Ấn tượng sau những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh


PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh – cố vấn Phòng đọc Thế giới Nga – Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) – đã có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Những lần gặp Bác đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh và lời khuyên bảo sâu sắc của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời dạy học và nghiên cứu của cô. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những dòng hồi ức với nhiều chi tiết lịch sử này của PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh.

Thời thanh niên sôi nổi và những lần được gặp Bác

Đầu năm 1953, sau Tết nguyên đán, chúng tôi gồm 17 con em cán bộ lãnh đạo ở Liên khu V tập trung tại Bình Định để đi bộ ra Bắc rồi sang Trung Quốc, Quế Lâm, học. Lúc đó tôi vừa sang tuổi 15, sau khi xin phép ba mẹ cho nghỉ học đón tất cả các em gồm 3 đứa: Sương – 5 tuổi, Tường – 3 tuổi và Dũng (bị câm điếc) – 18 tháng, về ở chái trên nhà ông nội ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, tỉnh Quảng Ngãi, nay có nhà lưu niệm của Ba tôi là Nguyễn Chánh – nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu V. Đoàn chúng tôi có chú thiếu tá phụ trách, một y sĩ, một cần vụ đi kèm để đưa chúng tôi vượt Trường Sơn ra Chiến khu Việt Bắc. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp Ba tôi. Sau 3 tháng chúng tôi đến Chiến khu Việt Bắc, cuối năm đi bộ lên biên giới và đi tàu hỏa về Quế Lâm để học. Khi Ba tôi ra Bắc họp Đại hội Trung ương Đảng thì tôi đã sang Quế Lâm, khi Ba tôi sang Trung Quốc chữa bệnh vào năm 1954 thì tôi đã được Bác Hồ cử sang Liên Xô để học tiếng Nga, trong số 100 học sinh từ lớp 6 trở lên. 80 bạn trong số 100 người về nước làm công tác phiên dịch ở các bộ, ngành, còn lại 20 người vào học Đại học Sư phạm Lê Nin tại Mát-xcơ-va, nhưng Sứ quán lấy một phiên dịch là bạn Xuân Phương về làm công tác phụ trách lưu học sinh, còn lại 19 người trong đó có tôi.

Sau một năm rưỡi học tiếng Nga, tháng 9 năm 1956, chúng tôi nhập học, khi tôi lên năm thứ 2, vào đầu năm, thường sinh viên được cử về các nông trường giúp đào khoai tây. Trước đó 1 tuần tôi nhận được thư Ba tôi báo là lần này nhất định Ba con mình sẽ gặp nhau, vì đầu tháng 11, Ba tôi sẽ đi trong đoàn của Chính phủ do Bác Hồ làm trưởng đoàn sang để ký kết quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Chưa kịp mừng thì Sứ quán bảo tôi không phải đi đào khoai tây mà lên ở cùng với Xuân Phương để giúp cô phiên dịch. Tôi cũng rất vui vì được ở với bạn gái thân thiết của mình và thử sức trong công tác phiên dịch. Lên đến nơi thấy Xuân Phương khóc mà tôi không biết tại sao, an ủi bạn, nhưng bạn ôm tôi và nói đây là nỗi đau của Tuyết Minh chứ không phải của tôi và báo tôi biết là Ba tôi đã ra đi vĩnh viễn vào sáng 24 tháng 9 năm 1957. Tôi ôm bạn khóc òa vì quá bất ngờ và biết là tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể gặp Ba được.

Tôi nghỉ học đến ngày 7 tháng 11 thì đoàn Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Liên Xô ký kết quan hệ ngoại giao, trong đoàn có bác Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái và nhiều người khác nữa. Tôi đã về ký túc xá chuẩn bị đi học thì bất ngờ cho tôi là có Xuân Phương đi cùng với anh Vũ Kỳ (thư ký và con nuôi của Bác) đến đón tôi đi gặp Bác. Trên đường đi anh Kỳ có giải thích là khi Ba tôi mất, Bác biết tôi đang học bên này, không về chịu tang Ba, nên Bác quan tâm, muốn gặp tôi để an ủi. Tôi vừa cảm động vừa lo lắng vì không biết phải ứng xử thế nào khi gặp một vị lãnh tụ vĩ đại như Bác mà tôi đã từng biết qua báo chí và sách vở.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (đứng đầu tiên bên trái ảnh bên cạnh Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh) được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm của Người đến Liên Xô. Ảnh: TLNVCC

Vừa bước vào phòng, Bác cùng Xuân Phương và anh Vũ Kỳ, Bác chủ động hỏi ngay: “Cháu là Tuyết Minh con chú Chánh đang học tiếng Nga ở Đại học Sư phạm Lê Nin đấy à?”. Tôi lí nhí trả lời: “Vâng ạ”. Tôi đang ngơ ngác nhìn bác trong bộ quần áo lụa màu nâu cũ kỹ, bình dị như một cụ già Việt Nam ở quê. Còn đang ngỡ ngàng thì bác nói với anh Vũ Kỳ bảo thêm 2 suất cơm cho tôi và Xuân Phương. Đây là nhà khách Chính phủ ở trên đồi Lê Nin rất sang trọng, nên tôi mải ngắm nhìn càng thấy rụt rè hơn. Chắc Bác đã nhận ra điều đó liền kéo tôi ngồi xuống giường cạnh bác, ôm vai tôi và hỏi: “Sinh viên ở đây học bổng chỉ có 50 rup, chắc không nếm được của ngon vật lạ? Chốc nữa xuống ăn cơm với Bác, hai đứa tranh thủ ăn những món ngon nhé, tiệc chiêu đãi khách quốc tế mà!”. Không ngờ Bác lại thấu hiểu hoàn cảnh thiếu thốn của sinh viên và đồng cảm như vậy, tự nhiên khoảng cách giữa tôi và Bác được thu hẹp lại, tôi bớt e dè và mạnh dạn hơn.

Đến giờ ăn tối, Bác khoác vai tôi và Xuân Phương đến phòng ăn. Bác ngồi giữa chúng tôi, chúng tôi ngồi hai bên, các bác thành viên trong đoàn ngồi tiếp theo và đối diện. Bác giới thiệu: “Đây là món trứng cá đen, đắt tiền lắm, bé thử cho biết”. Tôi chưa bao giờ được ăn nên không biết ăn, chỉ thích ăn món canh cá và thịt bò bít-tết với khoai tây rán thôi. Bác thân mật gõ đầu tôi rồi bảo: “Sao mà dốt thế, món ngon và bổ thì lại không biết ăn”. Trong khi ăn Bác hay vui đùa, làm trò cho mọi người vui vẻ, thoải mái. Bỗng Bác thì thầm vào lúc uống chè sau bữa ăn: “Bé thấy hộp kẹo Socola to kia không? Ngon lắm. Bé bóc ra mời mọi người đi”. Tôi thưa với Bác: “nhưng chỉ còn có vài người ăn sao hết mà bóc ra hả Bác?”. Bác lại nói: “Bác bảo bóc thì cứ bóc đi!”. Tôi sợ Bác phật lòng nên bèn bóc ra mời. Chỉ có mấy người, tôi và Xuân Phương, cả Bác nữa ăn mỗi người một chiếc. Sau đó Bác lấy hộp kẹo to cho tôi mang về. Trên đường về phòng Bác tỉ tê: “Dại thế! Bé có bóc ra thì Bác mới cho bé đem về mời các bạn, chứ nếu để nguyên thì người ta cất vào mất”. Lúc này tôi mới hiểu ra “ý đồ” của Bác, lãnh tụ một nước nghèo muốn có quà cho các cháu thì phải “khôn ngoan” một chút. Trước khi ra về Bác dặn anh Vũ Kỳ đưa tôi ra mê-tơ-rô đồi Lê Nin và dặn cho tôi 5 cô-pếch để đi về chứ đừng dùng xe công đi. (Anh Vũ Kỳ vâng dạ, nhưng đưa xe cho tôi và Xuân Phương về tận nhà, không thể để con gái 9-10 giờ đêm tối còn đi mê-tơ-rô). Bác không quên dặn tôi: “Bé về nhớ mời kẹo các bạn, bảo là Bác Hồ gửi cho nhé!”. Thật quý giá biết bao! Không phải là kẹo mà là tấm lòng của Bác. Đây là ấn tượng lần đầu tiên tôi gặp Bác và nhớ mãi đến sau này hơn 60 năm trôi qua.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (ngồi hàng đầu, thứ 3, bên trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng bạn tại sảnh chính trường Đại học Sư phạm Lê Nin. Ảnh: TLNVCC

Suốt thời gian tôi học ở Đại học Sư phạm Lê Nin đầu năm 1961, năm nào sang Bác cũng cho anh Vũ Kỳ đón tôi và Xuân Phương lên ở với Bác vài hôm, điếu đóm giặt quần áo, vá áo rách, đính cúc áo và dịch trong các bữa ăn hoặc xem phim sau bữa ăn, dĩ nhiên những buổi đàm phán chính thức thì chúng tôi chưa đủ trình độ.

Tôi còn nhớ trong năm cuối tôi học ở Đại học Sư phạm Lê Nin, khi N.X. Khơ-ru-sốp làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô (1953-1954), ở Liên Xô xuất hiện chủ nghĩa xét lại – tức là xét lại học thuyết Karl Marx và Friedrich Engels và Lê Nin cũng như phong trào chống sùng bái cá nhân J. Xtalin. Bác có sang thăm Liên Xô và lại cho gọi tôi và Xuân Phương đến gặp Bác. Tôi vốn rất thích xem phim Liên Xô, hầu như không bỏ sót phim nào, có mấy bộ phim mà tôi thích là “Người thứ 41”, “Đàn sếu bay qua”, “Bầu trời trong sáng”, “Người Cộng sản” thì Trung Quốc và Việt Nam cho là phim xét lại. Tôi lo lắng sợ bị ảnh hưởng xét lại nên mạnh dạn hỏi xem Bác xem những phim này chưa, Bác trả lời: “Hình như Bác có xem phim “Người thứ 41” thì phải, nhưng sao cháu hỏi Bác làm gì?”. Tôi hỏi: “Bác thấy có hay không?”. Bác bảo: “Hay, bác rất thích”. “Sao cháu nghe nói đó là phim xét lại?”. Bác bảo: “Bác chẳng hiểu xét lại là gì, những phim đó phản ảnh thực tại chính xác, lôgic và biện chứng”. Bác phân tích: “Thử hỏi anh chàng sĩ quan bạch vệ đẹp trai và cô gái có tay súng cừ khôi đã bắn trượt anh ta là người thứ 41 cùng lạc trên một đảo không bóng người thì họ sống nương tựa vào nhau và yêu nhau là lẽ thường tình dù ở hai trận chiến khác nhau. Nhưng một hôm có chuyến tàu của Bạch Vệ đến cứu gọi tên anh, anh vội vàng chạy ra đón tàu, cô gái nâng súng bắn chết anh ta, khi anh đã chết cô lại chạy đến ôm anh lên khóc nức nở. Tất cả đã diễn biến rất hợp lý vì khi chạy theo tàu bạch vệ thì anh là kẻ thù nên cô bắn, lúc anh chết rồi thì anh là người yêu của cô nên cô bế anh lên và ôm anh khóc. Bác thấy rất hay và chẳng hiểu xét lại chỗ nào cả?”. Sau khi nghe Bác phân tích tôi vô cùng mừng rỡ thấy mình không bị ám ảnh bởi việc không lĩnh hội đúng đường lối chính trị của Đảng.

Cùng vào đợt đến thăm Bác năm 1960, ở Liên Xô đã xuất bản quyển “Nhật ký trong tù” của Bác do Antokolxki dịch ra tiếng Nga. Ông đến tặng Bác, Bác rất vui. Khi ông về rồi Bác gọi tôi ra và bảo: “Bé thử dịch lại từ tiếng Nga ra tiếng Việt Bác xem nào”. Tôi nhớ cũng đã có đọc quyển này của Bác viết bằng thơ. Tôi thưa với Bác: “Nhưng dịch ra thơ cháu làm sao dịch nổi”. Bác bảo: “Bé chỉ cần dịch nội dung thôi”. Khi tôi dịch sang tiếng Việt thấy Bác tủm tỉm cười, rồi bảo: “Bác làm gì có những bài này nhỉ? Đúng là tam sao thất bản. Chắc là ông này dịch ra tiếng Nga bằng thơ không sát ý nên nội dung bị cải biên”. Tôi vội vàng thưa: “Bác ơi, không phải đâu ạ, chắc là cháu kém tiếng Việt nên dịch không chính xác thôi ạ”. “Cháu đi hoạt động cách mạng nay đây mai đó, cháu theo mẹ nên lớp 1 học ở trường Rừng xanh ở cách nhà 2-4 cây số, hàng ngày 4 giờ rưỡi sáng đã đi cho kịp 6 giờ học, 5 giờ chiều mới về, tự làm bài chẳng ai giúp nên kiến thức lõm bõm, lớp 6 học ở Quế Lâm, Trung Quốc, năm 54 được Bác cho sang đây, sau 1 năm rưỡi học tiếng Nga vào thẳng Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Lê Nin nên tiếng Việt và kiến thức phông nền phổ thông hầu như không có”. Bác chăm chú nhìn tôi một lúc đầy cảm thông rồi khuyên tôi một cách chân tình. “Cháu biết không, sau này nghề của cháu là dạy tiếng Nga và văn học Nga mà tiếng Việt kém thì làm sao có thể dạy tốt được. Cho dù cháu thành thạo nhiều ngoại ngữ mà không thạo tiếng mẹ đẻ thì không thể dịch và dạy tốt được. Từ nay về nhớ tự học bổ sung kiến thức bị hổng ở phổ thông nhé”. Tôi thực sự cảm nhận lời khuyên của Bác vì đó là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời dạy học và nghiên cứu của tôi.

Cô Nguyễn Tuyết Minh xem lời khuyên của Bác Hồ là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời dạy học và nghiên cứu của mình. Ảnh: Ngọc Tùng

Số phận như sắp đặt để tôi thực hiện lời khuyên của Bác

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp, tôi cùng 3 bạn được phân công về trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngoại ngữ, ban tiếng Nga, do giáo sư Phạm Huy Thông phụ trách. Bên tổ Ngôn ngữ Khoa văn có nhu cầu xin một người tốt nghiệp ở Nga về giúp tổ dịch những công trình nghiên cứu tiếng Việt ở Viện Phương Đông Mát-xvơ-va và Khoa Đông Phương học ở Đại học Tổng hợp Lêningrat viết. Anh Phạm Huy Thông có đề xuất một trong số 4 người chúng tôi sang đó, nhưng chẳng ai muốn đi vì biết đây là việc quá sức. Tôi liền nhớ lời Bác khuyên nên tự nguyện xin sang đó. Anh Thông rất mừng và ra quyết định cho tôi về Tổ Ngôn ngữ do anh Hoàng Tuệ phụ trách.

Tôi mới về nước, còn rất nhiều ngô nghê trong ứng xử, không khéo léo, cả cách xưng hô cũng lúng túng, được cái thật thà, chất phác, nên được các anh trong tổ hết lòng giúp đỡ. Tuy kiến thức về Ngôn ngữ học đại cương và loại hình học kém, thuật ngữ tiếng Việt không biết, nhưng nhờ chịu khó đi dự các bài giảng về môn tiếng Việt của các anh Hoàng Tuệ (Đại học Sư phạm), anh Nguyễn Tài Cẩn (Đại học Tổng hợp), các anh Nguyễn Kim Thản, Hoàng Phê (Viện Ngôn ngữ)…, nên sau 6 tháng tôi cũng dịch được các bài của các nhà khoa học đầu ngành Việt Nam học của Nga, tuy mỗi lần báo cáo không khỏi bị các anh trong tổ cười sửa cho một cách thông cảm.

Một hôm anh Hoàng Tuệ gọi tôi lên và bảo tôi lên lớp về Ngôn ngữ học dẫn luận. Tôi lo lắng không biết mình có đảm nhiệm được không. Anh động viên tôi vào bảo cần gì anh sẵn sàng gúp đỡ. Tôi có lợi thế là có trong tay có 4 quyển dẫn luận của các tác giả Nga hoặc được dịch ra tiếng Nga để tham khảo nên cũng đỡ lo. Mỗi lần lên lớp tôi chuẩn bị rất kĩ, viết ra khoảng 17 trang giấy, tập nói trước ở nhà cho vừa số giờ, theo chương trình gồm có 10 bài giảng bằng 20 giờ lên lớp. Cả tổ dự lớp và sau mỗi buổi lên lớp được đánh giá chung của tổ. Cũng may mà tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó anh Hoàng Tuệ lại giao cho tôi nhiệm vụ mới: giảng phần “Cấu tạo từ tiếng Việt”. Tôi lo là không hoàn thành được nhiệm vụ nhưng tự nhủ – đi sâu vào nghiên cứu tiếng Việt thì mới có thể hoàn thành dược nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho theo lời khuyên của Bác. Vậy là tôi lại bắt tay vào chuẩn bị chuyên đề “Cấu tạo từ tiếng Việt” cũng khoảng 10 bài giảng. Mỗi việc tiến hành đúng quy trình như lần trước, cứ tưởng thế là yên tâm để năm học mới lại lên lớp hai chuyên đề đã chuẩn bị, trong khi tôi có bầu và chuẩn bị sinh cháu đầu lòng.

Trên cương vị là cố vấn Phòng đọc Thế giới Nga, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đã tư vấn nhiều hoạt động và chương trình quảng bá tiếng Nga và văn hóa Nga tại Việt Nam. Ảnh: TLNVCC

Không ngờ tình hình chính trị thay dổi. Hồi đó Việt Nam cũng cho Liên Xô là có tư tưởng xét lại nên cho hết chuyên gia về nước, anh Phạm Huy Thông lại gọi tôi lên chuyển tôi về lại Khoa Ngoại ngữ để dạy tiếng Nga. Tôi tuân thủ thu xếp chuyển về khu tập thể dành cho Khoa Nga trong trường ở cạnh các anh Khoa Trung, Khoa Anh và Khoa Pháp. Tôi lại bắt đầu chuẩn bị bài để dạy thực hành tiếng Nga từ năm thứ I, rồi II và III, IV, V, đồng thời viết giáo trình để dạy.

Năm 1965, anh Phạm Huy Thông gọi tôi lên cho đi học Nghiên cứu sinh, tôi thật lòng không muốn đi vì con còn bé lại thời chiến, nhưng anh động viên: “Em là người miền Nam, cố gắng đi để có cán bộ nguồn sau này về miền Nam phục vụ”. Vậy là một lần nữa tôi tuân thủ sự sắp đặt của tổ chức”

Sang Nga vào tháng 12, trong những ngày trước Tết, tôi được đi sắm quần áo và phân về Đại học Sư phạm Lê Nin – trường cũ của tôi – làm nghiên cứu sinh và về ở kí túc xá quen thuộc đã từng ở 5 năm khi còn là sinh viên. Trong thời gian này tôi phải tự nghĩ đề tài nghiên cứu và trình bày trước tổ bộ môn để xin thầy hướng dẫn. Tôi không hề lưỡng lự khi chọn đề tài: “Thể động từ tiếng Nga đối chiếu với tiếng Việt”, rồi “Thức mệnh lệnh tiếng Nga đối chiếu với tiếng Việt”, không may cho tôi là thầy thứ nhất là cụ Gôlanốp ra đi vì đã già và bệnh nặng, thầy thứ 2 – đi công tác biệt phái bên Đức, mãi đến cô giáo thứ 3 mới đậu lại. Cấu trúc luận án phải có một chương tiếng Nga, một chương về tiếng Việt và một chương đối chiếu tìm ra cái chung và cái dị biệt trong phương thức biểu đạt trên cơ sở chung trường ngữ nghĩa. Tôi lại phải đi dự giờ ở Viện Phương Đông về “Ngôn ngữ học đối chiếu” và đã xin thầy V. M. Xônxép đồng hướng dẫn cùng với cô giáo N. M. Chelencôva.

Và như vậy là nhờ gợi ý của Bác mà cả 60 năm dạy học và nghiên cứu của tôi đã ứng dụng bình diện đối chiếu trong việc biên soạn sách giáo khoa cũng như làm từ điển để phục vụ cho sự nghiệp phát triển tiếng Nga ở Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ mà Bác đã giao cho khi cử 100 đứa chúng tôi đi học từ năm 1954. Sắp sinh nhật Bác tôi mạo muội viết về những ký ức khó quên sau những lần gặp Bác và chia sẻ cùng ai quan tâm.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh

Cố vấn Phòng đọc Thế giới Nga