Giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế về Công nghệ bền vững và nổi bật cho sản xuất thông minh (SETSM 2025)


Trong tháng 4 vừa qua, giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế đã tham dự và báo cáo tại Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Công nghệ bền vững và nổi bật cho sản xuất thông minh (SETSM 2025).

SETSM 2025 do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức. Hội thảo năm nay đánh dấu một bước tiến nổi bật khi nhận được gần 250 bài báo khoa học gửi về từ hơn 10 quốc gia trên thế giới. Diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, hội thảo đã quy tụ được hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tạo ra diễn đàn học thuật cởi mở, là nơi khơi dậy những ý tưởng đột phá, thúc đẩy phát triển công nghệ bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ toàn cầu. Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia báo cáo toàn văn tại Hội thảo với 03 bài nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

Tại hội thảo, TS. Phạm Ngọc Thành – Trưởng nhóm nghiên cứu Điều khiển học, Tính toán tiên phong và Năng lượng xanh, trình bày bài nghiên cứu “Research Fuzzy Logic Controller combined with Decoupler to upgrade the quality of the DCS in Thermal mixing tank”. Bài nghiên cứu đã đưa ra giải pháp điều khiển sử dụng bộ điều khiển mờ kết hợp giải thuật tách kênh nhằm nâng cao độ chính xác và ổn định của hệ thống bồn trộn nhiệt trong dây chuyền sản xuất bia. Kết quả cho thấy phương pháp này giúp loại bỏ sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa nhiệt độ và mực nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.

PGS.TS. Nguyễn Như Tùng – Trưởng nhóm nghiên cứu Mô hình hoá, Mô phỏng và Đo lường trong Hệ thống Công nghiệp, trình bày nghiên cứu về lĩnh vực mô hình hóa động lực học trong quá trình gia công.

Trong phiên hội thảo về Thiết kế và sản xuất bền vững, PGS.TS. Nguyễn Như Tùng – Trưởng nhóm nghiên cứu Mô hình hoá, Mô phỏng và Đo lường trong Hệ thống Công nghiệp, trình bày nghiên cứu về lĩnh vực mô hình hóa động lực học trong quá trình gia công – “Evaluation of Milling Force Constants in Different Milling Type Processes”. Đây là một trong những nghiên cứu cơ sở cơ bản nhằm xây dựng mô hình dự đoán các đặc trưng trong quá trình gia công, sản xuất từ đó giải quyết bài toán nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời tiết kiệm năng lượng, giảm rung động, tiết kiệm vật liệu trong quá trình gia công, sản xuất. Nghiên cứu đã thu hút được sự quan tâm từ các giáo sư chủ trì phiên hội thảo và các nhà khoa học nghiên cứu về động lực học và thiết kế cho phát triển bền vững.

Các sinh viên năm thứ hai ngành Tự động hóa và Tin học, Tin học và Kỹ thuật máy tính trình bày tại hội thảo. 

Các sinh viên năm thứ hai ngành Tự động hóa và Tin học, Tin học và Kỹ thuật máy tính, thuộc Nhóm nghiên cứu Điều khiển thông minh và trí tuệ nhân tạo, mang đến hội thảo bài nghiên cứu “Wire Arc Additive Manufacturing: A Review on Technology, Challenges, and Applications”. Nghiên cứu tổng quan về công nghệ bồi đắp kim loại (in 3D kim loại) đã thu được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đang nghiên cứu, khai thác về công nghệ in 3D kim loại nhằm gia tăng chất lượng, hiệu quả và giảm phế phẩm trong quá trình sản xuất.

Giảng viên và sinh viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Việc tham dự các hội thảo và chia sẻ các công trình nghiên cứu khoa học góp phần lan tỏa phong trào và niềm đam mê nghiên cứu của giảng viên và sinh viên Trường Quốc tế. Đây cũng là cơ hội tốt để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các nhà khoa học hàng đầu trong nước và trên thế giới.

Lê Xuân Hải

Khoa Kỹ thuật và Công nghệ