Ngày 5/4/2023, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thành công các buổi tọa đàm khoa học với sự tham gia của 20 giảng viên và sinh viên quan tâm.
Các chủ đề nghiên cứu được chia sẻ là những xu hướng nghiên cứu được quan tâm tại Việt Nam. TS. Hồ Nguyên Như Ý chia sẻ bài nghiên “Dự báo giá ngành mía đường hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, TS. Trần Công Thành, chia sẻ nghiên cứu “Quản trị tri thức trong quản trị hoạt động dịch vụ kỹ thuật toàn cầu: cơ hội và thách thức”, và PGS. TS. Lưu Thị Minh Ngọc, chia sẻ nghiên cứu “Ảnh hưởng của video quảng cáo Tiktok đến ý định mua hàng của thế hệ Z: bằng chứng từ Việt Nam”.
Trong bài trình bày của mình, TS. Hồ Nguyên Như Ý đã chia sẻ một góc nhìn mới mẻ và ấn tượng về các thực trạng và xu hướng giá của ngành mía đường hướng tới sự phát triển bền vững cho các hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Diễn giả và người tham gia dự tọa đàm đã thảo luận sôi nổi xung quanh giá trị và ý nghĩa thực tiễn của việc dự báo giá cho nông dân trồng mía đường Việt Nam, các hàm ý thực tiễn cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam và các phương pháp thay thế khác có thể sử dụng để dự báo giá như DEA.
TS. Hồ Nguyên Như Ý chia sẻ một góc nhìn mới mẻ và ấn tượng về các thực trạng và xu hướng giá của ngành mía đường hướng tới sự phát triển bền vững cho các hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Tiếp theo, TS. Trần Công Thành chia sẻ về quản trị tri thức trong quản trị hoạt động dịch vụ kỹ thuật toàn cầu: cơ hội và thách thức. Mở đầu, TS. Trần Công Thành trình bày quan điểm và gợi mở những câu hỏi liên quan tới quản trị tri thức ở các doanh nghiệp kỹ thuật; các xu hướng trong tổ chức vận hành kỹ thuật. Thêm vào đó, TS. Trần Công Thành chia sẻ một số xu hướng phát triển của các công ty kỹ thuật: mạng lưới kết nối các nhân sự, công ty kỹ thuật trên toàn cầu, thuê dịch vụ ngoài, xu hướng vừa hợp tác và cạnh tranh giữa các công ty kỹ thuật. Ngoài ra, TS. Trần Công Thành cũng nêu ra những thách thức trong việc quản trị tri thức: những rào cản trong việc chia sẻ tri thức, sự thiếu hụt kiến thức trong việc quản trị tri thức ở trong một mạng lưới lớn.
TS. Trần Công Thành chia sẻ về quản trị tri thức trong quản trị hoạt động dịch vụ kỹ thuật toàn cầu: cơ hội và thách thức.
Cuối cùng, PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc, trình bày nghiên cứu “Ảnh hưởng của video quảng cáo Tiktok đến ý định mua hàng của thế hệ Z: bằng chứng từ Việt Nam”. Trong phần giới thiệu, PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc đề dẫn lý do và động lực nghiên cứu của đề tài, sự ra đời của mạng xã hội, các xu hướng phát triển của quảng cáo trực tuyến, và xu hướng quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội Tiktok. PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc dẫn chứng có 39.9 triệu người đang xem các quảng cáo trên Tiktok, 53,3% nữ khách hàng có xem và mua hàng trên Tiktok… Đối với gen Z, hầu hết các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z đều sử dụng Tiktok và mua hàng trên mạng xã hội. Dựa trên kết quả khảo sát ở ba địa bàn là Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc đã chỉ ra rằng tính thông tin, giải trí, tính tương tác có tác động tích cực tới ý định mua hàng của gen Z, trong khi đó chưa có đủ cơ sở dữ liệu để kết luận tính phiền nhiễu nhiễm của quảng cáo bằng video trên Tiktok tới ý định mua sắm của Gen Z.
PGS.TS Lưu Thị Minh Ngọc đã chỉ ra rằng tính thông tin, giải trí, tính tương tác có tác động tích cực tới ý định mua hàng của gen Z.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả và người tham dự cũng trao đổi về tính mới và ý nghĩa thực tiễn của các nghiên cứu này tại Việt Nam, cách thức tính toán quy mô mẫu, các mô hình lý thuyết, phương pháp xử lý dữ liệu và các hàm ý thực tiễn cho các bên liên quan của các nghiên cứu tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế và Quản lý sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tọa đàm với nhiều chủ đề đa dạng, nhằm tăng cường sự chia sẻ và kết nối trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ giảng viên của Khoa.
Người tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Đào Công Tuấn
Khoa Kinh tế và Quản lý