Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, xin gửi đến quý bạn đọc bài viết của GS.TSKH Hồ Tú Bảo – chuyên gia, nhà khoa học của Trường Quốc tế trên Dân trí
“Lịch sử loài người cho thấy những phương thức phát triển mới mang tính đột phá đều xuất hiện sau những tiến bộ lớn của khoa học và công nghệ.
Xã hội loài người dựa trên sản xuất nông nghiệp từ bao đời đã thay đổi sâu sắc khi động cơ hơi nước xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, dẫn đến sản xuất công nghiệp với máy móc cơ khí.
Điện ra đời vào đầu thế kỷ 20 đã làm bừng sáng cuộc sống con người và điện lực dẫn đến sản xuất hàng loạt với năng suất cao.
Sự ra đời của máy tính và thiết bị điện tử vào nửa cuối thế kỷ trước đã tạo ra những công cụ lao động tuyệt vời giúp con người tính toán, điều khiển hoạt động sản xuất, dần đưa công nghiệp vào giai đoạn tự động. Ba phương thức phát triển ra đời trong ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên có thể được đặc trưng là cơ khí hóa, điện khí hóa, và tự động hóa.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem bắt đầu từ khoảng một thập kỷ qua với chuyển đổi số là cốt lõi của phát triển. Câu hỏi có thể đặt ra là đặc trưng và bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì? Tiến bộ nào của khoa học và công nghệ cũng như khai thác thế nào các cơ hội do những tiến bộ này mang lại sẽ mang tới sự đột phá?
Từ khi ra đời vào những năm 1940, các máy tính lớn hoạt động trong hơn ba thập kỷ đã đưa hoạt động sản xuất dần được tin học hóa và tự động hóa. Máy tính cá nhân ra đời vào thập kỷ 80 và Internet ra đời vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã mở ra một kỷ nguyên mới, theo đó mọi thứ trên đời dần được số hóa và có thể được kết nối với nhau.
Các thực thể trên môi trường tự nhiên (bầu trời, rừng núi, cánh đồng, sông ngòi, các hiện tượng thiên nhiên…), môi trường nhân tạo (nhà cửa, đường xá, xe cộ, vật nuôi trồng, các hoạt động…), và môi trường xã hội (con người, luật lệ, làng xã, gia đình, quan hệ…) đều dần được số hóa, tạo ra phiên bản số là dữ liệu mô tả và phản ánh mọi khía cạnh của các thực thể này.
Chính nhờ các phiên bản số này, các thực thể trong môi trường sống của chúng ta có thể kết nối được với nhau qua không gian mạng. Điều này đã và đang biến đổi môi trường các thực thể truyền thống của con người thành một môi trường thực-số, thường được gọi tắt là môi trường số, nơi mỗi thực thể đều có thêm phần số của mình. Không chỉ máy móc, các thực thể vật lý mà con người và các quan hệ xã hội của con người cũng được số hóa và kết nối trên môi trường thực-số.
Hai đặc điểm dữ liệu và kết nối của môi trường thực-số đem đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội để phát triển. Cốt lõi của những cơ hội này là mọi hoạt động trên môi trường sống thực của con người đều có thể được tính toán, liên lạc và điều khiển qua phần số trên không gian mạng để trở thành các hoạt động thông minh. Thông minh hóa cần được hiểu chính là làm cho các hoạt động trở nên hợp lý, hiệu quả dựa trên sự thấu hiểu chúng nhờ dữ liệu và kết nối.
Ta có thể thấy nhiều ví dụ về các hoạt động được thông minh hóa. Những con đường vào ra ở các thành phố lớn thường có rất nhiều xe đi vào lúc đầu giờ sáng và đi ra lúc cuối giờ chiều. Cách chia đôi con đường như lâu nay cho thấy đường vào ùn tắc buổi sáng và đường ra ùn tắc buổi chiều. Nhưng những con đường này có thể trở nên thông minh nhờ gắn thêm các thiết bị đo đếm lượng xe và tính toán, với các hệ thống đèn điều khiển đơn giản tạo thành nhiều làn đường xe đi, trong đó ít làn đường xe đi ra đầu buổi sáng và ngược lại vào cuối buổi chiều.
Một hồ nuôi cá có thể trở nên thông minh khi gắn với hệ thống cảm biến giám sát chất lượng nước (nhiệt độ, độ mặn, độ pH, lượng oxy hòa tan và tiềm năng oxy hóa khử…) cho biết khi nào cần cải thiện chất lượng nước.
Môi trường sống của con người thay đổi thành môi trường thực-số với dữ liệu và kết nối nhiều chưa từng có trong lịch sử nhân loại, là thay đổi lớn nhất do khoa học và công nghệ đem lại cho giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số được xem là “quá trình tự thay đổi cách sống và cách làm việc trên môi trường thực-số”. Có thể nói với chuyển đổi số làm cốt lõi, cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đặc trưng bởi thông minh hóa sản xuất và mọi mặt hoạt động của con người.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Tất cả những điều chúng tôi chia sẻ ở trên giải thích tại sao chuyển đổi số làm cho sản xuất trở nên thông minh và do vậy là phương thức mới đột phá để phát triển đất nước. Có thể nói chuyển đổi số là cơ hội vô giá và cuối cùng dành cho Việt Nam, sau ba lần chúng ta đứng bên lề các cuộc cách mạng công nghiệp. Nếu tiếp tục bỏ lỡ, khoảng cách của Việt Nam với các nước phát triển sẽ càng xa hơn.
Và nếu như chuyển đổi số là phương thức mới cho phát triển thì nhận thức để hiểu rõ phương thức mới này là việc quan trọng hàng đầu. Vừa qua chúng tôi đã hoàn thành bộ sách căn bản về chuyển đổi số – với hai cuốn “Hỏi đáp về chuyển đổi số” và “Chuyển đổi số thế nào?”. Đây là những tài liệu mới giúp trả lời tại sao phải làm chuyển đổi số và để chuyển đổi số cần làm gì, làm thế nào.
Các bạn quan tâm có thể tìm bộ sách trên để tìm hiểu sâu hơn. Chúng tôi đã có dịp chia sẻ rằng chuyển đổi số là nội dung chính của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và AI (trí tuệ nhân tạo) là công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số. Hiểu đúng về cơ hội vô giá của chuyển đổi số và vai trò AI là một điều quan trọng. Từ thời chiến tranh đến thời xây dựng và phát triển, chúng ta luôn cần những công cụ mạnh, như xưa là AK và nay là AI”.
GS.TSKH Hồ Tú Bảo tốt nghiệp (1978) tại Khoa Toán-Lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội, thạc sĩ (1984) và tiến sĩ (1987) tại Đại học Paris 6, và tiến sĩ khoa học (1998) tại Đại học Paris 9, tất cả đều về học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI). Ông có kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy, khai phá dữ liệu (data mining), và gần đây là khoa học dữ liệu (data science). Hiện ông là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán của Việt Nam; và Giáo sư danh dự, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, sau 25 năm làm giáo sư tại đây. |
Theo Dân trí