Các seminar hữu ích của Khoa Kinh tế và Quản lý trong tháng 8


Cuối tháng 8 vừa qua, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tổ chức thành công 03 seminar với các chủ đề thú vị do các giảng viên trong Khoa là diễn giả. Chương trình đã thu hút sự tham gia của các giảng viên và sinh viên của Nhà trường.

Mở đầu chương trình, diễn giả Hồ Nguyên Như Ý đã chia sẻ về chủ đề: “Lựa chọn đối tác trong liên minh chiến lược: Ứng dụng mô hình SBM DEA trong ngành logistics Việt Nam”. Liên minh chiến lược là một lựa chọn chiến lược phổ biến cho các doanh nghiệp nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của tất cả các đối tác trong quan hệ đối tác. Ngành logistics toàn cầu đã chứng kiến sự hình thành của nhiều liên minh chiến lược thành công. Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam dường như phát triển chậm và thiếu các quan hệ đối tác liên doanh dài hạn. Trong bối cảnh đó, việc có một cách tiếp cận hiệu quả hơn để lựa chọn đối tác trong các liên minh chiến lược là điều cần thiết để tăng cường mối quan hệ lâu dài và hiệu quả hoạt động của công ty.

Diễn giả Hồ Nguyên Như Ý đã chia sẻ về chủ đề: “Lựa chọn đối tác trong liên minh chiến lược: Ứng dụng mô hình SBM DEA trong ngành logistics Việt Nam”.

Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất sử dụng mô hình SBM-I-C DEA để kiểm tra và đề xuất các đối tác cho các công ty logistics Việt Nam trong việc hình thành các liên minh chiến lược. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng việc tích hợp công nghệ vào quản lý các liên minh chiến lược sẽ giúp các công ty trong liên minh xây dựng chiến lược tốt hơn với thông tin cập nhật về các chính sách. Sử dụng mô hình SBM-I-C DEA, các công ty có thể giảm thiểu chi phí vận hành và tối ưu hóa thời gian giao hàng, do đó có thể làm hài lòng khách hàng tốt hơn.

Tiếp nối chương trình, diễn giả Bùi Vũ Lương đã giới thiệu về cuốn sách “Các vấn đề hiện tại trong khách sạn và du lịch.” Cuốn sách khái quát về ngành du lịch và khách sạn, một ngành kinh tế chủ chốt đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do đại dịch COVID-19. Đại dịch đã thúc đẩy nhanh các xu hướng như áp dụng công nghệ và phát triển bền vững, những yếu tố quan trọng cho sự phục hồi của ngành. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng thảo luận về các thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên nhiên, và khủng bố. Các thị trường ngách và xu hướng mới của ngành cũng được phân tích kỹ lưỡng. Cuối cùng, tác giả đặt ra các vấn đề về du lịch bền vững và đưa ra các kịch bản cùng với chiến lược ứng phó cho tương lai.

Diễn giả Bùi Vũ Lương khẳng định đại dịch đã đẩy nhanh các xu hướng như áp dụng công nghệ và phát triển bền vững, điều này rất quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch và khách sạn.

Trong phần tiếp theo, diễn giả đã trình bày nghiên cứu “Các vấn đề hiện nay trong ngành khách sạn và du lịch tại Việt Nam, nhằm mở rộng các vấn đề quan trọng đã được nêu trong cuốn sách. Nghiên cứu này tập trung vào những thách thức đặc thù như sự phục hồi chậm của du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về công nghệ tiên tiến và thực hành bền vững trong ngành khách sạn-du lịch, cũng như sự chênh lệch giữa khu vực đô thị và nông thôn trong việc áp dụng công nghệ. Theo đó, Ngành du lịch và khách sạn của Việt Nam, một ngành kinh tế chủ chốt, đã đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch COVID-19. Đại dịch đã đẩy nhanh các xu hướng như áp dụng công nghệ và phát triển bền vững, điều này rất quan trọng cho sự phục hồi của ngành.

Cuối cùng, diễn giả Đào Công Tuấn chia sẻ về chủ đề: “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học giữa các mô hình quản trị của Việt Nam: Kết quả nghiên cứu và hàm ý chính sách”. Giáo dục đại học đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu. Đảng và nhà nước đã đưa ra nhiều định hướng cải cách, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của giáo dục đại học. Trong nghiên cứu, tác giả và các cộng sự đã sử dụng 5 tiêu chí và dữ liệu nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục đại học như: Điểm tuyển sinh, Tỷ lệ chương trình đào tạo được kiểm định, Tỷ giảng viên có học vị Tiến sĩ, Tỷ lệ công bố quốc tế/giảng viên, và Tỷ lệ trích dẫn/công bố quốc tế. Nghiên cứu đưa ra nhiều hàm ý chính sách cho các cơ quan quản lý trong tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học, phân bổ tài chính dựa trên hiệu quả hoạt động.

Diễn giả Đào Công Tuấn chia sẻ về chủ đề: “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học giữa các mô hình quản trị của Việt Nam: Kết quả nghiên cứu và hàm ý chính sách”.

Sau phần trình bày của các diễn giả, các giảng viên và sinh viên đã tích cực đặt câu hỏi và trao đổi sôi nổi với diễn giả và tất cả các vấn đề đều được giải đáp thỏa đáng. Với sự tham gia và thảo luận sôi nổi từ cán bộ và các bạn sinh viên, các chủ đề được đánh giá là rất thực tế và hấp dẫn.

Người tham dự lắng nghe và trao đổi, chia sẻ về các chủ đề. 

Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục triển khai các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa với các cán bộ giảng viên của Trường Quốc tế – ĐHQGHN cũng như các nhà khoa học khác có quan tâm.

Kim Duyên
Khoa Kinh tế và Quản lý