Ngày 21/05/2024 vừa qua, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với 03 chủ đề “Cân bằng Công việc – Cuộc sống: Quan điểm và thảo luận các hướng nghiên cứu chính”, “Những giải pháp cân bằng Công việc – Cuộc sống: Kết quả nghiên cứu sơ bộ” và “ Đánh giá chiến lược marketing của Panasonic tại thị trường Việt Nam”.
Tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các diễn giả chính là PGS.TS. Nguyễn Phương Mai, ThS. Phạm Thanh Huyền và TS. Hồ Nguyên Như Ý. Chủ đề của tọa đàm có sức hấp dẫn và vô cùng thiết thực đối với các nghiên cứu sinh, sinh viên và toàn thể cán bộ giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý.
Trong phần thứ nhất của buổi toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Phương Mai chia sẻ về chủ đề: “Cân bằng Công việc – Cuộc sống: Quan điểm và thảo luận các hướng
nghiên cứu chính”.
Diễn giả chia sẻ động lực thực hiện nghiên cứu vấn đề bao gồm cả động lực bên trong và bên ngoài. Ở góc độ cá nhân, áp lực trong công việc ảnh hưởng đầu tiên là năng suất trong công việc không được như mong đợi, dẫn tới ảnh hưởng tới cơ quan, tổ chức và tới chính bản thân diễn giả. Mặt khác, diễn giả chia sẻ do nhận thấy trong xã hội hiện nay đang có xu hướng “Đi để chữa lành”, chứng tỏ chủ đề này có sự quan tâm thu hút đông đảo của nhiều người và đặc biệt là các bạn trẻ thế hện Gen Z. Những lý do trên là động lực để diễn giả thực hiện nghiên cứu về chủ đề này.
Tiếp đó, diễn giả chia sẻ khái niệm Cân bằng công việc – cuộc sống. Theo diễn giả, có sự thay đổi quan điểm của các học giả, khái niệm ban đầu tập trung vào việc phân bổ thời gian, sau này, việc cân bằng cuộc sống – công việc là quản lý áp lực đến từ chính bản thân mình đối với công việc, cuộc sống. Khi nghiên cứu, diễn giả thấy rằng cân bằng không chỉ là chia đều thời gian, mà còn là đáp ứng kỳ vọng của mỗi bên để hoàn thành các hoạt động. Diễn giả chia sẻ 5 nhóm mô hình để tìm ra cách thức cân bằng Công việc – Cuộc sống bao gồm: (1) Mô hình phân loại riêng biệt (Segmentation model); (2) Mô hình lan toả (Spillover model); (3) Mô hình bù đắp (Compensation model); (4) Mô hình công cụ (Instrumental model); (5) Mô hình xung đột (Conflict model). Kết thúc bài trình bày, diễn giả chia sẻ các châm ngôn nổi tiếng về cân bằng công việc và cuộc sống để giải thích nghiên cứu của mình và nêu bật 4 hướng nghiên cứu chính về chủ đề này để có thể phát triển các nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.
Trong phần thứ hai của buổi toạ đàm, ThS. Phạm Thanh Huyền chia sẻ về chủ đề “Những giải pháp cân bằng công việc – cuộc sống: Kết quả nghiên cứu sơ bộ”.
Diễn giả Thanh Huyền cho biết lý do để phát triển đề tài là để tìm giải pháp cân bằng công việc – cuộc sống cho bản thân. Diễn giả chia sẻ với người nghe về nguyên nhân mất cân bằng và làm thế nào để cân bằng công việc – cuộc sống.
Theo diễn giả mất cân bằng – cuộc sống đối với mỗi đối tượng là khác nhau, đối với sinh viên (độ tuổi 18-25) là áp lực học tập, nhân viên văn phòng (độ tuổi 26 – 35) và các ngành nghề khác (độ tuổi 26- 45) là áp lực tài chính. Nguyên nhân mất cân bằng cuộc sống là do chịu áp lực đồng trang lứa và chưa có định hướng về tương lai. Cuối cùng, diễn giả đưa ra các giải pháp để cân bằng công việc – cuộc sống, như: quản lý thời gian hiệu quả, giao lư trò chuyện với bạn bè hay thường xuyên tập thể dục…
Trong phần thứ ba của buổi toạ đàm, TS. Hồ Nguyên Như Ý trình bày về chủ đề: “Đánh giá chiến lược marketing của Panasonic tại thị trường Việt Nam”.
Diễn giả chia sẻ một doanh nghiệp muốn mang sản phẩm tới người tiêu dùng cần mang chất lượng sản phẩm đến cho khách hàng để tạo giá trị thương hiệu bền vững và lâu dài. Panasomic là thương hiệu của Nhật Bản nổi tiếng về chất lượng tốt, tuy nhiên nhược điểm của Panasonic là thiết kế chưa đẹp, đơn giản, và không có sự thay đổi mẫu mã. Mục tiêu của nghiên cứu là để tìm ra điểm chưa hoàn chỉnh của Panasonic để cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Theo diễn giả, ở Việt Nam có khác biệt rõ rệt về sự hài lòng của khách hàng giữa 2 miền Bắc và Nam. Người miền Nam sẽ cởi mở hơn và ngược lại người miền Bắc sẽ khó khăn hơn trong việc đánh giá sự hài lòng với sản phẩm. Tuy nhiên, sự trung thành với sản phẩm của người miền Bắc được đánh giá cao hơn so với người miền Nam, trong khi người tiêu dùng khu vực miền Nam dễ có sự hài lòng với sản phẩm nhưng không trung thành với sản phẩm.
Diễn giả chia sẻ, khi Panasonic tiến vào thị trường miền Nam, họ phát triển rất mạnh mẽ và thành công. Tuy nhiên khi ồ ạt tiến vào thị trường miền Bắc, thương hiệu lại gặp khó khăn hơn khi giữ vững sự phát triển bền vững tại thị trường này vì vị trí địa lí của Hà Nội gần với Trung Quốc – nơi sản xuất nhiều mẫu mã sản phẩm và giá thành hợp lí hơn. Đây là một trong những tiêu chí rủi ro cho thương hiệu Panasonic tại thị trường Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của 300 người, từ độ tuổi 18- 55, vị trí địa Hà Nội – Đà Nẵng – Hồ Chí Minh, cho thấy người tiêu dùng của Panasonic chủ yếu là phụ nữ và độ tuổi sử dụng sản phẩm Panasonic nhiều nhất độ tuổi 46 – 55 vì những người tiêu dùng ở độ tuổi này chú trọng đến chất lượng và độ bền của sản phẩm.
Cuối cùng, diễn giả cho hay mục đích của nghiên cứu là giúp đánh giá và xác định lòng trung thành, sự hài lòng của khách hàng tại thị trường Việt Nam đối với thương hiệu và sản phẩm Panasonic. Sau phần trình bày của các diễn giả, các giảng viên và sinh viên đã tích cực đặt câu hỏi và trao đổi sôi nổi với các diễn giả và tất cả các vấn đề đều được giải đáp và trao đổi.
Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.
Lê Mỹ Hạnh
Khoa Kinh tế và Quản lý