Ngành đào tạo: Phân tích dữ liệu kinh doanh (mã ngành: 7340125) | Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Anh |
Thời gian đào tạo: 4 năm | Văn bằng: Bằng cử nhân hệ chính quy do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp. |
Chương trình đào tạo ngành Cử nhân ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh được ban hành theo Quyết định số 941/QĐ-ĐHQGHN ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Giám đốc ĐHQGHN, là chương trình đào tạo chất lượng cao theo đặc thù đơn vị, bắt đầu tuyển sinh và đào tạo khoá đầu tiên từ năm học 2019-2020. Chương trình được điều chỉnh theo Quyết định số 5173/QĐ-ĐHQGHN ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Giám đốc ĐHQGHN
Chương trình cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh -Business Data Analytics (BDA) được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và được thiết kế dựa trên chương trình tương tự của Trường Đại học Pennsylvania và được công nhận tín chỉ bởi Trường Đại học Deakin (Úc). Đây là ngành học có tính liên ngành giữa toán ứng dụng, khoa học máy tính và kinh doanh. Sinh viên theo học ngành này được trang bị các phương pháp và công cụ nhằm khai thác thông tin, chuyển hóa những dữ liệu thu thập được trong quá trình kinh doanh thành thông tin có ích giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh các nội dung kiến thức phù hợp với xu thế trong thời đại chuyển đổi số như khoa học tính toán, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu trong lĩnh vực kinh doanh. Chương trình cử nhân phân tích dữ liệu kinh doanh còn chú trọng đào tạo kĩ năng thực hành và thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên cũng như tăng cường sử dụng tiếng Anh cho sinh viên.
Phương pháp giảng dạy, quy trình kiểm tra đánh giá của chương trình đào tạo ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh theo chuẩn giáo dục quốc tế, Tỉ lệ giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy chiếm 20-25% khối thức ngành và chuyên ngành. Trường Quốc tế đảm bảo 100% giáo trình, tài liệu tham khảo cho khối kiến thức ngành và chuyên ngành là các học liệu đang được sử dụng ở các trường đại học nước ngoài.
CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Chuẩn đầu ra về kiến thức
PLO1: Vận dụng được các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật trong học tập, nghiên cứu và tác nghiệp.
PLO2: Vận dụng được các kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lí thuyết sâu, rộng về Toán, Thống kê, Kinh tế, Công nghệ thông tin để xây dựng và sử dụng các mô hình, công cụ phân tích dữ liệu một cách thích hợp giúp tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
PLO3: Lựa chọn và thực thi giải pháp phân tích dữ liệu phù hợp để giải quyết các thách thức tiềm ẩn liên quan tới kinh doanh bao gồm các giai đoạn như lên kế hoạch cho dự án; chuẩn bị dữ liệu; đề xuất giải pháp mô hình phân tích; thực thi và đánh giá mô hình; đo đạc và trình diễn kết quả; đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp dựa vào kết quả của quá trình phân tích, v.v.
PLO4: Vận dụng được các kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể, giúp đào tạo người học khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc.
PLO5: Vận dụng được các kiến thức cơ bản về quản lí, điều hành hoạt động chuyên môn, cụ thể như: quản lý phát triển dự án khoa học dữ liệu; quản trị hoạt động; quản lí chuỗi cung ứng; khoa học quản lí; …
2. Về kĩ năng
PLO6: Giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua kết hợp các kĩ năng như kĩ năng nghề nghiệp; nhận diện vấn đề; khả năng lập luận tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề; khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức; khả năng tư duy theo hệ thống; …
PLO7: Thực hiện dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác. Giúp đào tạo người học có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân.
PLO8: Hình thành kĩ năng phản biện, phê phán, và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi để giải quyết vấn đề thực tiễn.
PLO9: Biết đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm. Giúp đào tạo người học có trách nhiệm nghề nghiệp.
PLO10: Thành thạo truyền đạt vấn đề và giải pháp tới người khác tại nơi làm việc; chuyển tải, phổ biến kiến thức, kĩ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp.
PLO11: Có năng lực sử dụng tiếng Anh với trình độ tương đương bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo quy định của ĐHQGHN.
3. Về mức tự chủ và chịu trách nhiệm
PLO12: Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm, trung thực trong phân tích và đưa ra kết quả phân tích.
PLO13: Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định.
PLO14: Xây dựng khả năng tự định hướng, tự chủ trong nghiên cứu, đưa ra kết luận chuyên môn, sử dụng thành thạo kiến thức và phương pháp nghiên cứu được trang bị trong chương trình học kết hợp với tài liệu tham khảo để tìm tòi và đưa ra giải pháp trong thực tiễn công việc và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân.
PLO15: Lập kế hoạch, điều phối, quản lí các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.
4. Vị trí việc làm mà sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận các vị trí làm việc sau: Chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên công nghệ phân tích dữ liệu, chuyên viên thiết kế và quản lý cấu trúc dữ liệu, chuyên viên lập trình phân tích dữ liệu, chuyên viên tư vấn phân tích kinh doanh, cán bộ quản lý phân tích dữ liệu, cán bộ quản lý kinh doanh, chuyên viên chiến lược kinh doanh, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường, cán bộ thống kê và xử lý dữ liệu, chuyên viên dự báo thị trường, … trong các lĩnh vực như:
Lĩnh vực Ngân hàng tài chính
Chuyên viên phân tích khách hàng, rủi ro tín dụng, rủi ro tài chính; phòng chống gian lận và quản lý hồ sơ năng lực công ty.
Lĩnh vực tiêu dùng
Chuyên viên phân tích thị trường, phân tích tiêu dùng bán lẻ, và nghiên cứu thị trường.
Lĩnh vực quản lý cung ứng và logistics
Chuyên viên quản lý doanh thu, quản lý sản phẩm trong chuỗi cung ứng, và tối ưu hóa hệ thống cung ứng.
Lĩnh vực Viễn thông, công nghệ và Internet
Chuyên viên phân tích, lập trình, cấu trúc dữ liệu và dự báo nhu cầu để xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng công nghệ.
Lĩnh vực tư vấn
Chuyên viên tư vấn, phân tích theo lĩnh vực có ứng dụng kĩ thuật phân tích bậc cao.
Lĩnh vực Dịch vụ công
Chuyên viên cải tiến chất lượng y tế, chính sách công.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên môn ở trình độ sau đại học thuộc các chuyên ngành về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phân tích kinh doanh…. Sinh viên cũng có khả năng tự tìm hiểu, nghiên cứu nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật kiến thức mới về các kỹ thuật phân tích dữ liệu thời sự đương đại. Ngoài ra, sinh viên cũng có khả năng tìm hiểu kiến thức về miền ứng dụng mới và áp dụng các kỹ thuật, phương pháp phân tích dữ liệu để phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định trong miền ứng dụng đó.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận các vị trí làm việc sau: Chuyên gia phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên gia công nghệ phân tích dữ liệu, chuyên gia thiết kế và quản lí cấu trúc dữ liệu, chuyên gia lập trình phân tích dữ liệu, chuyên gia tư vấn phân tích kinh doanh, cán bộ quản lí phân tích dữ liệu, cán bộ quản lí kinh doanh, chuyên gia chiến lược kinh doanh, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường. Cụ thể:
– Lĩnh vực Ngân hàng tài chính: Chuyên gia phân tích khách hàng, rủi ro tín dụng, rủi ro tài chính; phòng chống gian lận và quản lí hồ sơ năng lực công ty;
– Lĩnh vực tiêu dùng: Chuyên gia phân tích thị trường, phân tích tiêu dùng bán lẻ, và nghiên cứu thị trường;
– Lĩnh vực quản lí cung ứng và logistics: Chuyên gia quản lí doanh thu, quản lí sản phẩm trong chuỗi cung ứng, và tối ưu hóa hệ thống cung ứng;
– Lĩnh vực Viễn thông, công nghệ và Internet: Chuyên gia phân tích, lập trình, cấu trúc dữ liệu và dự báo nhu cầu để xây dựng kế hoạch phát triển;
– Lĩnh vực quản lí tài nguyên và mỏ: Chuyên gia dự báo giá cả; xử lí tức thời các vấn đề liên quan đến dây chuyền sản xuất; khám phá và khôi phục tài nguyên;
– Lĩnh vực tư vấn: Chuyên gia tư vấn, phân tích theo lĩnh vực có ứng dụng kĩ thuật phân tích bậc cao;
– Lĩnh vực an ninh, chính phủ: Chuyên gia phân tích khám phá gian lận, phát hiện tội phạm công chức và phòng chống tội phạm bạo lực;
– Lĩnh vực Dịch vụ công: Chuyên gia cải tiến chất lượng y tế, chính sách công và giảm thiểu số lượng tù nhân;
– Lĩnh vực Phi lợi nhuận: Chuyên gia gây quỹ, chuyên gia hỗ trợ công tác xã hội thực chứng và tối ưu hóa dự án.
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ÁP DỤNG TỪ KHÓA QH2022
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ÁP DỤNG TỪ KHÓA QH2019
Ghi chú:
– (*) Sinh viên tự tích lũy các học phần Tiếng Anh B1, B2 và phải đạt trình độ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (tương đương bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) trước khi học các học phần thuộc khối kiến thức theo nhóm ngành và ngành;
Chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, trừ các học phần thuộc Khối kiến thức chung được giảng dạy bằng tiếng Việt.
Chương trình Phân tích dữ liệu kinh doanh được phê duyệt và thực hiện trên cơ sở tuân thủ cấu trúc và phương pháp đào tạo tín chỉ. Phương pháp này cho phép sinh viên tích lũy kiến thức, chủ động thiết kế kế hoạch học tập, lựa chọn tiến độ học tập phù hợp theo khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng của mình;
Áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến đang được sử dụng tại các Đại học uy tín trên thế giới, có điều chỉnh cho phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ theo văn bản hướng dẫn phương pháp dạy học số 776/ĐT ngày 11/8/2006 của ĐHQGHN, nhằm nâng cao ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kĩ năng thực hành, nâng cao kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kĩ năng trình bày, thảo luận, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, dạy học nói riêng;
Thông qua các giờ giảng của giảng viên nước ngoài, chương trình dần dần tiếp thu phương pháp giảng dạy tiên tiến của các nền giáo dục hiện đại trên thế giới (Mĩ, Australia và một số quốc gia khác);
Hướng dẫn sinh viên tự học theo kiểu nghiên cứu; chú trọng đào tạo, phát triển các kĩ năng nghề nghiệp, khả năng thực hành và ứng dụng thực tế cho sinh viên;
Khuyến khích làm việc theo nhóm, tham gia các bài tập tình huống, tổ chức nhiều buổi thảo luận, trao đổi, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, viết báo cáo, trình bày trên lớp các bài tập lớn.
Áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ đối với các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng, Lí luận chính trị theo chủ trương chung của ĐHQGHN;
Tổ chức thực tập, kiến tập cho sinh viên ở các cơ quan, doanh nghiệp liên quan kể cả ở nước ngoài theo yêu cầu của chương trình.
Giảng viên tham gia giảng dạy chương trình cử nhân Phân tích dữ liệu kinh doanh là những nhà giáo có tên tuổi trong và ngoài ĐHQGHN, trình độ từ thạc sĩ trở lên, được đào tạo ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Australia, Canada… Các giảng viên đều đạt chuẩn về ngoại ngữ để giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh, đồng thời có kiến thức chuyên môn sâu cũng như kinh nghiệm thực tế phong phú về lĩnh vực mình phụ trách giảng dạy. Ngoài ra, Trường còn có sự trao đổi giảng viên với một sô trường đại học danh tiếng nước ngoài để đưa giảng viên nước ngoài cùng đảm nhận giảng dạy một số học phần trong chương trình. Tỉ lệ giảng viên nước ngoài tham gia chương trình chiếm khoảng 20%-25% các học phần chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước cùng phối hợp tạo nên một cộng đồng và môi trường giáo dục mang tính chất quốc tế tại Trường.
Trường Quốc tế đã hợp tác với Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) trong việc khai thác đội ngũ nhà nghiên cứu, giảng viên của Viện tham gia chương trình đào tạo Phân tích dữ liệu kinh doanh từ năm 2019.
Chương trình Thu hút học giả của ĐHQGHN đặt tại Trường Quốc tế (gọi tắt là Chương trình) ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chương trình đồng thời giúp tăng cường chỉ số hội nhập quốc tế của ĐHQGHN nói chung và Trường Quốc tế nói riêng, tạo động lực, môi trường đào tạo và nghiên cứu quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của Trường, tiếp nhận chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài, tăng cường tỷ lệ giảng viên đến từ các trường đại học uy tín nước ngoài giảng dạy tại Trường.
Các học giả của Chương trình tham gia giảng dạy toàn bộ thời lượng một học phần hoặc phối hợp giảng dạy cùng giảng viên Trường Quốc tế trong các chương đào tạo triển khai tại Trường. Việc tổ chức giảng dạy được thực hiện với phương châm khuyến khích giảng viên của Trường Quốc tế tham gia cùng soạn bài giảng và giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên. Trong quá trình này, sinh viên, học viên và giảng viên Trường Quốc tế sẽ trải nghiệm những phương pháp làm việc, cách tiếp cận mới hiện đang được áp dụng tại các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài.
Để phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động này, các học giả của Chương trình sẽ được ưu tiên sắp xếp giảng dạy những môn học mới hoặc đòi hỏi cập nhật phương pháp làm việc, kiến thức mới một cách thường xuyên hoặc những học phần mà hiện nay ở Việt Nam còn thiếu nguồn giảng viên có trình độ cao, đáp ứng tốt yêu cầu của học phần và của Chương trình.
Đội ngũ giảng viên đảm bảo điều kiện duy trì ngành đào tạo
STT | Họ và tên, năm sinh, chức vụ hiện tại | Chức danh khoa học, năm phong; Học vị, nước, năm tốt nghiệp | Chuyên ngành được đào tạo | Năm, nơi tham gia giảng dạy | Đúng/ Không đúng với hồ sơ | Ghi chú |
1 | Nguyễn Việt Cường, 1976, giảng viên | Tiến sĩ, 2009, Hà lan | Kinh tế | 2020-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
2 | Bùi Mỹ Trinh, 1983, giảng viên | Tiến sĩ, 2013, Ðài Loan | Quản lí | 2018-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
3 | Nguyễn Viết Thành, 1974, giảng viên | Tiến sĩ, 2012, Đan Mạch | Luật kinh doanh quốc tế | 2019-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
4 | Nguyễn Trung Hiển, 1979, giảng viên, Trưởng phòng CTHSSV | Tiến sĩ, 2016, Ý | Quản lí và Phát triển địa phương | 2008-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
5 | Nguyễn Thị Phương, 1983, giảng viên | Tiến sĩ, 2017, Úc | Kế toán | 2022-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
6 | Phan Thị Ngọc Hoa, 1979, Phó trưởng phòng Đào tạo | Thạc sĩ, 2003, Việt Nam | Luật kinh doanh quốc tế | 2005-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
7 | Nguyễn Khánh Linh, 1993, Giảng viên | Thạc sĩ, Việt Nam, 2017 | Kinh tế- Tài chính | 2021-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
8 | Lại Thanh Vân, 1993, giảng viên | Thạc sĩ, 2017, Úc | Phương pháp dạy tiếng Anh | 2009-nay: Trường Quốc tế | Đúng | |
9 | Nguyễn Thị Kim Duyên, 1993, giảng viên | Thạc sĩ, Việt Nam | Quản trị kinh doanh | 2022-nay: Trường Quốc tế | Đúng |
Mô hình đào tạo dự kiến cho phép sinh viên chuyển tiếp sang một số đối tác uy tín như Đại học Deakin (Úc), Đại học Chatham (Hoa Kỳ) và được công nhận tương đương tín chỉ.
Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY
I. MÃ NGÀNH: QHQ05
II. CHỈ TIÊU: 110 sinh viên
III. ĐIỂM CHUẨN 2023: 23.6
IV. PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐHQGHN
- Xét tuyển theo kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN từ 80/150 điểm
- Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 72 trở lên kết hợp kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Xét tuyển các phương thức khác:
5.1. Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM đạt tối thiểu 750/1.200 điểm
5.2. Xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Vương quốc Anh (A-Level) với kết quả 3 môn thi đảm bảo mỗi môn đạt từ 60/100 điểm trở lên
5.3. Xét tuyển theo kết quả kì thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) với quả SAT đạt từ 1100/1600 trở lên
5.4. Xét tuyển thí sinh quốc tế
V. HÌNH THỨC ĐĂNG KÍ XÉT TUYỂN
– Đối với các phương thức: (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐHQGHN; (2) Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN; (3) Xét tuyển kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN; (4) Xét tuyển các chứng chỉ quốc tế, kết quả các kỳ thi chuẩn hoá chung, bao gồm: A-Level, SAT: thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT (theo mẫu quy định của Trường Quốc tế – ĐHQGHN tại ĐÂY) và lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến/online tại địa chỉ: https://ts.isvnu.vn trước 17h00, ngày 23/6/2024 theo thông báo chi tiết của Trường. Những trường hợp đặc biệt, thí sinh không thể nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến, thí sinh liên hệ hotline để được cán bộ phụ trách hướng dẫn trực tiếp.
– Đối với phương thức xét Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT (theo mẫu quy định của Trường Quốc tế – ĐHQGHN tại ĐÂY) và lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến/online tại địa chỉ: https://ts.isvnu.vn theo thông báo chi tiết của Trường và hướng dẫn tuyển sinh năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
– Đối với phương thức xét Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến/online theo kế hoạch và hướng dẫn tuyển sinh năm 2024 của Bộ GD&ĐT trên Hệ thống.
Địa chỉ hỗ trợ thí sinh ĐKXT:
Cơ sở 1: Văn phòng Tuyển sinh Trường Quốc tế – Nhà E5, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ sở 2: Bộ phận Tuyển sinh – Phòng Công tác sinh viên, Phòng 302, tầng 3, Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 1900 2609/ 0983 372 988/ 0379 884 488/ 0989 106 633/ 086 605 3336/ 086 675 3338.
Lưu ý: Trong trường hợp có thay đổi về lịch tuyển sinh vì các lí do bất khả kháng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN, Trường Quốc tế sẽ thông tin cập nhật trên website của Trường.
Lệ phí xét tuyển
– Lệ phí hồ sơ xét tuyển theo các phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm: 30.000 VNĐ/ hồ sơ;
– Lệ phí xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT: theo quy định của Bộ GD&ĐT.
VI. HỌC PHÍ (dự kiến): 170.000.000 VNĐ/4 năm học
– Học phí không bao gồm học phí học chương trình tiếng Anh dự bị (11.165.000 VNĐ/1 sinh viên/1 cấp độ), phí thi lại, học lại, học cải thiện điểm và các khoản phí khác nếu sinh viên không đảm bảo được tiến độ, điều kiện và chất lượng của chương trình đào tạo.
– Các khoản thu được thực hiện vào đầu mỗi học kì theo thông báo thu của Trường, mức thu mỗi học kỳ căn cứ theo số tín chỉ đăng ký học trong kỳ hoặc tính bình quân học phí và phí dịch vụ mỗi học kỳ theo kế hoạch đào tạo của Trường.
Xem thêm: