Ngày 21/4/2025, các giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tham dự và trình bày bài nghiên cứu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực trong nền kinh tế số”. Đây là sự kiện khoa học quan trọng nhằm tạo diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia và nhà quản lý trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến nguồn lực và chiến lược phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hội thảo do Trường Đại học Nghệ An chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị đồng tổ chức Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Nha Trang và Viện Nghiên cứu Kinh doanh – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu và 220 bài viết từ hơn 100 đơn vị đào tạo và nghiên cứu trên cả nước. Trong số các báo cáo khoa học được lựa chọn trình bày trực tiếp có báo cáo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, TS. Lê Thị Mai và TS. Lê Hương Linh – giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý. Các bài báo cáo của Trường Quốc tế không chỉ góp phần làm phong phú nội dung học thuật của Hội thảo, mà còn thể hiện rõ định hướng nghiên cứu ứng dụng, đa ngành và hội nhập quốc tế của Khoa.
Các giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý tham dự hội Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực trong nền kinh tế số”.
Trong bài báo cáo “Vai trò của thương hiệu nhà tuyển dụng đối với hoạt động thu hút nhân tài trong nền kinh tế số: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Phương Mai phân tích sâu sắc tầm quan trọng của thương hiệu nhà tuyển dụng trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực kỹ thuật số.
Dựa trên kinh nghiệm từ các tập đoàn toàn cầu như Google và Netflix, nghiên cứu chỉ ra rằng thương hiệu nhà tuyển dụng không chỉ là yếu tố hỗ trợ tuyển dụng, mà là tài sản chiến lược góp phần định hình năng lực cạnh tranh dài hạn. Các doanh nghiệp thành công đã kết hợp hài hòa giữa truyền thông nội bộ và truyền thông thương hiệu để tạo dựng hình ảnh tổ chức lý tưởng trong mắt người lao động tiềm năng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố then chốt trong việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, bao gồm sự rõ ràng về giá trị doanh nghiệp, văn hóa tổ chức minh bạch, chính sách phát triển nghề nghiệp cụ thể và khả năng đổi mới sáng tạo. PGS.TS Mai nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số, việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng không còn là “lựa chọn”, mà là một “yêu cầu tất yếu” nếu doanh nghiệp muốn cạnh tranh và thu hút nhân tài chất lượng cao.
Với bài nghiên cứu “Thương mại phát trực tuyến tại Việt Nam: Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm ngẫu hứng của người trẻ”, TS. Lê Thị Mai cùng nhóm tác giả đã mang đến cái nhìn toàn diện về sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt là trong môi trường thương mại phát sóng trực tuyến (livestream commerce) – một xu thế đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
Sử dụng mô hình S-O-R (Stimulus – Organism – Response), nghiên cứu xác định được các yếu tố kích thích chính bao gồm: sức hấp dẫn của streamer, độ tin cậy của người bán, kỹ năng tổ chức phát sóng và giá cả cảm nhận. Trong đó, yếu tố trung gian “sự hưởng thụ cảm nhận” được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực tới hành vi mua sắm ngẫu hứng – hành vi thường không có kế hoạch và bị dẫn dắt bởi cảm xúc.
Khảo sát được thực hiện trên 291 người trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn, cho thấy người tiêu dùng trẻ bị ảnh hưởng mạnh bởi cảm xúc, đặc biệt trong môi trường mua sắm giàu tính tương tác như livestream. Nghiên cứu cũng phát hiện rằng trong khi độ tin cậy và ngoại hình của streamer có ảnh hưởng rõ rệt đến sự hưởng thụ cảm nhận, thì kỹ năng trình bày lại không có tác động đáng kể – điều này hàm ý rằng yếu tố cảm xúc đóng vai trò trung tâm trong hành vi tiêu dùng số. Bài nghiên cứu đề xuất các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng trải nghiệm tương tác cảm xúc tích cực để tối ưu hóa hiệu quả bán hàng trên nền tảng thương mại phát sóng trực tuyến.
Trong bài nghiên cứu “Tác động của tái định vị thương hiệu đến hành vi người tiêu dùng: Phân tích từ góc độ khách hàng của Vinamilk”, TS. Lê Hương Linh trình bày một nghiên cứu định lượng chuyên sâu sử dụng mô hình PLS-SEM nhằm đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tái định vị thương hiệu (logo, bao bì, màu sắc) đến nhận diện thương hiệu và hành vi tiêu dùng.
Kết quả phân tích từ 207 bảng khảo sát trực tuyến cho thấy, thiết kế lại logo có ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng nhận diện thương hiệu (β = 0.310), tiếp theo là thay đổi màu sắc (β = 0.275) và bao bì (β = 0.273). Đồng thời, nhận diện thương hiệu có tác động mạnh đến hành vi tiêu dùng (β = 0.565), cho thấy vai trò trung gian của nhận diện thị giác trong việc thúc đẩy quyết định mua hàng. Nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh rằng người tiêu dùng trẻ thể hiện độ nhạy cảm cao hơn với các thay đổi trực quan, từ đó khuyến nghị các thương hiệu cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố thiết kế khi tiến hành tái định vị nhằm tránh gây mất kết nối với nhóm khách hàng cốt lõi. Bài trình bày là một đóng góp có giá trị trong việc hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa tái định vị và hành vi tiêu dùng, từ đó gợi mở hướng đi cho các chiến lược tiếp thị thương hiệu trong thời đại số.
Sự tham gia và đóng góp học thuật của các giảng viên Trường Quốc tế tại hội thảo không chỉ khẳng định chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, mà còn là minh chứng cho định hướng phát triển nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, hội nhập và đổi mới sáng tạo củaNhà trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Trường tiếp tục mở rộng mạng lưới học thuật, hợp tác nghiên cứu và lan tỏa tri thức trong cộng đồng khoa học cả nước.
Lê Hương Linh
Khoa Kinh tế và Quản lý