GIỚI THIỆU CHUNG


Khoa Các Khoa học ứng dụng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN được thành lập dựa trên Quyết định số 3868/QĐ-ĐHQGHN ngày 1 tháng 12 năm 2021 về việc thành lập Trường Quốc tế và Quyết định số 168/QĐ-ĐHQGHN về việc triển khai các hoạt động của Trường Quốc tế kể từ ngày 26 tháng 1 năm 2022 của Giám đốc ĐHQGHN. Tiền thân của Khoa Các khoa học ứng dụng là Bộ môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ trước đây, được thành lập dựa trên Quy định về tổ chức và hoạt động của Khoa Quốc tế (tiền thân của Trường Quốc tế hiện nay) được ban hành tại Quyết định số 250/QĐ-TCCB ngày 26/4/2004 của Giám đốc ĐHQGHN.

Trong quá trình phát triển của mình, Khoa Các khoa học ứng dụng (trước đây là Bộ môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ) luôn hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ đào tạo, khoa học và công nghệ và các nhiệm vụ khác được giao, góp phần thực hiện sứ mệnh của Trường Quốc tế là “Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ định hướng theo các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học liên ngành và chuyển giao tri thức, góp phần cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học – công nghệ chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước”, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị cốt lõi “Chất lượng cao, Sáng tạo, Tiên phong, Trách nhiệm và Hội nhập quốc tế”.

Trong giai đoạn hiện nay, Khoa Các khoa học ứng dụng là đơn vị chủ trì thực hiện 04 chương trình đào tạo trình độ đại học: Cử nhân Hệ thống thông tin quản lí, Cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh (đều do ĐHQGHN cấp bằng), Cử nhân Tin học và Kĩ thuật máy tính, Kĩ sư Tự động hóa và Tin học (là các chương trình đào tạo liên kết với Đại học Năng lượng Moskva, do ĐHQGHN cấp bằng). Đây cũng là các chương trình đào tạo do Khoa tham gia xây dựng và chủ động hoàn thiện, cập nhật định kì nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực trình độ cao, nhu cầu của các bên liên quan, các tổ chức và đơn vị sử dụng lao động. Khoa cũng tham gia xây dựng thành công 02 chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ Tin học và Kĩ thuật máy tính (đều do ĐHQGHN cấp bằng), đây là các chương trình đào tạo đã được ĐHQGHN phê duyệt và sớm triển khai trong năm học 2022-2023.

Các giảng viên của Khoa còn tham gia giảng dạy trong tất cả các chương trình đào tạo khác của Khoa, bậc đại học cũng như bậc sau đại học, phụ trách nhiều học phần liên quan tới Tin học, Toán, Toán ứng dụng, Hệ thống thông tin, Phân tích dữ liệu, Tính toán tài chính, Thống kê và ra quyết định, Các phương pháp định lượng cho quản trị và kinh doanh, cũng như các học phần về khoa học tự nhiên như Sinh học đại cương cho các chuyên ngành khác. Khoa cũng là đầu mối phụ trách các phòng thực hành máy tính và các phòng thí nghiệm tin học và hệ thống thông tin, phòng thí nghiệm tích hợp thông minh, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, phòng thực hành với các công nghệ của Siemens tại Trường Quốc tế.

Bên cạnh hoạt động giảng dạy và đào tạo, các giảng viên của Khoa Các khoa học ứng dụng, kể cả giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, đồng thời thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ đa dạng và có chất lượng, có nhiều công trình khoa học, sách chuyên khảo và sách giáo trình, các dự án và đề tài cấp cơ sở, cấp đại học quốc gia, cấp bộ và cấp nhà nước. Nói riêng, trong năm 2021, các giảng viên cơ hữu của Khoa đã hoàn thành hoặc đang tham gia 15 đề tài và dự án các cấp (trong đó Chủ nhiệm 02 cấp nhà nước thuộc Quỹ Nafosted, 02 cấp ĐHQGHN, 01 đề tài cấp Sở, 01 đề tài hợp tác quốc tế), đã tham gia viết 03 chương sách chuyên khảo được xuất bản quốc tế), đã công bố quốc tế hơn 40 bài báo khoa học trên các tạp chí có chỉ số ISI/Scopus hoặc trong các kỉ yếu của các hội nghị khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có nhiều bài báo thuộc top 5% trên thế giới. Các công trình khoa học của Khoa tập trung ở các lĩnh vực: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; tối ưu hóa và tính toán khoa học; quang lượng tử; công nghệ IoT và dữ liệu lớn, hệ thống thông tin và phân tích dữ liệu kinh doanh – kinh tế, y sinh và sức khỏe cộng đồng.

Từ ngày đầu thành lập, Bộ môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ trước đây và Khoa Các khoa học ứng dụng hiện nay, luôn chú trọng kiện toàn đội ngũ giảng viên cũng như cán bộ quản lí. Nhiều giảng viên được phân công phụ trách và làm Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ qua các thời kì. Thời kì đầu, Ban Chủ nhiệm Khoa Quốc tế (tiền thân của Trường Quốc tế) trực tiếp phụ trách Bộ môn. Đến 4/2009, PGS. Nguyễn Hải Thanh là Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế lúc đó được giao kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn đầu tiên. PGS. Nguyễn Thanh Tùng được giao làm Chủ nhiệm Bộ môn vào năm 2015, sau đó TS. Phạm Thị Huệ làm Chủ nhiệm Bộ môn từ năm 2017. Trong giai đoạn tiếp theo, TS. Nguyễn Quang Thuận là Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế được giao phụ trách trực tiếp Bộ môn từ năm 2018 và TS. Trần Đức Quỳnh làm Chủ nhiệm Bộ môn từ năm 2019 tới tháng 1/2022. Từ tháng 2/2022, TS. Chu Đình Tới được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Các khoa học ứng dụng ngay sau khi Khoa được thành lập.

Với quan điểm con người là then chốt cho sự phát triển, Khoa luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên tinh gọn, chất lượng cao. Từ những thời kì đầu, Bộ môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ (tiền thân của Khoa) chỉ có một vài giảng viên cơ hữu, đến giai đoạn hiện nay Khoa đã có đội ngũ giảng viên cơ hữu chất lượng bao gồm 03 PGS, 11 TS, 02 ThS, hầu hết tốt nghiệp từ các trường đại học tiên tiến nước ngoài với thứ hạng cao. Bên cạnh đội đó, Khoa có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và cán bộ cộng tác nghiên cứu đến từ các trường đại học lớn tại Hà Nội như Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam … và từ các trường đại học nước ngoài như Deakin University (Úc), Chatham University (Mỹ) …

Trưởng khoa: TS. Chu Đình Tới
Các Phó trưởng khoa: TS. Trần Thị Oanh và TS. Lê Đức Thịnh
Giáo vụ khoa: ThS. Nguyễn Quỳnh Hương và ThS. Trương Ngọc Anh

Liên hệ
Địa chỉ: Phòng 408, Trường Quốc tế, Nhà C, Làng sinh viên HACINCO, 79 Nguỵ Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024. 3557 5992 (máy lẻ 37)
Website: https://www.is.vnu.edu.vn/vi/p/khtn

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
– Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo theo kế hoạch chung của Trường Quốc tế, bao gồm: tham gia xây dựng các đề án và phát triển, hoàn thiện các chương trình đào tạo của ngành, chuyên ngành; tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các học phần liên quan; tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng và thực hiện các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên.
– Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của Trường.
– Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và thực hiện tham gia hoạt động tự đánh giá – kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo nhằm bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết đã được công bố, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
i) Tham gia xây dựng các đề án, tổ chức phát triển chương trình đào tạo, biên soạn đề cương học phần, tài liệu, giáo trình.
ii) Chịu trách nhiệm chuyên môn, nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy, phương pháp giảng dạy đối với các chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy chung của Khoa.
iii) Tổ chức nghiên cứu, cải tiến phương pháp dạy và học, xây dựng và thực hiện các phương pháp kiểm tra – đánh giá kết quả học tập – rèn luyện của sinh viên.
iv) Hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và tham gia hoạt động tự đánh giá – kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo nhằm bảo đảm chuẩn đầu ra của người học.
v) Kết nối với doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho sinh viên được tham quan thực tế, thực tập, làm dự án nghiên cứu và tư vấn tuyển dụng.
vi) Làm việc với doanh nghiệp và đối tác để thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của thị trường lao động.
vii) Tạo điều kiện cho sinh viên được học, sử dụng công nghệ, thực hành về phần cứng, phần mềm và hệ thống thông tin đang có trên thị trường, thực hành về sinh học và công nghệ sinh học.
viii) Tăng cường trao đổi học thuật với giảng viên và đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng giảng dạy và tiêu chuẩn hóa các chương trình liên kết.

CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
i) Thực hiện các dự án và đề tài khoa học và công nghệ theo kế hoạch.
ii) Phối hợp tổ chức và tham gia các hội nghị khoa học quốc tế và trong nước.
iii) Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực: Xử lí ngôn ngữ tự nhiên; Các kĩ thuật tính toán và thuật toán trong mạng IoT và hệ cơ sở dữ liệu trên nền điện toán đám mây; Quang lượng tử; Học máy, tính toán thông minh và ứng dụng; Khoa học y sinh và sức khỏe.
iv) Tổ chức các seminar khoa học cấp bộ môn và cấp khoa.
v) Công bố các bài báo và báo cáo khoa học trên các tạp chí, các kỉ yếu hội nghị khoa học quốc tế và trong nước.
vi) Hợp tác với các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các đề tài, dự án, dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ.
vii) Viết giáo trình, bài giảng phục vụ đào tạo, sách / chương sách chuyên khảo trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, y sinh và sức khỏe cộng đồng và các khoa học ứng dụng khác.
viii) Hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.