Ngày 14/11/2024, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và những góc nhìn mới trong giáo dục đại học.”
Chương trình là diễn đàn học thuật để các cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh cùng nhau trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về các xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục cũng như phân tích những cơ hội và thách thức mà nó mang lại. Diễn giả của chương trình là các giảng viên của Khoa: PGS.TS Nguyễn Phương Mai, TS. Nghiêm Xuân Hòa và TS. Nguyễn Ngọc Anh
PGS.TS. Lưu Thị Minh Ngọc – Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, phát biểu khai mạc chương trình.
Tại chương trình tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành đã có những chia sẻ quan trọng về khía cạnh khác nhau của chuyển đổi số. Nội dung thảo luận tập trung vào ba chủ đề chính: đo lường mức độ trưởng thành số, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam, và các vấn đề liên quan đến lòng tin trong chuỗi cung ứng.
PGS.TS. Nguyễn Phương Mai mở đầu với bài trình bày về đo lường mức độ trưởng thành số tại các trường đại học. Diễn giả nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giới thiệu các tiêu chí cụ thể giúp các trường xác định và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Phương Mai chia sẻ các châm ngôn nổi tiếng về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, khẳng định vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ giáo dục bền vững, không chỉ nâng cao chất lượng học thuật mà còn cải thiện đời sống cá nhân.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai giới thiệu các phương pháp đo lường mức độ trưởng thành số tại
các trường đại học.
Tiếp nối, TS. Nghiêm Xuân Hòa mang đến cái nhìn toàn cảnh về thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam. Diễn giả chỉ ra rằng quá trình này không chỉ đơn thuần là số hóa tài liệu học tập mà còn bao gồm đổi mới toàn diện trong cách giảng dạy và quản lý. TS. Nghiêm Xuân Hòa nhấn mạnh ba trọng tâm chính: số hóa tài liệu học thuật để phục vụ đào tạo trực tuyến, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tăng cường sự tương tác trong môi trường số, và tích hợp quy trình đánh giá trực tuyến để đảm bảo minh bạch và hiệu quả. Diễn giả cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức như sự bất bình đẳng về cơ sở hạ tầng giữa các trường công lập và tư thục, khó khăn trong việc thích nghi với phương pháp giảng dạy mới, cũng như sự thiếu động lực học tập của sinh viên trong môi trường trực tuyến. Để giải quyết vấn đề này, TS. Hòa đề xuất các giải pháp bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số và xây dựng khung pháp lý đồng bộ để hỗ trợ các trường đại học.
TS. Nghiêm Xuân Hòa trình bày bức tranh toàn cảnh về quá trình chuyển đổi số
tại các trường đại học Việt Nam.
Trong phần cuối của hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Anh trình bày nghiên cứu về hành vi cơ hội trong chuỗi cung ứng, tập trung vào mối quan hệ giữa niềm tin, an toàn tâm lý và các hành vi cơ hội trong hợp tác. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi lòng tin bị suy giảm, các hành vi tiêu cực như gian lận và gián đoạn giao tiếp có xu hướng gia tăng, dẫn đến tổn hại uy tín thương hiệu. Thông qua mô hình Opportunism, Psychological Safety và Trust, diễn giả phát hiện ra việc tăng cường an toàn tâm lý không chỉ giảm thiểu hành vi cơ hội mà còn cải thiện hiệu quả hợp tác trong chuỗi cung ứng. Nghiên cứu này không chỉ đóng góp vào lĩnh vực lý thuyết mà còn đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số.
TS. Nguyễn Ngọc Anh mang đến một chủ đề thú vị về lòng tin và hành vi cơ hội trong chuỗi cung ứng.
Sau mỗi phần trình bày, người tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị xoay quanh các chủ đề được đề cập. Những ý kiến, phản biện và câu hỏi đều được các diễn giả giải đáp một cách thỏa đáng, góp phần tạo nên không khí trao đổi sôi nổi.
Hội thảo đã khép lại với nhiều kiến thức giá trị, cung cấp góc nhìn sâu sắc về chuyển đổi số trong giáo dục và chuỗi cung ứng.
Chương trình tọa đàm để lại nhiều cảm hứng và giá trị học thuật sâu sắc cho các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự. Đây không chỉ là cơ hội học hỏi mà còn là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp mở ra những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực giáo dục và quản lý.
Nguyễn Thị Hương Ly
Khoa Kinh tế và Quản lý