“Chương trình giao lưu giúp em mở rộng thế giới quan, kết nối với nhiều bạn bè quốc tế và có thêm động lực để tiếp tục phát triển bản thân”, Nguyễn Khắc Long – sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), bày tỏ.
Nguyễn Khắc Long và Nguyễn Hương Trà – sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, vừa trở về sau chương trình “ASEAN in Today’s World (AsTW) 2025” tại Universitas Gajah Mada, Indonesia, trong tháng 3 vừa qua. Nguyễn Hương Trà và Nguyễn Khắc Long – sinh viên ngành Tự động hóa và Tin học đã xuất sắc giành học bổng 50% từ Ban tổ chức chương trình, là 2 trong 4 đại diện của Việt Nam tham gia. Nguyễn Khắc Long đã có phần chia sẻ thú vị về chuyến đi trên website Trường Quốc tế.
Nguyễn Khắc Long và Nguyễn Hương Trà đại diện cho sinh viên Trường Quốc tế tham dự chương trình “ASEAN in Today’s World (AsTW) 2025”.
– Chúc mừng em đã có một chuyến đi đáng nhớ tại Indonesia. Trước hết em có thể chia sẻ những kỷ niệm ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất từ chương trình được không?
– Trước hết, em xin gửi lời cảm ơn Trường Quốc tế và các thầy, cô đã tin tưởng trao cho em cơ hội đại diện tham gia chương trình giao lưu sinh viên vô cùng ý nghĩa này. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với em là buổi học đặc biệt của cô Candy, Thư ký ASEAN, với chủ đề “Thanh niên ASEAN: Mở đường cho tăng trưởng bền vững và đổi mới”. Đây cũng là buổi gặp gỡ đầu tiên sau buổi khai mặc, mọi người có cơ hội trò chuyện và làm quen nhau nhiều hơn. Trong suốt buổi học, cô luôn nhấn mạnh không chỉ thanh niên mà tất cả mọi người trong khu vực ASEAN cần không ngừng học hỏi và thích nghi mỗi ngày để có thể xây dựng một ASEAN phát triển bền vững. Cô cũng chính là một hình mẫu để các bạn trẻ ASEAN noi theo. Cô luôn tràn đầy năng lượng và luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người trẻ để xây dựng một mạng lưới thanh niên ASEAN năng động, hội nhập và đổi mới.
Điều khiến em ấn tượng nhất là những chia sẻ truyền cảm hứng của cô mà em có cơ hội được lắng nghe và trò chuyện sau buổi gặp mặt. Ngoài ra, cô cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích về mạng lưới thanh niên ASEAN, những cơ hội phát triển cũng như thách thức mà giới trẻ ASEAN đang phải đối mặt hiện tại.
Khắc Long rất ấn tượng với những buổi học trong chương trình.
– Là sinh viên học chuyên ngành Kỹ thuật – Công nghệ, em có gặp khó khăn gì không khi đăng ký và tham gia những chương trình giao lưu sinh viên ở nước ngoài?
– Em có gặp đôi chút khó khăn khi đăng ký và tham gia chương trình. Trước khi đăng ký tham gia, em cũng đã xác định mình sẽ khó khăn khi cạnh tranh với các bạn khối ngành xã hội cùng ứng tuyển tham gia chương trình, đặc biệt là các bạn nữ, vì các bạn thường sẽ có có lợi thế hơn trong các chương trình giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, sau lần trượt hồ sơ vào năm ngoái, em đã rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho lần ứng tuyển này. Em đã chủ động rèn luyện khả năng ngoại ngữ, thi chứng chỉ IELTS, đồng thời phát triển các kỹ năng mềm, bổ sung kiến thức xã hội và tích lũy kinh nghiệm từ các chương trình quốc tế trước đó. Nhờ sự chuẩn bị này, em đã vượt qua vòng hồ sơ và phỏng vấn, và trở thành đại diện của VNU tham gia chương trình.
Là sinh viên ngành Kỹ thuật, em không có kiến thức chuyên sâu về những mảng về kinh tế, chính trị xã hội hay luật pháp. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào các buổi thảo luận cùng mọi người trong các tiết học, em cũng cần có một sự tìm hiểu kỹ lưỡng về các chủ đề này trước đó.
Khó khăn em gặp phải là làm sao vừa tham gia chương trình trao đổi quốc tế nhưng vẫn đảm bảo tiến độ học tập ở Trường. Trước khi đăng ký, em đã suy nghĩ rất kỹ và lập kế hoạch chi tiết cho học kỳ này để có thể cân bằng giữa việc học và việc tham gia hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, em cũng nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ Nhà trường, giúp em duy trì tiến độ học tập mà không ảnh hưởng đến kết quả.
Nguyễn Khắc Long hoàn toàn “tự lập”chuẩn bị cho chuyến đi lần này.
– Em đã học được những bài học, kỹ năng gì từ chương trình giao lưu sinh viên tại Indonesia?
– Em học được kỹ năng tự lập. Đây là lần đầu tiên em tự túc hoàn toàn trong việc đặt vé máy bay và lên lịch trình khi đi nước ngoài. Do địa điểm tổ chức chương trình không nằm ở thủ đô, em phải bay hai chặng với thời gian nối chuyến khá sát, nên em chủ động hỏi thăm người dân địa phương, tìm hiểu trước về phương tiện di chuyển và đặt vé tàu xe từ sớm để tránh rủi ro.
Sau chương trình này em thấy networking là quan trọng. Nhờ có mối quan hệ với các bạn Indonesia từ một chương trình giao lưu trước đó, chuyến đi này của em trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Trước khi bay sang Indonesia, em nhận được sự hỗ trợ từ các bạn trong việc đặt vé tàu, vé máy bay và chỗ ở qua đêm đầu tiên. Trong thời gian tham gia chương trình, các bạn cũng tận tình dẫn em đi thưởng thức những món đặc sản ở Yogyakarta, giúp em hiểu hơn về văn hóa địa phương. Khi tiếp xúc với các bạn đến từ nhiều quốc gia và chuyên ngành khác nhau, em nhận ra cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng và kiến thức.
Khi tiếp xúc với các bạn đến từ nhiều quốc gia, Khắc Long nhận cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng và kiến thức.
Trong chương trình, các bạn có thể thảo luận sâu về các vấn đề ASEAN bằng tiếng Anh một cách rất tự tin và lưu loát. Hơn nữa, nhiều bạn còn có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và điều khiến em bất ngờ là các bạn đều tự học. Điều này khiến em nhận ra rằng tiếng Anh của mình vẫn chưa đủ và cần phải trau dồi thêm, cũng như cần chủ động học thêm ngôn ngữ khác nữa để có thể thuận lợi hơn trong hành trình khám phá thế giới.
Em có cơ hội cùng phòng với một bạn sinh viên Đại học Kyushu, Nhật Bản, chuyên ngành Kỹ thuật vũ trụ. Mặc dù lịch trình chương trình khá dày đặc, nhưng khi về phòng, bạn vẫn tranh thủ đọc sách chuyên ngành và lập trình. Bất ngờ là bạn ấy mới chỉ là sinh viên năm nhất nhưng đã làm những project khá khó. Điều này thúc đẩy em phải học hỏi và nâng cao kỹ năng chuyên môn nhiều hơn nữa.
Trong chương trình, em được tham gia các buổi thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến ASEAN như môi trường, chính sách công, quyền con người, giáo dục, kinh tế và văn hóa. Sau những buổi thảo luận này, em nhận ra rằng kiến thức xã hội đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp em hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, mà còn có cái nhìn đa chiều khi làm việc và nghiên cứu.
Ngoài ra, hầu hết các buổi học trong chương trình đều yêu cầu các nhóm phải đứng lên trình bày quan điểm và thuyết trình nội dung được giao. Em nhận ra rằng nếu kỹ năng thuyết trình của mình không tốt, em khó có thể truyền tải đầy đủ và thuyết phục những ý tưởng của mình. Ngoài những bài học trên, chuyến đi này còn giúp em mở rộng thế giới quan, kết nối với nhiều bạn bè quốc tế và có thêm động lực để tiếp tục phát triển bản thân.
Khắc Long và Hương Trà là 2 trong 4 đại diện của Việt Nam tham gia chương trình.
– Em có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên ngành Kỹ thuật – Công nghệ mong muốn đăng ký tham gia chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên tại nước ngoài hay không?
– Em muốn gửi lời khuyên từ cô thư ký ASEAN tới các bạn, nếu không muốn bị tụt lại phía sau, hãy luôn kiên trì, nỗ lực học hỏi và không ngừng phát triển bản thân mỗi ngày để hướng tới một tương lai bền vững.
Với các bạn có dự định đăng ký tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế, em muốn chia sẻ một số kinh nghiệm và lời khuyên. Thứ nhất, các bạn cần trang bị cho mình vốn ngoại ngữ thật vững, chứng minh qua điểm số của chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS hay TOEFL. Khi bạn có ngoại ngữ tốt, bạn dễ dàng giao lưu với bạn bè quốc tế.
Thứ hai, kiến thức xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong các chương trình này, giúp bạn dễ dàng hòa nhập và thể hiện bản thân. Mặc dù, sinh viên khối ngành kỹ thuật thường không chuyên sâu về các mảng xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội hay lịch sử nhưng để tham gia các chương trình giao lưu quốc tế này, bạn cần có nền tảng kiến thức xã hội nhất định. Trong các buổi thảo luận về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chính sách công hay văn hóa ASEAN, việc nắm bắt thông tin sẽ giúp bạn tự tin đóng góp ý kiến và thể hiện tư duy phản biện. Có thể trao dồi kiến thức xã hội này qua việc đọc sách, theo dõi tin tức quốc tế hay tham gia các khóa học online trên các nền tảng trực tuyến như Youtube, Udemy hay Coursera.
Để có cơ hội tham gia chương trình giao lưu quốc tế, theo Khắc Long, cần chuẩn bị tốt về ngoại ngữ, kiến thức xã hội, kỹ năng mềm và sức khỏe.
Thứ ba, kỹ năng mềm cần có khi tham gia chương trình giao lưu là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và khả năng tư duy phản biện. Nếu các bạn còn thiếu các kỹ năng này thì nên phát triển thêm qua việc tự luyện tập và tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp điều này sẽ rất hữu ích để rèn kỹ năng trên.
Thứ tư, tài lẻ sẽ là một lợi thế cho bạn khi tham gia các chương trình giao lưu quốc tế. Nếu bạn biết chơi nhạc cụ truyền thống, piano, guitar, múa hát, bạn dễ dàng để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế, đồng thời giúp quảng bá văn hóa của Việt Nam. Nếu bạn chưa có tài lẻ nào, bạn có thể học kỹ năng đơn giản như hát dân ca hoặc chơi một nhạc cụ đơn giản.
Thứ năm, bạn cần có tinh thần chủ động và linh hoạt. Khi tham gia chương trình giao lưu, bạn sẽ phải tự lập và thích nghi với môi trường mới. Hãy rèn luyện sự chủ động trong việc quản lý thời gian, lập kế hoạch. Ngoài ra, hãy cởi mở, sẵn sàng học hỏi từ mọi người xung quanh để có thể tận dụng tối đa cơ hội giao lưu và phát triển bản thân.
Cuối cùng, bạn cần có một sức khỏe thể chất và tinh thần thật tốt, vì thường lịch trình khá dày đặc, di chuyển liên tục và có nhiều hoạt động ngoài trời. Vì vậy, hãy đảm bảo sức khỏe tốt để có thể tham gia đầy đủ các hoạt động. Trước khi đi, hãy rèn luyện thể lực, ăn uống lành mạnh và chuẩn bị một số loại thuốc cần thiết.
Quan trọng nhất, hãy cởi mở, sẵn sàng học hỏi để có một trải nghiệm đáng nhớ trong thời sinh viên của các bạn.
– Xin cảm ơn Khắc Long về những chia sẻ thú vị. Chúc bạn tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong thời gian sắp tới.