Trong hai ngày 27/11 và 05/12/2024, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức tọa đàm khoa học trực tuyến với mục tiêu thúc đẩy đổi mới hoạt động giảng dạy, mở rộng cơ hội hợp tác học thuật quốc tế. Diễn giả của chương trình là PGS.TS. Hoàng Việt Ngữ – giảng viên Đại học Công nghệ Queensland (QUT), Australia.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở, khẳng định sự nỗ lực của Khoa Kinh tế và Quản lý trong việc thúc đẩy sáng tạo và hợp tác quốc tế. Đây là một phần trong chiến lược đổi mới hoạt động giảng dạy của Nhà trường, tập trung vào vai trò của các giảng viên trong việc cập nhật kiến thức mới, ứng dụng các phương pháp tiên tiến và kết nối với các học giả trên thế giới.
Trong buổi tọa đàm, hai chủ đề trọng tâm được giới thiệu gồm: nghiên cứu về tác động của chính sách bảo hiểm đối với lao động tàn tật tại Australia, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tổng quát (Gen AI) trong giảng dạy đại học.
Trong bài trình bày đầu tiên, PGS.TS. Hoàng Việt Ngữ chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của chính sách bảo hiểm và hỗ trợ người lao động bị hạn chế khả năng lao động tại Australia. Đây là một nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, cung cấp góc nhìn toàn diện về thị trường lao động Australia và những thách thức mà người lao động gặp phải.
PGS.TS. Hoàng Việt Ngữ chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của chính sách bảo hiểm và hỗ trợ người lao động bị hạn chế khả năng lao động tại Australia.
Nghiên cứu tập trung vào hai câu hỏi chính: (1) Liệu rằng hạn chế khả năng lao động có ảnh hưởng đến cơ hội tìm việc của người lao động? (2) Chính sách của Cơ quan Bảo hiểm Quốc gia Australia (NDIS) có cải thiện khả năng tham gia thị trường lao động của người lao động bị hạn chế hay không?
Bằng việc sử dụng phương pháp định lượng Synthetic Difference-In-Differences, nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ cuộc khảo sát HILDA (2001-2020). Kết quả chỉ ra rằng người lao động bị mất một phần khả năng lao động có nguy cơ thất nghiệp cao hơn 11% vào năm 2013 và 4,5% vào năm 2017, với sự khác biệt rõ ràng giữa các nhóm tuổi, trình độ học vấn và giới tính.
Một điểm nổi bật là tác động tích cực của chính sách NDIS, giúp tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nhóm này tăng thêm 4%, đặc biệt đạt hiệu quả cao nhất trong năm đầu thực hiện (7%). Kết quả nghiên cứu đã đặt ra nhiều câu hỏi và hướng đi mới trong việc thiết kế chính sách hỗ trợ lao động, không chỉ tại Úc mà còn ở các quốc gia khác.
Trong bài trình bày thứ hai, diễn giả tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo tổng quát (Gen AI) trong giảng dạy và học tập tại bậc đại học. Trí tuệ nhân tạo hiện nay không chỉ hỗ trợ trong công tác giảng dạy mà còn mang lại những thay đổi lớn trong cách tiếp cận và tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
Diễn giả đã phân tích thực trạng áp dụng AI tại các trường đại học Australia, nhấn mạnh các lợi ích như cá nhân hóa quá trình học tập, tăng cường hiệu quả giảng dạy và hỗ trợ người học tiếp cận kiến thức nhanh chóng. Tuy nhiên, PGS.TS. Hoàng Việt Ngữ cũng chỉ ra những thách thức như nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ, vấn đề đạo đức trong sử dụng AI, và yêu cầu nâng cao năng lực số cho cả giảng viên và sinh viên.
PGS.TS. Hoàng Việt Ngữ chia sẻ về Gen-AI.
Để phát huy hiệu quả của Gen AI, PGS.TS. Hoàng Việt Ngữ đã đưa ra một số đề xuất thực tế. Cập nhật thường xuyên về công nghệ, giảng viên cần tìm hiểu sâu về trí tuệ nhân tạo và các công cụ liên quan, đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và phù hợp trong giảng dạy. Xây dựng chính sách hỗ trợ rõ ràng và cụ thể về việc tích hợp AI trong giáo dục. Thiết kế lại chương trình học, các hoạt động giảng dạy và đánh giá cần được điều chỉnh để phù hợp với việc tích hợp công nghệ, ví dụ như áp dụng thang điểm rubrics 7 mức để đánh giá rõ ràng và minh bạch hơn. Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, việc tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ phương pháp ứng dụng AI giữa các đồng nghiệp sẽ giúp tìm ra giải pháp tối ưu.
Diễn giả cũng nhấn mạnh rằng việc trực tiếp trải nghiệm và thử nghiệm các công cụ AI sẽ giúp giảng viên nhận biết điểm mạnh, điểm yếu của công nghệ, từ đó cải thiện phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn.
Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng người tham dự.
Tọa đàm khoa học không chỉ mang lại giá trị học thuật sâu sắc mà còn tạo điều kiện để các giảng viên trong Khoa tiếp cận các xu hướng giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến. Những nội dung được chia sẻ là nguồn cảm hứng để giảng viên áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, đồng thời định hướng phát triển các nghiên cứu mới trong tương lai.
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế, sự kiện là một minh chứng cho cam kết của Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời khuyến khích các giảng viên tiếp tục sáng tạo và mở rộng hợp tác với các học giả trên toàn cầu.
ThS. Nguyễn Thị Hương Ly
Khoa Kinh tế và Quản lý