Các yếu tố văn hóa trong Đàm phán quốc tế: Những thông điệp ý nghĩa từ bài giảng của TS. Tôn Sinh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ


Ngày 10/10/2024, các sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có giờ học với TS. Tôn Sinh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, giảng viên cao cấp của Học viện Ngoại giao. Bài giảng trong khuôn khổ môn học Tiếng Anh đàm phán trong Kinh doanh quốc tế, tập trung vào chủ đề “Các yếu tố văn hóa trong Đàm phán quốc tế”. Đây là một chủ đề rất hay và ý nghĩa đối với các sinh viên mong muốn tìm hiểu sâu hơn về môi trường giao tiếp đa văn hóa.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có giờ học hữu ích cùng TS. Tôn Sinh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, giảng viên cao cấp của Học viện Ngoại giao.

Trong phần chia sẻ của mình,TS. Tôn Sinh Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức về sốc văn hóa, điều thường xảy ra khi cá nhân tiếp xúc với những chuẩn mực và thực tiễn văn hóa xa lạ, như ngôn ngữ giao tiếp, thức ăn, khí hậu, phương tiện đi lại, con người… Những cú sốc này có thể dẫn đến cảm giác không thoải mái, dễ hiểu lầm, nhưng cũng mang lại cơ hội giúp người học trải nghiệm và trưởng thành. Đối với các sinh viên học ngành ngôn ngữ Anh nói chung hay môn học Đàm phán quốc tế nói riêng, nhận thức về sốc văn hóa là điều cần thiết để thích nghi với môi trường mới và xây dựng hiệu quả các mối quan hệ.

Diễn giả cũng nhấn mạnh đặc điểm của các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là sự khác biệt giữa các nền văn hóa phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh (high-context) và nền văn hóa phụ thuộc ít vào ngữ cảnh (low-context). Các nền văn hóa phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh ở nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nam Mỹ và các nước La tinh thường thể hiện giao tiếp bằng lời nói và phi lời, tôn trọng các mối quan hệ cộng động hơn cá nhân, mở đầu phần giao tiếp dài, nhiều chi tiết, sau đó mới đề cập đến vấn đề chính cần truyền tải. Ngược lại, tại các nền văn hóa ít phụ thuộc ngữ cảnh như Hoa Kỳ, Canada, Úc, các nước Châu Âu, mọi người ưa thích giao tiếp trực tiếp và rõ ràng, tôn trọng yếu tố cá nhân, tự do thể hiện quan điểm, vào thẳng vấn đề chính. Hiểu được những khác biệt này sẽ giúp các nhà đàm phán điều chỉnh chiến lược giao tiếp sao cho phù hợp hơn với nguồn gốc văn hóa của đối tác, qua đó thúc đẩy quá trình đàm phán suôn sẻ hơn.

TS. Tôn Sinh Thành đã mang đến những góc nhìn quý báu về sự phức tạp của đàm phán liên văn hóa.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã đề cập đến tác động của sự khác biệt văn hóa đối với kết quả của các cuộc đàm phán. Các chuẩn mực văn hóa liên quan đến quản lý thời gian, ra quyết định và thứ bậc có thể định hình tiến trình, quá trình đàm phán. Hiểu sai các chuẩn mực có thể dẫn đến xung đột hoặc bỏ lỡ cơ hội. Ví dụ, một số nền văn hóa coi trọng việc ra quyết định nhanh chóng, trong khi những nền văn hóa khác lại ưu tiên xây dựng mối quan hệ và lòng tin trước khi đi đến thỏa thuận đôi bên. Nhận biết được những khác biệt này là chìa khóa để tìm ra tiếng nói chung và tránh những hiểu lầm.

Để vượt qua sự khác biệt văn hóa một cách hiệu quả, TS. Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua chủ nghĩa vị chủng văn hóa hay chủ nghĩa duy chủng tộc (ethno-centrism)—xu hướng coi văn hóa của mình là ưu việt hơn hết. Chủ nghĩa vị chủng thường cản trở khả năng thấu hiểu, thiếu tôn trọng, coi nhẹ các quan điểm và giá trị của người khác ở các nền văn hóa khác. TS. Thành khuyến khích các sinh viên áp dụng tư duy thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism), tức là hiểu và tôn trọng các chuẩn mực văn hóa khác nhau, tự điều chỉnh để thích nghi, hiểu sự khác biệt mà không đưa ra những phán xét. Cách tiếp cận này giúp các nhà đàm phán xây dựng lòng tin và phát triển các mối quan hệ mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Bài giảng của TS. Tôn Sinh Thành thu hút sự quan tâm của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. 

Kết thúc bài giảng, TS. Tôn Sinh Thành đã mang đến những góc nhìn quý báu về sự phức tạp của đàm phán liên văn hóa. Thông qua việc nhận biết sốc văn hóa, hiểu các đặc điểm văn hóa và áp dụng tư duy thuyết tương đối văn hóa, các nhà đàm phán có thể điều chỉnh chiến lược, chiến thuật đàm phán trong giao tiếp quốc tế một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Đối với các sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, những bài học này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho học tập, nghiên cứu và làm việc thực tế sau này trong xu thế toàn cầu hóa, khi khả năng kết nối liên văn hóa ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Nguyễn Trí Trung

Khoa Ngôn ngữ ứng dụng