Con đường đến với khoa học và niềm tự hào người Việt Nam của chuyên gia Trường Quốc tế


GS.TSKH Trần Chi sinh ra và lớn lên tại Thanh Trì – Hà Nội, sang Ba Lan năm 1979 làm tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và trở thành giảng viên rồi giáo sư tại Trường Đại học tổng Hợp Gansk. Giáo sư đã có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và khu vực, cũng như là Chủ tịch (chairman) các tiểu ban khoa học của các hội thảo khoa học trong và ngoài Ba Lan về cơ học đất, và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và cơ học đất.

Tuy nhiên, khi nói về những thành công của mình GS.TSKH Trần Chi lại vô cùng khiêm tốn, bởi “trong hoàn cảnh như tôi, nhiều người Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn nữa”. Đặc biệt, GS Trần Chi tự hào mình là người Việt và luôn trăn trở vì chưa đóng góp được gì nhiều cho đất nước. Website Trường Quốc tế xin gửi đến độc giả bài phỏng vấn GS.TSKH Trần Chi.

– Được biết Giáo sư (GS) là một trong 4 người Việt Nam được Tổng thống Ba Lan phong tặng Giáo sư cấp nhà nước từ trước đến nay, và hiện Giáo sư đang là chuyên gia/cố vấn khoa học của Trường Quốc tế, thầy có thể chia sẻ con đường đến với Khoa học tính toán của mình như thế nào không?
– Tôi tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội và công tác tại Bộ Giao thông Vận tải trong 15 năm. Trong thời gian đó, tôi đã may mắn gặp được một cán bộ chuyên ngành toán học – những người đã giúp tôi chuẩn bị một số kiến thức cần thiết về đại số tuyến tính, tính toán ma trận, quy hoạch toán học (Toán kinh tế) hay lý thuyết xác suất. Những kiến thức này rất hữu ích trong việc chuẩn bị sơ bộ đề tài nghiên cứu để trình bày khi đi tìm thầy hướng dẫn. Tôi cũng may mắn mua được quyển từ điển Việt – Anh quý giá hơn những quyển từ điển của Ba Lan vì nó được tập thể các nhà khoa học Việt Nam biên soạn. Cuốn từ điển đã giúp tôi rất nhiều trong nghiên cứu, đọc nhũng tài liệu của Ba Lan và ở nước ngoài.

Tôi cũng tình cờ tìm thấy quyển sách về máy tính điện tử của Liên Xô ở Viện nghiên cứu và thiết kế của Bộ Giao thông Vận tải nơi tôi công tác và làm quen khá sớm với máy tính Misnk. Tôi đã dùng nó để tính toán cho các công trình xây dựng ở Viện. Việc áp dụng nghiên cứu này vào thực tế sản xuất đã đem lại niềm vui lớn và khích lệ tôi tiếp tục công việc. Trong khi viết các phần mềm, tôi bắt buộc tìm hiểu ngôn ngữ “0-1” (làm việc trực tiếp với máy tính là như thế nào). Sau đó, khi sử dụng các ngôn ngữ khác tôi thấy dễ hiểu hơn quá trình chuyển đổi giữa chúng, đặc biệt hiểu được việc sử dụng các ngôn ngữ gần với tiếng nói của con người. Tiếp đó, tôi được làm quen với máy tính ODRA của Ba Lan tại Viện Khoa học, Viện cơ học Việt Nam, và đã được nghe giới thiệu về minicomputer. Vì vậy, khi bắt đầu nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa Gdansk (Ba Lan), tôi đã gợi ý với giáo sư hướng mua minicomputer của Nhật Bản. Chiếc máy tính này đã giúp tôi rất nhiều trong việc chuẩn bị luận án và những kết quả tính toán bằng máy tính được trình bày lần đầu tiên ở thành phố Gdansk trong lễ bảo vệ tốt nghiệp.

Trong thời gian làm việc tại Viện Ngiên cứu và Thiết kế tôi đã thấy được mối quan hệ giữa lí thuyết và thực tế khi theo dõi thi công tại cảng Hải Phòng và những khó khăn khi giải quyết vấn đề không chắc chắn trong điều kiện Việt Nam. Yêu cầu của thực tiễn này đã thôi thúc tôi tìm kiếm các phương pháp khoa học khác nhau để giải quyết vấn đề, như sác xuất và logic không rõ ràng/mờ (fuzzy logic).

15 năm làm việc tại Việt Nam đã giúp tôi tích lũy nhiều bài học thực tế quý báu, nhận ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải tập trung nghiên cứu, tìm cách giải quyết từ những phương pháp khoa học hiện đại nhưng phải phù hợp với Việt Nam.

– Vậy những chuẩn bị về kiến thức và nghiên cứu về toán và khoa học máy tính có ý nghĩa như thế nào trong quá trình học tiến sĩ của GS ở Ba Lan?
– Sau một năm học tiếng Ba Lan, tôi đã có thể chủ động tìm người hướng dẫn phù hợp với nội dung đề tài dự kiến. Tôi đã tìm được người thầy đúng ngành Cơ học đất và chuyển đến thành phố Gdansk bắt đầu công việc nghiên cứu tại Trường Đại học Bách khoa. Tôi vừa nghiên cứu và vừa nhận công việc giảng dạy tại Trường. Mỗi nước đều có những công trình khoa học quý giá vì vậy tôi cố gắng tìm kiếm tài liệu và tôi đã tìm được 2 tài liệu quý giá. Đó là “Lôgic nhiều giá trị” (“Multi Valued Logic”) xuất bản vào những năm 1920 – 1930. Nhiều người Ba Lan cũng không biết đến cuốn sách này vì nó không được áp dụng vào thực tế. Mãi tới năm 1965, một nhà khoa học Mỹ đã sáng tạo ra lý thuyết tập hợp mờ và từ đó logic mờ (Fuzzy logic) và sau đó được ứng dụng đầu tiên trong công nghệ robot ở Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù robot đầu tiên ra đời ở Mỹ nhưng nhiều năm sau sự phát triển của Mỹ trong lĩnh vực này cũng không theo kịp người đi sau mình. Vì sao vậy? Bởi vì có hai quyết định: phát triển hay không phát triển là do tư duy triết học khác nhau của mỗi nước. Mỹ lo thất nghiệp sẽ gia tăng và tệ nạn xã hội nhiều khó giải quyết, nên không muốn phát triển. Còn Nhật Bản cho rằng của cải gia tăng sẽ đủ để giải quyết tệ nạn xã hội, vì vậy họ đã quyết định phát triển mạnh mẽ. Thật là một quyết định thú vị có ảnh hưởng tới sự phát triển của cả một ngành công nghiệp quan trọng. Cho đến ngày nay tôi thấy quyết định đó vẫn đúng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học bao gồm cả trong nghiên cứu lượng tử ngày nay. Fuzzy logic đã giúp tôi nhiều trong nghiên cứu và mang lại môt số kết quả thú vị. Một lần khi tôi công bố kêt quả nghiên cứu trong cơ học đất tại hội nghị khoa học, môt giáo sư đã hỏi tôi bao giờ thì nghiên cứu của ông sẽ được ứng dụng vào thực tiễn, có lẽ người trẻ nhất ngồi đây cũng sẽ không được chứng kiến. Họ đã không tin vào hướng nghiên cứu này, nhưng chỉ hai năm sau tôi đã thấy môt luận án tiến sĩ của Đức về áp dụng fuzzy logic trong cơ học đất. Thế mới biết khoa học thay đổi nhanh chóng như thế nào!

– Được biết trong hành trình nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ, GS có một thời gian học tập và nghiên cứu ở Ý. GS có thể chia sẻ quá trình và trải nghiệm của mình khi đó?
– Tôi chuẩn bị cho chuyến đi Ý với mục tiêu viết luận án tiến sĩ khoa học tại một trường đại học (Padva). Tới nơi, GS tại đó giao nhiệm vu giúp ông chỉnh sửa quyển sách do ông là tác giả. Tôi đề nghị cho tôi được làm theo kế hoạch đã chuẩn bị của mình. Lúc đầu tôi bị từ chối vì lý do, tôi nhận tiền của EU nên ông phải thực hiện theo yêu cầu. Tôi trình bày nếu GS không đồng ý tôi xin phép từ bỏ học bổng và quay trở về Ba Lan. Sau khi đắn đo, GS đó cho tôi một tuần chuẩn bị. Với những thông tin được nghiên cứu kĩ lưỡng về logic nhiều giá trị và tiếp đó là fuzzy logic, n áp dụng trong lĩnh vục điều khiển cùng với một số kết quả của bản thân đã được công bố trên các tạp chí quốc tế, tôi đã tự tin mô tả tóm tắt phương pháp áp dụng fuzzy logic trong lĩnh vực cơ học đất. Tôi luôn tin vào bộ môn khoa học mới mẻ này thời gian đó. Lòng tự tin đó xuất phát từ việc khảo sát và tìm hiểu ở Ba Lan cũng như trên thế giới về tình hình áp dụng fuzzy logic trong các lĩnh vực khoa học khác nhau, đặc biệt là Điều khiển và Tự động hóa. Tôi đã thuyêt phục thành công vị GS đáng kính đó và hơn thế tôi được kéo dài thêm 6 tháng làm việc tại Ý. Tôi nhận ra rằng không nên quá tự ti. Với lòng tự tin vững chắc sau khi tìm hiểu nhiều thông tin khoa học ở Ba Lan và trên thế giới cùng sự kiên định với mục tiêu đề ra tôi đã đạt thành công này. Trong thời gian ở Ý, tôi đã có cơ hội đọc cuốn sách “Fuzzy Measure Theory”. Đó là một cuốn sách viết về những độ độ đo mờ/fuzzy do một nhà khoa hoc người Mỹ gốc Trung Quốc cùng một nhà khoa học ở Mỹ cùng xuất bản. Tôi nhận ra xu thế áp dụng fuzzy logic dần dần thay thế cho lí thuyết sác xuất. Thế mới biết quan hệ với các nhà khoa học nước ngoài đem lại nhiều lợi ích, tôi phải cố tận dụng lợi thế này khi mình còn ở nước ngoài. Tôi cũng chợt nghĩ, nếu chậm bắt đầu một bộ môn khoa học nào đó, tôi sẽ tụt hậu càng xa trong thế giới ngày nay.

GS.TSKH Trần Chi tham gia chương trình trình định hướng học tập cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin ứng dụng.

Trong thời gian làm việc Ý, tôi cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt với cán bộ tại Viện. Nhờ đó, tôi được biết tại đó có một chương trình bí mật của quân đội Mỹ có tên máy tính ảo song song, PVM. Tôi đề nghị cho sử dụng nhưng rất không may là theo yêu cầu của Mỹ, chương trình này tuyệt đối không cho người ngoài sử dụng. Tôi kiên trì đề nghị cán bộ này giúp đỡ, cuối cùng, vì tò mò muốn biết phần mềm hoạt động ra sao, cán bộ này cũng cho tôi xem. Một tháng trước khi hết hạn thực tập, tôi được phép thử kích hoạt phần mềm và thật may mắn tôi đã đã thành công. Tôi đã hiểu thêm về khoa học máy tính, cấu trúc phần mềm tính toán song song, máy tính ảo và đưa vào chương trình giảng dậy tin học cho sinh viên nơi tôi đang làm việc. Thời gian này, tôi cũng đã được biết tới một loại processor SIMD, một chương trình nhiều đầu vào. Đó là khả năng tiếp nhận dữ liệu mới của máy tính. Hơn thế nữa, để tạo điều kiện phát triển Tổ môn Cơ học đất do tôi phụ trách, tôi đã mua môt hệ thống chương trình MATLAB – Phòng thí nghiệm toán học của Mỹ và xây dựng một trung tâm tính toán riêng cho Tổ môn. Với trung tâm này và MATLAB shoftware tôi đã hướng dẫn thành công 2 tiến sĩ theo đề tài áp dụng fuzzy NN trong lĩnh vực Cơ học đất.

GS.TSKH Trần Chi luôn sẵn lòng chia sẻ tri thức và kinh nghiệm đến thế hệ trẻ.

– Cảm ơn GS! Có thể thấy hành trình chinh phục tri thức Toán và Tin học đã đến rất tự nhiên, và là nền tảng cho nhiều nghiên cứu và thành công của giáo sư sau này? Giáo sư có thể chia sẻ thêm về việc này, và có lời khuyên nào cho các bạn trẻ Việt Nam?
– Ở Ba Lan có hai ngành khoa học: logic và toán học. Đó là Logic nhiều giá trị mà sau này được người Mỹ phát triển thành fuzzy logic; và Topo Toán học (Topological Mathematics) được phát triển tại Viện Công nghệ Masachuset (Mỹ) thành một tài liệu có giá trị thực tiễn cao. Tôi đã sử dụng tài liệu Topological Mathematics trong thiết kế tối ưu loại kết cấu tường chắn đất, mà sau này phát triển thành Tự động hóa thiết kế tối ưu cấu trúc của các kết cấu xây dựng. Ở Ba Lan tôi đã có dịp nghe nói về người sáng tạo ra nó và tìm được 2 cuốn sách của chính tác giả. Sự tò mò khi còn ở Việt Nam khiến tôi đọc say sưa, kết quả là đã hiểu và áp dụng được cho việc giải bài toán thiết kế kết cấu xây dựng và công bố trên một tạp chí quốc tế.

Khoa học cơ bản (Logic, Toán và Tin học) thật sự chắp cánh cho những ước muốn khoa học, nghiên cứu của tôi và giúp tôi khẳng định vị trí của mình ở Ba Lan và trên thế giới. Tôi được nhà xuất bản Who’s Who chọn là một trong 300 nhà khoa học xuất sắc nhất, được Hội đồng khoa học (lĩnh vực cơ học đất) của Nước Cộng hòa Ba Lan công nhận là người đầu tiên đưa những phương pháp mới (fuzzy computing, NN computing, Genetic algorithm) vào lĩnh vực cơ học đất.
Tôi biết chắc ở Việt Nam có nhiều người giỏi hơn tôi, trong hoàn cảnh như tôi, họ sẽ làm được nhiều hơn nữa, sinh viên Việt Nam ngày nay rất say mê học hỏi và đam mê khám phá, tôi tin vào sự phát triển hiện nay và tương lai của đất nước ta. Tôi luôn tự hào mình là người Việt Nam.
– Xin trân trọng cảm ơn GS. Kính chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Khoa Các khoa học ứng dụng

GS.TSKH Trần Chi, sinh ra và lớn lên tại Thanh Trì – Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1967, sang Ba Lan năm 1979 làm Tiến Sỹ, rồi Tiến sĩ Khoa Học. Từ năm 1988 – 1998, ông là giảng viên giảng dạy tại Trường Bách Khoa Gdańsk, Ba Lan. Từ năm 2018 – 2019, ông là giảng viên giảng dạy tại Đại học Kinh tế và kỹ nghệ thông tin Châu Âu ở Warsaw Balan, giảng dạy cho sinh viên EU theo chương trình TEMPUS. Từ năm 2001 ông được mời về giảng dạy và nghiên cứu, và là Trưởng Khoa tại Đại học tổng hợp Warmia và Mazury (University of Warmia and Mazury). Ông là thành viên Hội Cơ học Châu Âu từ năm 1998 đến năm 2017. Năm 2016, ông được Tổng thống Ba Lan Andrej Duda trao tặng bằng Giáo sư cấp Quốc gia. Từ năm 2022, GS. TSKH Trần Tri là Chuyên gia/Cố vấn khoa học cho các chương trình đào tạo về Công nghệ thông tin ứng dụng, Tin học và kỹ thuật máy tính và các chương trình liên quan của Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội