Giao việc và ủy thác – Nghệ thuật dùng người của nhà quản lý


            Nằm trong hệ thống các chương trình đào tạo phát triển năng lực dành cho cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 20-21/12/2024, chương trình đào tạo “Kỹ năng giao việc và ủy thác” đã được tổ chức với sự tham gia của các cán bộ, giảng viên nhà trường.

            Không chỉ là chương trình đào tạo dành riêng cho các nhà quản lý hiện tại và tương lai, mà kỹ năng giao việc và ủy thác còn là kỹ năng cần thiết cho mọi đối tượng, giúp phát triển kỹ năng xác định mục tiêu, đánh giá năng lực cá nhân, phát triển kỹ năng giám sát và đánh giá tiến độ công việc, góp phần nâng cao kỹ năng tương tác, hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả.

            Diễn giả nổi tiếng người Mỹ Ken Blanchard từng nói: “Làm một người quản lý thì thước đo quan trọng không phải là điều gì sẽ xảy đến khi chúng ta có mặt, mà điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta vắng mặt”.

            Donna M. Genett – tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới về nghệ thuật quản lý và ủy thác “Người giỏi không phải là người làm tất cả” – khẳng định: Một trong những yếu tố quan trọng nhất để trở thành một nhà quản lý, lãnh đạo thành công không phải là làm việc nhiều hơn, mà là làm việc thông minh hơn, bằng cách phân quyền và ủy thác công việc cho những người có khả năng thực hiện.

Hiệu trưởng Lê Trung Thành kỳ vọng các chương trình đào tạo không chỉ tạo ra bước tiến về mặt tư duy, nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, giảng viên, mà còn là lời khẳng định về thương hiệu, tầm nhìn chiến lược của Nhà trường

            Nhận định của hai diễn giả trên đã chứng minh tầm quan trọng của công tác giao việc và ủy thác trong quản lý, lãnh đạo tổ chức. Đối với các nhà quản lý, kỹ năng giao việc, ủy thác giúp họ hiểu rõ quy trình giao việc đúng người, đúng nhiệm vụ, rõ ràng về mục tiêu; biết cách đánh giá kỹ năng, chuyên môn của nhân viên để trao quyền một cách hợp lý, từ đó tạo sự tự chủ và khích lệ đội ngũ; cải thiện khả năng quản lý và giám sát, trang bị các kỹ năng theo dõi tiến độ, đánh giá kết quả công việc, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng cho đội ngũ… Đối với nhân viên, việc hiểu rõ và được tham gia vào quy trình giao việc, ủy thác sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của cá nhân đối với tổ chức, đồng thời được khích lệ và tạo điều kiện phát huy năng lực, tính sáng tạo và tự chủ trong tiến trình giải quyết công việc. Từ đó, họ có cơ hội nâng cao kỹ năng và chuyên môn, thu thập thêm kinh nghiệm công tác, tăng hiểu biết về tổ chức và công việc của tổ chức, đồng thời cảm nhận được giá trị của chính bản thân mình và được tiếp thêm động lực làm việc.

            Như vậy, có thể thấy việc giao nhiệm vụ đúng cách giúp nhà quản lý tận dụng nguồn lực hiệu quả, phát triển đội ngũ và nâng cao năng suất, đảm bảo nhân viên phát huy tối đa năng lực và hoàn thành công việc hiệu quả, đồng thời tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong đội ngũ, nâng cao sự hợp tác và tinh thần đồng đội. Cũng nhờ đó, không chỉ người quản lý được giảm khối lượng công việc, nhân viên được trao cơ hội khẳng định và phát triển bản thân, nâng cao giá trị cá nhân mà tổ chức cũng được tối ưu hóa hiệu suất.

Đại diện từng nhóm trình bày trước lớp

            Là chuyên gia đào tạo các khóa kỹ năng phát triển năng lực, quản trị nhân sự, phát triển đội nhóm với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý tại các tổ chức khác nhau, giảng viên của chương trình – ThS. Ngô Hoàng Minh không đi sâu vào lý thuyết của khoa học quản lý, mà chú trọng việc gắn kết các nội dung đào tạo với thực tiễn công tác của tổ chức. Với mỗi nội dung đào tạo, sau khi giảng viên nêu vấn đề, các cán bộ, giảng viên làm việc theo nhóm để phân tích, cùng thảo luận để giải quyết vấn đề và đề xuất giải pháp tối ưu. Việc học các kỹ năng thông qua quá trình trao đổi, thống nhất ý kiến trong nhóm và thuyết trình, bảo vệ quan điểm của nhóm, đồng thời phản biện ý kiến của các nhóm khác làm cho lớp học luôn sôi động, tràn đầy cảm hứng. Bên cạnh đó, các phương pháp quản lý “First Thing First” (phương pháp xác định mức độ ưu tiên, tính cấp bách, tầm quan trọng của các công việc có ảnh hưởng lớn nhất đến mục tiêu và kế hoạch tổng thể nhằm ưu tiên lựa chọn phương án kinh tế, có hiệu suất cao nhất để triển khai) hay công cụ SAO.D (công cụ giúp nhà quản lý đánh giá các yếu tố quan trọng của mỗi nhân viên nhằm đảm bảo công việc được giao cho người có kỹ năng, thái độ và tình trạng phù hợp nhất, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển của nhân viên) cũng là các kiến thức bổ ích, giúp các cán bộ, giảng viên nắm vững phương pháp xác định nhân sự phù hợp cho từng loại hình công việc cụ thể, từ đó có thể chỉ đạo, chỉ dẫn, hỗ trợ, trao quyền cho họ thực hiện các nội dung công tác.

Các cán bộ, giảng viên hào hứng tham gia khóa học

            Xuyên suốt các vấn đề được thảo luận trong các buổi học, các cán bộ, giảng viên tham gia chương trình đào tạo có nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về vai trò của nhà quản lý trong tổ chức. Theo đó, nhà quản lý giỏi không cần phải tự tay làm tất cả mọi việc. Kỹ năng thực sự của người quản lý giỏi nằm ở việc biết cách giao phó công việc cho đúng người, đúng thời điểm và đúng mục tiêu. Bên cạnh các kiến thức về quy định viết email trong tổ chức, kỹ năng đánh giá nhân sự thông qua các bài trắc nghiệm tư duy, tính cách, nhiệm vụ lập kế hoạch tổ chức chương trình du lịch cho tổ chức để phân công nhiệm vụ rõ ràng theo năng lực, tính cách các nhóm nhân viên nhằm đạt hiệu suất công việc tối đa cũng là một trong các chủ đề thảo luận thú vị, thu hút nhiều ý kiến trao đổi giữa các nhóm trong lớp học.

Các nhóm sôi nổi thảo luận về chủ đề đưa ra

            Với định hướng trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, nâng cao năng lực làm việc, hợp tác của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đáp ứng các mục tiêu, chiến lược phát triển dài hạn của nhà trường, việc lựa chọn và phát triển các chương trình đào tạo chuyên biệt, có tính thực tiễn cao, phù hợp với đặc điểm và văn hóa của Trường Quốc tế để triển khai đào tạo cho cán bộ, giảng viên là điều luôn được Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt lưu tâm. Trong lời phát biểu đề dẫn chương trình đào tạo, GS.TS.NGƯT Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Quốc tế nhấn mạnh, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường kỳ vọng các chương trình đào tạo không chỉ tạo ra bước tiến về mặt tư duy, nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, giảng viên, mà còn là lời khẳng định về thương hiệu, tầm nhìn chiến lược của nhà trường trong công tác phát triển tổ chức.

            Bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao tính hiệu quả của chương trình đào tạo “Kỹ năng giao việc và ủy thác” đối với bản thân, các cán bộ, giảng viên tham gia chương trình nhận định các nội dung đào tạo không chỉ giúp họ được tiếp thu thêm nhiều kiến thức, kỹ năng thiết yếu trong công việc, mà còn có thể áp dụng sáng tạo các kỹ năng được học trong các lĩnh vực khác của đời sống, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các chương trình đào tạo tiếp theo của nhà trường.