đã tiến hành phân tích hai bước với phạm vi nghiên cứu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam. Đầu tiên, dữ liệu của 151 doanh nghiệp tại Việt Nam được thu thập và phân tích định tính để hiểu năng lực kỹ thuật số và hiệu suất xuất khẩu của họ. Sau đó, Smart PLS phiên bản 3 được sử dụng để phân tích dữ liệu định lượng mở rộng của 329 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành khác nhau.

Nghiên cứu này đóng góp vào các lý thuyết về năng lực động với ý nghĩa phát triển năng lực kỹ thuật số và sáng tạo để nâng cao hiệu suất và chiến lược khác biệt hóa CSR trong việc đối phó với các thách thức bên ngoài, đặc biệt là trong các đại dịch toàn cầu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng làm phong phú thêm tài liệu về CSR bằng cách xem CSR như mục tiêu đạt được của công ty hoặc hoạt động tự nguyện thay vì như một công cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty; cung cấp nền tảng cho các nhà nghiên cứu quốc tế hóa, các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực hành để đối mặt với những trở ngại và vượt qua các rào cản, nâng cao khả năng kỹ thuật số và sáng tạo, tham gia vào các nền tảng kỹ thuật số và hưởng lợi từ các hoạt động tiếp thị quốc tế, bán lẻ quốc tế và CSR.

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng người tham dự tọa đàm.

Trong khuôn khổ tọa đàm, người tham dự đã thảo luận sôi nổi về tính mới và ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu này tại Việt Nam; cách thức tính toán quy mô mẫu, lựa chọn doanh nghiệp và đối tượng tham gia giả khảo sát; những thách thức trong triển khai nghiên cứu thử nghiệm và sau đó là nghiên cứu chính thức của chủ đề này; phương pháp xử lý dữ liệu và độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu; các hàm ý thực tiễn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chủ đề nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, góp phần gợi mở nhiều giải pháp liên quan đến đổi mới doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Trường Quốc tế sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên giữa các khoa cũng như các nhà khoa học có quan tâm.

Nghiêm Xuân Hòa
Ảnh: Bùi Vũ Lương
Khoa Kinh tế và Quản lý

Hai tọa đàm khoa học bổ ích trong tháng 5 của giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý

Ngày 17/05/2023, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với hai chủ đề rất thú vị là “Paperless business inside Australian Banks”(Hoạt động kinh doanh phi giấy tờ trong các ngân hàng Australia) và “Sự ảnh hưởng của tình yêu và hôn nhân đến con đường sự nghiệp qua góc nhìn của Tử vi”. Diễn giả của chương trình là ThS Chu Huy Anh và ThS Phan Bảo Trung – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý. Tọa đàm thu hút sự quan tâm của cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế.

Với chủ đề, ThS. Phan Bảo Trung có 6 năm kinh nghiệm làm việc tại Australia, đã cho khán giả một cái nhìn tổng quát về môi trường ngân hàng của nước này, cụ thể hơn là các nghiệp vụ ngân hàng đang được phát triển mạnh mẽ nhờ công cụ trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng công nghệ vào các nghiệp vụ ngân hàng đang dần trở nên phổ biến và ghi nhận sự phát triển ấn tượng trong nghiệp vụ của các ngân hàng lớn tại Australia. Các chỉ số về vốn thị trường, lợi nhuận, khả năng thu hồi nợ và tỷ lệ chi trả cổ tức được đưa ra cho thấy tiềm lực tài chính và sự phát triển của các ngân hàng lớn này. Từ đó có thể thấy sự phát triển về trí tuệ nhân tạo không chỉ là tiên phong, mà còn tạo ra chiến lược phát triển công nghệ vượt bậc, đi cùng minh chứng về các chỉ số không hề biến đổi khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong những năm vừa qua.

 

Diễn giả Phan Bảo Trung trình bày về hoạt động kinh doanh phi giấy tờ trong các ngân hàng Australia.

Các ngân hàng tại Australia với chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo không ngừng đã không chỉ đơn giản hóa các nghiệp vụ mà còn liên tục tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, thu hút cho nhiều đối tượng khách hàng. Ưu điểm của dịch vụ trực tuyến bao gồm: trả lãi, báo cáo tự động các khoản tiền gửi, dịch vụ nhận dạng khách hàng cá nhân, định vị online, các sản phẩm cho vay và thế chấp đa dạng (lãi suất linh hoạt, quản lý và kiểm soát dòng tiền linh hoạt, định giá tự động. Phê duyệt trực tuyến, trình duyệt, chữ ký số, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số đều được thực hiện bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Bài nghiên cứu của ThS. Bảo Trung có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, gợi ý các bài học cho sự phát triển của các ngân hàng tại Việt Nam.

Chủ đề thứ hai của tọa đàm là một khái niệm khá mới mẻ và hấp dẫn với người tham dự về ảnh hưởng từ tình yêu, hôn nhân lên sự nghiệp, vận mệnh của đời người qua góc nhìn của tử vi. ThS. Chu Huy Anh là giảng viên có hơn 7 năm nghiên cứu và kinh nghiệm trong lĩnh vực Tử vi.

Cho đến nay, Tử Vi vẫn là một bộ môn thu hút nhiều người nghiên cứu và phát triển. Khác với chuyện bói toán, Tử vi đáng tin và có cơ sở khoa học. Diễn giả Chu Huy Anh đã chia sẻ một cái nhìn tổng quan về chiêm tinh học cả phương đông và phương tây nói lên tính cách và tài vận của đời người. Qua tra cứu lá số tử vi, diễn giả luận giải về cung ảnh hưởng tới các khía cạnh đời sống, trong đó tình yêu, phu thê ảnh hưởng từ nhiều cung và đối chiếu từ cung quan lộc (sự nghiệp).

Phần trình bày của ThS Chu Huy Anh thu hút được sự quan tâm của người tham dự.

Tương ứng với đời sống tình cảm hôn nhân và sự nghiệp, Tử vi hướng dẫn chúng ta luận giải về hai cung Phu thê và cung Quan lộc. Sơ lược về cung Phu thê, xung chiếu với cung Quan lộc, tam hợp với cung Thiên di và cung Phúc đức. Bên cạnh đó, sơ lược về cung Quan lộc, có thể dựa vào các cách cục, kết hợp với các sao phụ tinh để định hướng nghề nghiệp. Nếu cung Quan lộc thể hiện xu hướng nghề nghiệp của đương số thì cung Phu thê chính là sự ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của đương số đó. Sự liên hệ giữa tình cảm trong cuộc sống của con người sẽ có tác động lớn, thay đổi sự nghiệp của họ dưới lí luận tử vi. Người tham dực chương trình đánh giá và kết luận chủ đề nghiên cứu này là đề tài rất thú vị, thu hút và cho khán giả một góc nhìn mới mẻ, thấu hiểu hơn mối quan hệ giữa tình yêu và sự nghiệp từ góc nhìn chiêm tinh học.

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế cũng như các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN. Các chủ đề tọa đàm cũng sẽ là các định hướng nghiên cứu được gợi mở cho các em sinh viên, từ đó góp phần nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học trong cộng đồng sinh viên Trường Quốc tế.

Dương Mỹ Hạnh
Khoa Kinh tế và Quản lý