Ngành đào tạo: Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp và Logistics (mã ngành thí điểm: 7520139QTD) | Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt và tiếng Anh |
Thời gian đào tạo: 4 năm (cho sinh viên chỉ học chương trình cử nhân); 5 năm (cho sinh viên học chương trình thạc sĩ kết hợp) | Văn bằng do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp: Cử nhân ngành Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp và Logistics; Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics |
Chương trình cử nhân tích hợp thạc sĩ ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics-Industrial Systems Engineering and Logistics (ISEL) được Đại học Quốc gia phê duyệt và giao Trường Quốc tế tổ chức đào tạo theo quyết định số 5188/QĐ-ĐHQGHN ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Giám đốc ĐHQGHN.
Chương trình này được xây dựng dựa trên các chương trình tương tự của các trường đại học lớn trên thế giới như Đại học Michigan, Hoa Kỳ và Đại học Thamasat, Thái Lan. Nội hàm chương trình trang bị cho người học các kiến thức về sản xuất công nghiệp cũng như các phương pháp quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất công nghiệp. Một vấn đề rất quan trọng trong quá trình sản xuất và phân phối là logistics nên chương trình được thiết kế theo hai hướng lựa chọn chuyên sâu là (1) Kỹ thuật hệ thống công nghiêp và (2) Logistics. Sinh viên lựa chọn theo các hướng chuyên sâu này sẽ được trang bị các kiến thức sâu sắc hơn trong lĩnh vực hẹp và giúp cho người học có lợi thế sau khi tốt nghiệp. Ngoài kiến thức lý thuyết thì chương trình tăng cường khả năng thực hành và thực tế cho sinh viên khối lượng thực hành và thực tập lớn thể hiện chi tiết trong các môn học cũng như các học phần đồ án, thực tập thực tế tại doanh nghiệp và khoá luận tốt nghiệp. Bên cạnh các khối kiến thức cốt lõi, triết lý của chương trình đào tạo người học có khả năng toàn diện, tạo nền tảng phát triển sự nghiệp lâu dài nên chương trình được đưa vào các nội dung liên quan đến khởi nghiệp, quản trị và các vấn đề hiện đại như khai thác và xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Để tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh, các học phần từ năm thứ 3 sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Chương trình được thiết kế thành hai giai đoạn. Sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp đại học sau khi hoàn thành 145 tín chỉ và có thể đăng kí tích luỹ các học phần trong khối thạc sĩ và học tiếp chương trình thạc sĩ tích hợp chỉ với 1 năm học để được cấp bằng thạc sĩ.
.1. Về kiến thức
– PLO 1: Vận dụng được các kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, về pháp luật, an ninh-quốc phòng, giáo dục thể chất trong nghề nghiệp và cuộc sống.
– PLO 2: Áp dụng được kiến thức cơ bản về toán học, tin học và lập trình ứng dụng, vật lí, lí thuyết xác suất và thống kê toán, kinh tế, kinh doanh trong hoạt động chuyên môn.
– PLO 3: Áp dụng được các các kiến thức cơ bản về kĩ thuật hệ thống công nghiệp và logistics như hệ cơ sở dữ liệu, kĩ thuật điện, thiết kế và phát triển ứng dụng web, vận trù học vào việc giải quyết các bài toán cải tiến quản lí, điều hành các hoạt động sản xuất-kinh doanh.
– PLO 4: Vận dụng được các kiến thức nền tảng về kinh tế kĩ thuật, quản trị dự án và quản trị hoạt động, quản lí các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phân tích và mô phỏng hệ thống, giao tiếp người máy, quản lí chất lượng và chuỗi cung ứng.
– PLO 5: Áp dụng được các kiến thức chuyên sâu để giải quyết có hiệu quả các bài toán thực tế về ứng dụng CNTT và các công nghệ – kĩ thuật hiện đại, thiết kế và điều khiển hệ thống, điều hành sản xuất- kinh doanh trong lĩnh vực kĩ thuật hệ thống công nghiệp và logistics.
.2. Về kĩ năng
– PLO 6: Biết cách nhận diện, phân tích và giải quyết vấn đề một cách khoa học và có khả năng thiết kế, vận hành, cải tiến các hệ thống và quy trình, áp dụng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực kĩ thuật hệ thống công nghiệp và logistics.
– PLO 7: Có khả năng phản biện, phê phán và thực hiện các giải pháp thay thế, khả năng cải tiến, đổi mới trong hoạt động nghề nghiệp, khả năng quản trị thay đổi, cập nhật và dự đoán xu thế phát triển ngành nghề.
– PLO 8: Biết cách dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác, biết cách truyền đạt vấn đề và đưa ra giải pháp thực hiện, biết cách truyền tải kiến thức, kĩ năng tới mọi người, có khả năng lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện công việc.
– PLO 9: Phát triển được các kĩ năng cần thiết như kĩ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng viết báo cáo và văn bản, kĩ năng sử dụng công nghệ số để làm việc một cách có hiệu quả.
– PLO 10. Biết cách học và tự học một cách hiệu quả, có khả năng quản lí thời gian và tự đào tạo trong hoạt động chuyên môn, khả năng quan sát và học hỏi từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của những cá nhân khác để học tập suốt đời.
– PLO 11. Có năng lực tiếng Anh Bậc 4 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc tương đương theo duy định của ĐHQGHN, có khả năng sử dụng tiếng Anh để làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố quốc tế ở trong và ngoài nước
.3. Về năng lực tự chủ và trách nhiệm
– PLO 12: Có năng lực làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm, có tinh thần chủ động và sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
– PLO 13: Có năng lực tự chủ, tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau, có thể chịu được áp lực công việc cao, có năng lực hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ được giao.
– PLO 14: Có trách nhiệm với đơn vị công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, tận tâm, công bằng, minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế làm việc của đơn vị công tác.
– PLO 15: Có phẩm chất đạo đức cá nhân và nghề nghiệp như kiên trì, linh hoạt, tự tin, chăm chỉ, nhiệt tình, chính trực, có ý thức phản biện, mong muốn cải tiến và đổi mới, có trách nhiệm cộng đồng và xã hội, có lập trường chính trị vững vàng, có ý thức xây dựng và bảo vệ đất nước.
2. Nếu hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, người học có thêm các chuẩn đầu ra:
2.2. Về kiến thức
– PLO 16: Áp dụng được các kiến thức nâng cao để giải quyết có hiệu quả các bài toán thực tế phức tạp, có tính chất liên ngành về phân tích ra quyết định, mô hình và thuật toán tối ưu, lập kế hoạch sản xuất, hệ thống vận tải và hậu cần quốc tế, thiết kế thực nghiệm trong lĩnh vực kĩ thuật hệ thống công nghiệp và logistics.
2.2. Về kĩ năng
– PLO 17: Biết cách phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin để đưa ra quyết định, giải pháp một cách khoa học và hiệu quả, có khả năng truyền đạt tri thức dựa trên nghiên cứu, thảo luận các vấn đề chuyên môn sâu, có khả năng sử dụng và phát triển các công nghệ và các quy trình quản trị tiên tiến.
2.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
– PLO 18: Có năng lực nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến, kết luận mang tính chuyên gia, có năng lực hợp tác và trách nhiệm cao trong quản lí, đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn.
3. Vị trí việc làm mà sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp bậc cử nhân, sinh viên có đủ trình độ chuyên môn và năng lực để thực hiện các nội dung công việc:
– Các nội dung công việc có thể thực hiện:
– Phân tích các giải pháp tối ưu hóa trong sản xuất và dịch vụ.
– Thiết kế hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp.
– Phân tích và cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ.
– Thiết kế giải pháp tổng thể nhằm giảm chi phí sản xuất và vận hành.
– Quản lý logistics và chuỗi cung ứng.
– Quản lý các dự án công nghiệp.
– Quản lý và điều hành các hệ thống kho vận, vật tư, giao nhận.
– Quản lý logistics và chuỗi cung ứng.
– Quản lý và điều hành các hệ thống kho vận, vật tư, giao nhận.
– Phân tích các giải pháp tối ưu hóa trong logistics và chuỗi cung ứng.
– Thiết kế giải pháp tổng thể nhằm giảm chi phí vận hành hoạt động trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Sau khi tốt nghiệp bậc thạc sĩ, sinh viên có đủ trình độ chuyên môn và năng lực để đảm nhận các vị trí công tác sau:
– Chuyên viên quản lý thu, mua vật tư.
– Chuyên viên quản lý kho vận, giao nhận.
– Quản đốc phân xưởng.
– Chuyên viên quản lý dự án công nghiệp.
– Chuyên viên quản lý chất lượng.
– Chuyên viên điều hành, quản lý sản xuất.
– Chuyên viên quản lý tồn kho.
– Chuyên viên Điều độ, Kế hoạch.
– Chuyên viên thiết kế sản phẩm.
– Chuyên viên quản lý bảo trì.
– Chuyên viên quản lý Logistics.
– Chuyên viên nghiên cứu, tham gia hoạch định chính sách, phát triển dự án kỹ thuật hệ thống công nghiệp và logistics.
– Giảng viên giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực kỹ thuật hệ thống công nghiệp và logistics.
– Chuyên viên hoạch định, triển khai và quản lí các hoạt động các hệ thống công nghiệp và logistics.
4. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp và logistics có khả năng thích ứng và làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa; khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc cao hơn, cụ thể:
– Có khả năng tự cập nhật các kiến thức mới liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật hệ thống công nghiệp và logistics, đảm bảo khả năng xây dựng và vận hành các hệ thống công nghiệp và logistics.
– Có khả năng nghiên cứu, học tập độc lập để nâng cao trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ) trong các môi trường nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, học viện, đại học, trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước.
Tốt nghiệp chương trình đại học kết hợp thạc sĩ ngành Kĩ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics giúp người học có cơ hội lựa chọn công việc trong các lĩnh vực khác nhau như:
- Kỹ sư phân tích các giải pháp tối ưu hóa trong sản xuất và dịch vụ;
- Kỹ sư thiết kế hệ thống quản lý nguồn lực cho doanh nghiệp;
- Phân tích và cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, tối đa hóa lợi nhuận cho công ty, doanh nghiệp;
- Thiết kế giải pháp tổng thể nhằm tối thiểu hóa về chi phí sản xuất và vận hành đến mức thấp nhất;
- Quản lý logistics và chuỗi cung ứng;
- Quản lý các dự án công nghiệp của công ty, tập đoàn liên doanh;
- Quản lý và điều hành các hệ thống kho vận, vật tư, giao nhận hàng hóa; Chuyên viên kế hoạch, chuyên viên chất lượng, chuyên viên dự án, chuyên viên cung ứng vật tư;
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay tại các trung tâm dạy nghề trên khắp cả nước.
Phương pháp giảng dạy được sử dụng trong chương trình bao gồm thuyết trình, thảo luận và làm việc nhóm, thực thành, thực tế, dạy học thông qua dự án. Đây là các phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, tích cực nhằm nâng cao ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng của người học.
Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với các học phần, Trường Quốc tế còn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Đội ngũ giảng viên đảm bảo điều kiện duy trì ngành đào tạo
STT | Họ và tên, năm sinh, chức vụ hiện tại | Chức danh khoa học, năm phong; Học vị, nước, năm tốt nghiệp | Chuyên ngành được đào tạo | Năm, nơi tham gia giảng dạy | Đúng/ Không đúng với hồ sơ | Ghi chú |
1. | Nguyễn Hải Thanh*, 1956, Giảng viên cao cấp, Trường Quốc tế | PGS, TS 2003 | Toán Tin | 2008-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
2. | Lê Xuân Hải, 1982, giảng viên | Tiến sĩ, 2018, Việt Nam | Kĩ thuật điều khiển và tự động hóa | 2021, Trường Quốc tế | Đúng | |
3. | Phạm Ngọc Thành, 1986, giảng viên | Tiến sĩ | Kĩ thuật | 2022-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
4. | Lê Hoàng Sơn | PGS.TS | Công nghệ thông tin | Viện CNTT | Đúng | |
5. | Hà Mạnh Hùng | Tiến sĩ | Công nghệ thông tin | 2022-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
6. | Trần Công Thành, 1982, Giảng viên | Tiến sĩ, 2019, Anh | Quản trị kinh doanh | 2017 – nay: Trường Quốc tế | Đúng |
THÔNG TIN TUYỂN SINH
I. MÃ NGÀNH: QHQ12
II. CHỈ TIÊU: 70 sinh viên
III. ĐIỂM CHUẨN 2023: 22
IV. PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐHQGHN
- Xét tuyển theo kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN từ 80/150 điểm
- Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 72 trở lên kết hợp kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Xét tuyển các phương thức khác:
5.1. Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM đạt tối thiểu 750/1.200 điểm
5.2. Xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Vương quốc Anh (A-Level) với kết quả 3 môn thi đảm bảo mỗi môn đạt từ 60/100 điểm trở lên
5.3. Xét tuyển theo kết quả kì thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) với quả SAT đạt từ 1100/1600 trở lên
5.4. Xét tuyển thí sinh quốc tế
V. HÌNH THỨC ĐĂNG KÍ XÉT TUYỂN
– Đối với các phương thức: (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐHQGHN; (2) Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN; (3) Xét tuyển kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN; (4) Xét tuyển các chứng chỉ quốc tế, kết quả các kỳ thi chuẩn hoá chung, bao gồm: A-Level, SAT: thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT (theo mẫu quy định của Trường Quốc tế – ĐHQGHN tại ĐÂY) và lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến/online tại địa chỉ: https://ts.isvnu.vn trước 17h00, ngày 23/6/2024 theo thông báo chi tiết của Trường. Những trường hợp đặc biệt, thí sinh không thể nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến, thí sinh liên hệ hotline để được cán bộ phụ trách hướng dẫn trực tiếp.
– Đối với phương thức xét Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT (theo mẫu quy định của Trường Quốc tế – ĐHQGHN tại ĐÂY) và lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến/online tại địa chỉ: https://ts.isvnu.vn theo thông báo chi tiết của Trường và hướng dẫn tuyển sinh năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
– Đối với phương thức xét Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến/online theo kế hoạch và hướng dẫn tuyển sinh năm 2024 của Bộ GD&ĐT trên Hệ thống.
Địa chỉ hỗ trợ thí sinh ĐKXT:
Cơ sở 1: Văn phòng Tuyển sinh Trường Quốc tế – Nhà E5, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ sở 2: Bộ phận Tuyển sinh – Phòng Công tác sinh viên, Phòng 302, tầng 3, Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 1900 2609/ 0983 372 988/ 0379 884 488/ 0989 106 633/ 086 605 3336/ 086 675 3338.
Lưu ý: Trong trường hợp có thay đổi về lịch tuyển sinh vì các lí do bất khả kháng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN, Trường Quốc tế sẽ thông tin cập nhật trên website của Trường.
Lệ phí xét tuyển
– Lệ phí hồ sơ xét tuyển theo các phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm: 30.000 VNĐ/ hồ sơ;
– Lệ phí xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT: theo quy định của Bộ GD&ĐT.
VI. HỌC PHÍ (dự kiến): 198.250.000 VNĐ/4 năm học
– Học phí không bao gồm học phí học chương trình tiếng Anh dự bị (11.165.000 VNĐ/1 sinh viên/1 cấp độ), phí thi lại, học lại, học cải thiện điểm và các khoản phí khác nếu sinh viên không đảm bảo được tiến độ, điều kiện và chất lượng của chương trình đào tạo.
– Các khoản thu được thực hiện vào đầu mỗi học kì theo thông báo thu của Trường, mức thu mỗi học kỳ căn cứ theo số tín chỉ đăng ký học trong kỳ hoặc tính bình quân học phí và phí dịch vụ mỗi học kỳ theo kế hoạch đào tạo của Trường.
Xem thêm: