Giao lưu sinh viên với Trường Đại học Nam Úc: Những bài học bổ ích về thương hiệu


Trong tháng 11 vừa qua, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Viện Khoa học Marketing Ehrenberg-Bass, Trường Đại học Nam Úc (UniSA), Australia, tổ chức chương trình giao lưu sinh viên về các nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Kinh doanh và Marketing. Tham dự chương trình là 20 bạn sinh viên Australia và 20 sinh viên Việt Nam. Đây là chương trình giao lưu đầu tiên tổ chức giữa Trường Quốc tế và Viện Khoa học Marketing Ehrenberg-Bass, UniSA.

Các bạn sinh viên Trường Quốc tế và Viện Khoa học Marketing Ehrenberg-Bass, UniSA, tham gia chương trình giao lưu.

Chương trình diễn ra trong không khí sôi nổi, ấm áp, thân thiện. Các bạn sinh viên Trường Quốc tế thể hiện tốt vai trò chủ nhà, tiếp đón tận tình, chu đáo ngay từ lúc các bạn sinh viên Australia bước chân vào cổng Trường Quốc tế.

Trong chương trình giao lưu, các bạn sinh viên Australia được nghe phần giới thiệu về ĐHQGHN – đại học số 1 Việt Nam và về Trường Quốc tế – đơn vị có nhiều điểm đặc sắc riêng biệt trong ĐHQGHN.

Cũng tại chương trình giao lưu, người tham dự được nghe phần trình bày của TS. Bùi Mỹ Trinh – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, về các xu hướng kinh tế tại Việt Nam, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam, như lụa tơ tằm, lụa sợi sen. Phát triển thương hiệu làng nghề là phương thức hữu hiệu để xóa đói, giảm nghèo, góp phần quảng bá hình ảnh thương hiệu địa phương, quốc gia. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ và liên tục của khoa học – công nghệ, việc tăng cường các hoạt động quảng bá thương hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết sản phẩm của các làng nghề truyền thống đang gặp nhiều khó khăn để khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường, không ít sản phẩm mặc dù đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhưng còn rất nhỏ lẻ, hầu hết phải qua khâu trung gian. Rất ít làng nghề có sản phẩm mang tầm quốc gia và quốc tế, thậm chí, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước không biết tới, không có ấn tượng về các làng nghề do các địa phương chưa chú trọng cũng như chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển truyền thông thương hiệu sản phẩm của làng nghề. Theo TS. Bùi Mỹ Trinh, cần phải xây dựng một chiến lược marketing phù hợp cùng các thông điệp ngắn gọn hiệu quả do những KOL phát ngôn. Các làng nghề cũng đặc biệt sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

TS. Justin Cohen giới thiệu khá nhiều cuốn sách hữu ích liên quan đến thương hiệu và marketing.

Tiếp đến là phần trình bày của TS. Justin Cohen. Trong bài trình bày của mình, TS. Justin Cohen giới thiệu khá nhiều cuốn sách hữu ích liên quan đến thương hiệu và marketing, cách thức để phát triển thương hiệu. Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp là tăng trưởng, cả về doanh số, khách hàng tiềm năng và thị phần. Trong khi đối với một số doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu, họ chỉ cần chiếm thêm thị phần, mở rộng sản phẩm hay tệp khách hàng tiềm năng ở một thị trường nhất định, với một số doanh nghiệp thì nó lại có nghĩa là họ cần tiến vào một số thị trường mới ngoài thị trường hiện có. Đây chính là lúc khái niệm Market Penetration ra đời. Market Penetration trong tiếng Việt có nghĩa là Thâm nhập thị trường. Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, Market Penetration được định nghĩa là phần trăm hay số lượng các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho khách hàng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Sinh viên Viện Khoa học Marketing Ehrenberg-Bass giao lưu cùng các bạn sinh viên Trường Quốc tế.

Market Penetration là chỉ số giúp doanh nghiệp xác định quy mô của thị trường (Market Size) tiềm năng để từ đó định hướng phát triển chiến lược tăng thị phần của một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào đó.

Sau phần trình bày của 2 diễn giả, sinh viên hai đơn vị đặt câu hỏi giao lưu, làm rõ về chủ đề. Đồng thời, các bạn cũng cùng nhau trao đổi, trò chuyện với nhau về những vấn đề quan tâm.

Chương trình giao lưu sinh viên với Trường Đại học Nam Úc kết thúc thành công tốt đẹp, để lại nhiều kỷ niệm trong sinh viên hai đơn vị. Trong thời gian tới, Trường Quốc tế và Trường Đại học Nam Úc sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình giao lưu ý nghĩa cho sinh viên hai đơn vị để các bạn có thể học hỏi và kết nối với nhau.

Với mục tiêu chiến lược trở thành một đầu mối (Hub) giáo dục quốc tế uy tín tại ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung, Trường Quốc tế đa triển khai nhiều hoạt động hợp tác, kết nối với các trường đại học trên thế giới. Các chương trình giao lưu sinh viên cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của mảng hợp tác phát triển. Những chương trình này thực sự góp phần nâng cao chỉ số hội nhập quốc tế, tăng cường mối quan hệ hợp tác không chỉ trong hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên mà còn ở các lĩnh vực khác mà Trường và trường đối tác cùng quan tâm.