Giảng viên Trường Quốc tế tham dự hội thảo quốc tế VietTESOL 2022


Trong tháng 9 vừa qua, nhóm nghiên cứu là các giảng viên của Khoa Ngôn ngữ Ứng dụng, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tham dự hội thảo quốc tế VietTESOL tại Trường Đại học Nha Trang.

Hội thảo doTrường Đại học Nha Trang, Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ Quốc gia và Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo năm nay có chủ đề “Digital ELT: Approaches and Innovations” (Dạy tiếng Anh thời đại kỹ thuật số: Phương pháp và Đổi mới) với sự tham dự của gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội thảo trình bày các báo cáo nghiên cứu và thảo luận xung quanh các chủ đề gồm: công nghệ trong giảng dạy và học tập ngôn ngữ; phương pháp giảng dạy và ngôn ngữ học ứng dụng; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Nhóm nghiên cứu là các giảng viên của Khoa Ngôn ngữ Ứng dụng – Trường Quốc tế – tham dự hội thảo quốc tế VietTESOL tại Trường Đại học Nha Trang.

 Nhóm báo cáo viên của Trường Quốc tế đã có cơ hội kết nối với các giảng viên, nhà nghiên cứu và những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh nhằm xây dựng cộng đồng giảng dạy tiếng Anh (TESOL) trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nhóm đã giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu, ý tưởng, phương pháp và các nguồn tài liệu liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập tiếng Anh. Tại hội thảo, các giảng viên Trường Quốc tế tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ giảng dạy tiếng Anh và nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Anh cho người học.

ThS Lê Hoài Thu trình bày báo cáo về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên nhà trường với các khóa học trực tuyến và khóa học kết hợp.

ThS Lê Hoài Thu trình bày báo cáo về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên nhà trường với các khóa học trực tuyến và khóa học kết hợp áp dụng trong thời kỳ bình thường mới của năm học 2021-2022 vừa qua, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học của các mô hình học trực tuyến và học kết hợp. Các yếu tố được xem xét ở khía cạnh tương tác giữa sinh viên và giảng viên, tương tác giữa các sinh viên với nhau, tương tác giữa sinh viên và nội dung, và tương tác giữa sinh viên và công nghệ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy mức độ hài lòng của sinh viên đối với khóa học ở mức cao, đồng thời cũng chỉ ra rằng thách thức lớn nhất đối với sinh viên là tính tự chủ của người học và động cơ học tập.

Nhóm tác giả – ThS. Dương Thị Thiên Hà, ThS. Đỗ Thị Hồng Liên và ThS. Lại Thanh Vân –  có báo cáo về việc đưa quyền công dân kỹ thuật số vào chương trình giảng dạy tiếng Anh sử dụng kỹ thuật Delphi.

Nhóm tác giả – ThS. Dương Thị Thiên Hà, ThS. Đỗ Thị Hồng Liên và ThS. Lại Thanh Vân – lại có báo cáo về việc đưa quyền công dân kỹ thuật số vào chương trình giảng dạy tiếng Anh sử dụng kỹ thuật Delphi. Sử dụng các công nghệ kỹ thuật số đã phát triển phổ biến trong những năm gần đây đã trở thành một yếu tố cần thiết trong thời kỳ đại dịch COVID-19; do đó, sinh viên đã bắt đầu sử dụng thường xuyên hơn cả ở lớp và ở nhà. Với tác động lan tỏa và tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, quyền công dân kỹ thuật số hiện là mục tiêu giáo dục quan trọng.

Báo cáo của tiến sĩ Phạm Thị Thủy mang đến một cách tiếp cận mới trong lĩnh vực ngôn ngữ học so sánh đối chiếu.

Báo cáo của TS. Phạm Thị Thủy mang đến một cách tiếp cận mới trong lĩnh vực ngôn ngữ học so sánh đối chiếu. Nghiên cứu đi sâu tìm hiểu tương đương dịch thuật của câu bị động tiếng Anh trong diễn ngôn văn học và diễn ngôn khoa học kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Kết quả nghiên cứu chỉ ra số điểm tương đồng và khác biệt, đồng thời chỉ ra năm chiến lược phổ biến để dịch câu bị động tiếng Anh sang tiếng Việt, không chỉ hữu ích cho dịch thuật Anh-Việt, mà còn cho việc dạy và học tiếng Anh.

Báo cáo của TS. Nguyễn Thị Tố Hoa đề cập đến việc sử dụng các phiếu bài tập tương tác online

trong các lớp tiếng Anh.

Báo cáo của TS. Nguyễn Thị Tố Hoa đề cập đến việc sử dụng các phiếu bài tập tương tác online trong các lớp tiếng Anh. Báo cáo chia sẻ cách sử dụng các phiếu bài tập online, phản hồi của người dùng về phương pháp này, từ đó đưa ra một số đề xuất khả thi trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Anh.

Chuyến công tác tại Trường Đại học Nha Trang đã thành công tốt đẹp. Nhóm nghiên cứu đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với ban tổ chức hội thảo, các nhà nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước và chủ nhà về một Trường Quốc tế thân thiện, chuyên nghiệp, giàu năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong giảng dạy ngoại ngữ.

Lê Hoài Thu

Giảng viên Khoa Ngôn ngữ Ứng dụng